Kỳ 1 - Chiến trường K : Ma quái, rợn tóc gáy lần đầu chạm mặt lính Khmer Đỏ
-----------
Kỳ 5: Chiến trường K: Lui quân theo đề nghị của… địch - QĐND Việt Nam quân tử, Polpot thất kinh
QĐND Việt Nam rộng lòng quân tử - Polpot thất kinh
Lui quân! Lệnh báo động đến với đơn vị vào khoảng 6 h chiều. Chúng tôi không ngạc nhiên lắm bởi mọi hoạt động gần đây đều tịnh tiến dần về phía biên giới Việt Nam.
Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là cấp trên thông báo: Chính phủ Campuchia đề nghị các đơn vị QĐND Việt Nam triệt thoái khỏi đất nước họ, để họ thu hoạch vụ lúa mùa đang có nguy cơ chín rũ ngoài đồng.
Tác giả Phạm An Định - Nguyên Đại đội phó C11, D6, E2, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 tham gia Chiến tranh Biên giới Tây Nam
Công tác ngoại giao cũng lắm oái oăm. Đánh nhau sứt đầu mẻ trán vẫn bạn bè. Thôi thì kẻ dưới có lời thì ta cũng rộng lòng quân tử. Thảo nào thời gian gần đây, bọn Khmer Đỏ cũng không có phản ứng gì khi ta còn ở trên đất chúng. Sau trận đòn đau vừa rồi, có lẽ chúng cũng đang thất kinh chưa dám động thủ.
Những người dân Campuchia đi theo chúng tôi, họ nói xin chạy theo lánh nạn. Ở lại sẽ bị Pol Pot giết chết hết. Đàn ông con trai Ăng ka (lãnh đạo) bắt lính hoặc giết hết rồi, còn toàn người già, phụ nữ và trẻ em.
Khổ quá! Ai cũng ốm o tiều tụy, tuy nhiên không gia đình nào bị đói. Sẵn lúa chín bên đường, lúc nghỉ giải lao họ lại tranh thủ gặt đập tích trữ lương thực.
Tiếng mõ khua lốc cốc, tiếng bánh xe miết xuống đường lạo xạo, lục cục. Nhũng đôi bò mắc cái ách trên vai cứ lầm lũi nhẫn nại bước từng bước một như muốn thách thức với cái nắng mùa khô. Có lẽ loài bò cũng chẳng cần quan tâm đến con đường phía trước sẽ dẫn tới đâu bằng một vẻ bất cần cố hữu.
Trên con đường đất đỏ bụi bay mù trời, từng đoàn dân tị nạn với đôi chân trần lặng lẽ và cam chịu, giống như số phận của dân tộc mình, nhằm hướng đông thẳng tiến.
Bộ đội Việt Nam rút quân về nước.
Trại tị nạn trên đất Việt Nam
Mưa to quá, cứ như cầm thùng mà đổ. Những cơn mưa chợt đến chợt đi ở cái vùng đất "Miền Đông gian lao mà anh dũng" này hay làm cho người ta bị bất ngờ như một trò đùa tinh quái.
Chúng tôi vứt vội cái xe đạp xuống vệ đường, lao vào căn chòi lá trong lô cao su, chắc là của công nhân cạo mủ nhưng nay bỏ hoang vì chiến tranh.
Sau khi đã lành vết thương, tôi và thằng Lạc tự túc bắt xe về lại Trảng Lớn, hậu cứ của trung đoàn, đợi ngày trở sang đơn vị. Ăn nằm mãi cũng chán, chúng tôi quyết định hành quân dã ngoại một chuyến. Đi đâu? Chưa biết, cứ đi rồi tính sau.
Rụt rè gõ cửa phòng anh Bốt tiếp phẩm: Anh, cho bọn em mượn cái xe đạp đi có việc. Vừa nói, tôi vừa liếc chiếc xe Vĩnh Cửu dựng sát góc nhà khoá bằng giây xích.
"Bố này dở người, trong doanh trại quân đội chứ có phải chợ Sắt nhà bố đâu mà khóa kĩ thế", vừa nói, tôi vừa móc ra gói Thủ Đô bao bạc. Thấy thuốc lá, mắt anh sáng lên nhưng vẫn cao giọng: "Cái xe làm ăn của tao chứ phải đồ vớ vẩn mà cho mượn. Chúng mày có bị gì đã có nhà nước lo, Còn cái xe của tao...".
Tôi dúi luôn gói thuốc vào tay, anh dịu giọng: "Có đi thì đi nhanh nhanh mà về. Khmer Đỏ nó bắn pháo 130mm vào thị xã Tây Ninh rồi đấy".
Nghe nói ở thôn Châu É thuộc huyện Châu Thành có khu tị nạn của người Campuchia nên chúng tôi quyết định đạp xe đến ngó chơi cho biết, xem có gặp ai quen khi tiếp xúc bên kia hay không?
Sua sđây! Ba đa nẹ ni! (Chào các cô!).
Người dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn đưa cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường về nước. Ảnh minh họa
Nhìn vô căn nhà lợp tôn có lá cờ chữ thập treo trước sân, thấy hai cô gái da ngăm đen đang ngồi nói chuyện, tôi vui vẻ cất lời chào. Ba đa nẹ ni sóc xà bai ót? (Các cô có khỏe không ?). Hai cô gái trố mắt nhìn chúng tôi: Chèng đéc ơi, hai anh nói tiếng Khmer rành quá!
Lỡ nhịp rồi, không ngờ họ là người Việt. Thế cũng tốt, đỡ phải nói chuyện bằng tay. Các cô cho biết, các cô là nhân viên Hội Chữ thập đỏ của huyện, hàng ngày vô đây trực để có đoàn cứu trợ nào tới viện trợ, các cô thông báo cho các tổ trưởng là người Khme ra nhận chia cho bà con.
Cũng không có chi nhiều, chủ yếu là lương thực, thuốc men và dụng cụ sản xuất. Trò chuyện đùa giỡn một hồi, Các cô rủ chúng tôi hôm nào rảnh vô nhà chơi các cô giới thiệu với tía má. Thằng Lạc mắt cứ hấp ha hấp háy ra ý bằng lòng.
Tôi hỏi các cô: Bọn tôi muốn đi thăm nơi ở của bà con có được không? các anh cứ đi, nhưng cẩn thận không lại dẫm phải... "mìn", một cô cảnh báo. Mìn gì? Tôi hỏi lại. Các cô bụm miệng cười.
À , hiểu rồi. Dân Khmer có một lợi thế là quấn mỗi chiếc xà rông, mỗi lần có nhu cầu, họ quây tròn lại rồi... tương ra bất kể ở đâu. Hồi bên kia chúng tôi cũng đã được chứng kiến.
Đạp một vòng quanh khu tị nạn, thấy họ ở theo từng dãy như trại lính. Cũng nhà sàn nhưng bé nhỏ xập xệ. Phận ăn nhờ ở đậu thôi mà. Nhìn thấy một mái nhà tương đối khang trang, bọn tôi ghé vô.
Một người đàn ông chạc tuổi 40 đứng nhìn ra, chúng tôi chắp tay chào theo lối xã giao. Ông giơ hai tay đon đả mời chúng tôi vào chơi. Ông cho biết mình là khu trưởng khu tị nạn này, nhiệm vụ chính là phân phối hàng cứu trợ cho bà con, phối hợp với chính quyền Việt Nam quản lí nhân khẩu.
Ông mời chúng tôi uống trà, hút thuốc rê. Thuốc rê ông trồng xung quanh nhà đã tốt um, phải nói vùng đất này rất hợp với cây thuốc lá. Ngồi chơi một lúc, chúng tôi xin phép ông được đi dạo quanh.
Chúng tôi đạp xe đi vòng quanh khu tị nạn. Bà con đứng ngồi lố nhố trên nhà vẫy tay chào chúng tôi, gọi: "Con tóp (Bộ đội) Việt Nam, Con tóp Việt Nam".
Nhân dân Campuchia mừng đón Quân tình nguyện Việt Nam đến giải phóng khỏi chế độ diệt chủng. ẢNH: TƯ LIỆU QĐ
Bọn trẻ rồng rắn lên mây bu sau chiếc xe reo hò inh ỏi, chúng làm quen rất nhanh. Nhìn cảnh sinh hoạt thấy tạm bợ và cực khổ. Tuy nhiên xung quanh mỗi nhà khoai sắn tốt tươi. Họ cũng cố gắng tăng gia để tự túc lương thực bởi bước đường tị nạn chắc còn dài lâu, chưa biết khi nào mới được hồi hương.
Chúng tôi cố ý tìm cô giáo Thái Bình hồi gặp bên Campuchia nhưng không thấy. Chắc cô ở khu trại khác. Vô từng nhà, bà con có gì ngon là mang ra đãi. Chẳng gì chúng tôi cũng là những sứ giả của tình hữu nghị Việt - Cam.
Mải chơi, bóng chiều đã xế, chúng tôi tạm biệt ra về. Giã từ khu trại, trong tôi dâng lên một nỗi niềm thương cảm cho những phận đời đen bạc. Quê hương của họ đâu có bao xa mà không về được.
Không hiểu họ có đớn đau, có tủi hờn không nhỉ, mà sao những người chúng tôi gặp ai cũng có vẻ phấn khởi vui tươi. Hay bởi một dân tộc vẫn lạc quan trước số phận khổ đau là một dân tộc sẽ trường tồn mãi mãi.
Đạp xe quay lại căn nhà của hội chữ thập đỏ, định rủ hai cô gái cùng về nhưng các cô đã về trước rồi. Hai chúng tôi thay nhau đạp xe. Ngược đường chúng tôi, những đoàn xe nhà binh chạy ra biên giới tung bụi mịt mù.
Có lẽ ít ngày nữa thôi, chúng tôi lại được ngồi trên những đoàn xe này ra mặt trận - Chiến trường K lại đang vẫy gọi.