Israel quyết diệt S-300 Nga: Biệt kích đánh úp hay F-35 tấn công trực diện?

Bảo Lam |

Đối với Israel, việc tiêu diệt S-300 của Syria có ý nghĩa nguyên tắc, không chỉ là vấn đề an ninh - chính trị mà là danh dự quốc gia và cạnh tranh trong lĩnh vực quốc phòng.

Cơn tức tối của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Ngày 24/9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi việc Moscow cung cấp các hệ thống vũ khí tân tiến cho "những đối tượng vô trách nhiệm" là mối đe dọa lớn đối với an ninh trong khu vực.

Thông tin này được chính Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo. Cụ thể, ông Netanyahu đã nhấc ngay máy điện thoại khi biết được quyết định của Nga chuyển giao cho Syria các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 trong vòng 2 tuần.

Thủ tướng Israel còn nói với Tổng thống Nga rằng, các cuộc ném bom nhằm vào quân đội chính phủ Syria, dù thế nào, sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện - "Isarel sẽ tiếp tục bảo vệ an ninh và những lợi ích của mình".

Ông Netanyahu cũng cam kết sẽ tiếp tục điều tra vụ việc dẫn tới 15 sĩ quan Nga thiệt mạng, mặc dù ông không nghi ngờ vào báo cáo của giới quân sự Israel. Theo lời của ông, kẻ có lỗi gây ra vụ tai nạn là "phía vô trách nhiệm" mà Nga đang chuẩn bị giúp đỡ bằng loại vũ khí hủy diệt hơn.

Đáp lại, ông Putin tuyên bố rằng, Chính phủ Nga không đón nhận tuyên bố của các phi công Do Thái về việc các máy bay tiêm kích F-16 không sử dụng IL-20 làm lá chắn.

Tổng thống Nga một lần nữa nhấn mạnh: "Thông tin do giới quân sự Israel cung cấp trái ngược với những kết luận của Bộ Quốc phòng Nga. Những hành động của Không quân Israel là lý do chính dẫn tới thảm kịch". Có nghĩa là trách nhiệm trong vụ tai nạn của chiếc máy bay trinh sát IL-20 thuộc về Tel-Aviv.

Bất chấp cam kết mang tính hình thức về việc sẽ tiếp tục hợp tác để ngăn chặn những cuộc xung đột trên không, các bên đều rất cương quyết. Đối với hai nhà lãnh đạo, sự nhượng bộ trong vấn đề này sẽ kéo theo những hậu quả chính trị khôn lường.

Các phương tiện truyền thông phương Tây, khi bình luận về sự bất đồng ngày càng gia tăng giữa Nga và Israel đã thấy trong đó, trước tiên, ý muốn của giới quân sự Nga kiên quyết bảo vệ những kết luận của mình, khi có vẻ như họ muốn cảnh báo một số nhà hoạt động chính trị Moscow không nên đưa ra bình luận khác liên quan tới thảm kịch IL-20.

Trước khi xuất hiện tuyên bố chính thức về việc cung cấp cho Syria các tổ hợp tên lửa phòng không S-300, thành viên Uỷ ban về Quốc phòng Thượng viện Nga, ông Frantz Klintzevich đã báo trước tin này khi tuyên bố rằng, "chúng tôi… có tất cả những nguồn lực cần thiết để đóng toàn bộ không phận Syria đối với Israel".

Theo thông tin được biết, Nga sẵn sàng chuyển giao cho quân đội Syria hai tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300, tức khoảng 24 bệ phóng với 4 quả tên lửa mỗi bệ.

Theo kế hoạch, số lượng các tên lửa đánh chặn "đất đối không" này sẽ đảm bảo được sự an toàn cho không phận tại Syria. Thậm chí hiện nay các đơn vị của ông Assad từng bước cũng đã đánh bật được các cuộc không kích của Không quân Israel bằng những tổ hợp tên lửa lỗi thời S-125 và S-200 tiếp nhận từ thập niên 80.

Dù sao thì còn quá sớm để nói về "sự ra đi" của hệ thống phòng không quân đội Syria sau những nỗ lực của liên quân phương Tây nhằm tiêu diệt các tổ hợp tên lửa phòng không của Damascus.

Bên cạnh đó, Chính phủ Assad, ngoài những tổ hợp phòng không S-300, còn yêu cầu tăng cường thêm cả các máy bay tiêm kích MiG-31 vì chỉ các tên lửa "đất đối không" thôi chưa đủ.

Israel quyết diệt S-300 Nga: Biệt kích đánh úp hay F-35 tấn công trực diện? - Ảnh 1.

Hệ thống phòng không S-300 "Favorit". Ảnh: TASS

Israel sẵn sàng dùng biệt kích đánh úp S-300?

Tuy nhiên, Israel đã sở hữu những phương tiện kỹ thuật có thể giảm thiểu được mối hiểm họa đối với các máy bay của mình từ phía những tên lửa đất đối không S-300.

Lấy ví dụ, các bẫy nhiệt và hệ thống laser chống tên lửa do công ty Elbit Systems đã chứng tỏ được khả năng tốt của chúng. Tuy nhiên, Không quân Isarel vẫn phải hành động vô cùng cẩn trọng để không biến mình thành nạn nhân của S-300.

Đối với Nga, đó đúng là thực tế của việc thà đánh giá quá còn hơn coi thường đối phương. Và bất chấp người Israel phản ứng rất bức xúc trước mọi thông tin về việc Nga cung cấp các tổ hợp S-300 cho Syria, hoàn toàn có thể phỏng đoán một cách logic rằng, Quân đội Israel đã áp dụng những giải pháp nhất định để giảm thiểu tối đa mối đe dọa tiềm ẩn này.

Nếu kết hợp tất cả những gì mà các chuyên gia Israel và Mỹ nói, có thể đưa ra kết luận - những hệ thống S-300 tiềm ẩn mối nguy hiểm đáng quan tâm, nhưng không đáng báo động đối với các phi công Israel.

Như Svpressa.ru (Nga) từng đưa tin, để đáp trả việc Nga cung cấp các tổ hợp S-300 cho Syria, Tel-Aviv "nhiều khả năng, sẽ tung vào các máy bay F-35 Lightning-II", bởi vì các tiêm kích-ném bom F-16A/B đã không còn đáp ứng được những yêu cầu về thời gian.

Điều này đã được chứng minh bằng việc gần đây một chiếc máy bay F-16, lần đầu tiên trong vòng 35 năm vận hành chiến đấu, đã bị Syria bắn hạ.

Ở đây cần phải lắng nghe những chia sẻ của Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Avigdor Liberman, người đã lên tiếng cam kết sẽ tiêu diệt các tổ hợp S-300 bằng máy bay tiêm kích tối tân F-35 và "các loại bom tiên tiến" Spice-250, thứ dường như được chế tạo đặc biệt để chống lại các tổ hợp tên lửa của Nga.

Nhưng trên thực tế, thậm chí ở Israel cũng có những lời chỉ trích được đưa ra nhằm vào chiến lược chống lại S-300 kiểu này.

Israel quyết diệt S-300 Nga: Biệt kích đánh úp hay F-35 tấn công trực diện? - Ảnh 2.

Tiêm kích F-35 của Không quân Israel. Ảnh: BBC

Cụ thể đó là ông Moshe Arens, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cựu ngoại trưởng và đại sứ Israel tại Mỹ, hiện nay đang là giáo sư trong lĩnh vực hàng không, người chỉ trích những khả năng của Lightning-II trong việc chống lại các tên lửa đánh chặn của người Nga. Theo lời ông, máy bay tiêm kích F-35 bất lực trước S-400, và rất nhiều yếu điểm trước S-300.

Những kết luận của ông được gián tiếp khẳng định bằng chương trình tăng cường của Không quân Isarel. Trong đó có nói rằng "việc Không quân đưa vào vận hành một số lượng đáng kể các máy bay F-35 không phải là nhiệm vụ ưu tiên". Tel-Aviv chú trọng vào việc nâng cấp các phiên bản của tiêm kích F-16 mà lần gần nhất được bàn giao cho quân đội vào năm 2006.

Liên quan đến S-300, điều quan trọng hơn cả đối với Israel không phải là việc chúng được chuyển giao cho Syria, mà ai sẽ là người điều khiển chúng.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Liberman nói rằng "nếu không nằm trong tay người Nga", những tổ hợp này không phải là mối đe dọa (đối với Không quân Israel). Ngược lại, nếu ngồi phía sau bàn điều khiển là các sĩ quan Nga thì mọi việc sẽ khác.

Cần phải hiểu rằng đối với nhà nước Do Thái và đồng minh chống lưng là Mỹ, việc tiêu diệt S-300 được bàn giao cho Syria mang ý nghĩa nguyên tắc. Đối với họ, đó không chỉ là vấn đề chính trị và an ninh, mà là danh dự quốc gia và cạnh tranh trong lĩnh vực quốc phòng.

Căn cứ vào khả năng của Không quân Isarel và "những cánh tay nối dài" của Mossad và Aman (tình báo quân sự Isarel), không loại trừ khả năng lần này các đơn vị của Nga tại Syria sẽ bị đánh từ sau lưng bởi những đội biệt kích và các điệp viên ẩn mình. Bởi vậy Bộ Quốc phòng Nga cần phải tính tới cả yếu tố này.

Mục kích hệ thống tên lửa phòng không S-300V tác chiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại