Quân đội Nga tại Kherson. Nguồn: AFP
Sáu tháng sau khi các lực lượng Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, cuộc xung đột đang chứng kiến các cuộc tấn công dồn dập mà không có kết cục rõ ràng.
Đến nay, các cuộc giao tranh vẫn đang diễn ra trên nhiều điểm nóng tại Ukraine. Phần lớn phía Đông và phía Nam của Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Nga, khiến Kiev mất quyền kiểm soát các cảng ở biển Đen – cửa ngõ xuất khẩu hàng hóa và là huyết mạch của nền kinh tế Ukraine.
Mới đây, chính quyền thủ đô Kiev đã cấm tổ chức các sự kiện và cuộc tụ tập lớn nhân dịp lễ kỷ niệm 31 năm ngày Ukraine độc lập, tách khỏi Liên Xô (24/8/1991 - 24/8/2022).
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cảnh báo về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công nghiêm trọng của Nga đối với Ukraine nhân dịp này. Ngày 24/8 cũng là thời điểm tròn 6 tháng kể từ khi Nga phát động chiến sự Nga- Ukraine .
Trên thực tế, cuộc chiến tại Ukraine đang được Nga thúc đẩy bởi những cân nhắc trong quá khứ.
Ngay từ năm 1994, khi còn là Phó thị trưởng St Petersburg, ông đã bày tỏ sự phẫn nộ khi Crimea được gia nhập vào Ukraine. Khi Ukraine đưa ra kế hoạch gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại một hội nghị thượng đỉnh vào năm 2008, đã làm thay đổi toan tính của nhà lãnh đạo Nga.
Theo các chuyên gia, Moscow sẽ không kết thúc sớm chiến sự Nga- Ukraine, hay từ bỏ các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát ở Ukraine. Ông Konstantin Kalachev, một nhà phân tích chính trị có trụ sở tại Moscow, cho biết:
"Trong trường hợp như vậy, không ai có thể giành chiến thắng. Chiến dịch quân sự đặc biệt này có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm. Nếu điều này xảy ra, nền kinh tế Ukraine có thể sụp đổ".
Thậm chí, khi chiến sự Nga- Ukraine kéo dài sang năm 2023, phần lớn tình hình sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ và phương Tây có thể duy trì mức độ hỗ trợ Ukraine như hiện nay hay không.
Nhiều ý kiến cho rằng, Nga đang kéo dài cuộc chiến để đánh vào sự mệt mỏi của phương Tây . Nhưng nếu các đồng minh tiếp tục cung cấp viện trợ và vũ khí, lợi thế quân sự của Nga có thể bị xói mòn.
Binh sĩ Ukraine ở khu vực Donbass, tháng 6/2022. Ảnh: AFP
Trên thực tế, Moscow không cần phải đạt được nhiều điều to tát để Tổng thống Putin có thể tuyên bố chiến thắng. Chắc chắn Tổng thống Nga sẽ muốn nhiều hơn việc chỉ kiểm soát toàn bộ khu vực Donbass và cây cầu trên bộ nối với Crimea.
Nếu quân đội Nga chiếm Odesa và bờ biển tiếp giáp Biển Đen, sẽ "vô hiệu hóa" Ukraine. Mặc dù vậy, với sự hậu thuẫn vững chắc của Mỹ và phương Tây, Ukraine sẽ ngăn chặn được điều này. Nhưng cho đến hiện tại, cũng không có điều gì là chắc chắn.
Mục tiêu của Tổng thống Putin không chỉ là vô hiệu hóa chế độ ở Kiev, mà quan trọng hơn là cho thấy sự bất lực của NATO trong việc ngăn chặn Moscow.
Tuy nhiên, điều này có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào tình hình trên chiến trường và mức độ hỗ trợ của phương Tây trong mùa thu và mùa đông năm nay, khi tình trạng thiếu năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao có nguy cơ khiến các nước phương Tây rơi vào tình trạng căng thẳng.
Đến một lúc nào đó, giống như tất cả các cuộc chiến tranh, xung đột hiện tại sẽ kết thúc. Chiến sự Nga- Ukraine không diễn ra một cách cô lập.
Trong khi Nga đang chống lại trật tự an ninh do Mỹ dẫn đầu ở châu Âu, thì Trung Quốc đang thách thức vai trò của Mỹ ở châu Á. Một quá trình chuyển đổi địa chính trị đã bắt đầu mà kết quả của nó có thể không rõ ràng trong nhiều thập kỷ.
Nhưng phần lớn giới quan sát nhận định, trật tự thời hậu chiến tranh lạnh đã thống trị thế giới trong 30 năm qua sắp kết thúc. Từ sự sụp đổ của nó, một sự cân bằng quyền lực mới sẽ xuất hiện.