Hình minh họa.
Su-75 tới KF-21: "Ai hơn ai"?
Ít giờ trước, phát biểu trong diễn đàn quân sự kỹ thuật quốc tế Army-2022 đang diễn ra ở Nga, Phó Thủ tướng nước này ông Denis Manturov đã tiết lộ rằng chuyến bay đầu tiên của tiêm kích thế hệ 5 Su-75 "Checkmate" (Chiếu tướng) sẽ được lên kế hoạch vào năm 2024.
Cũng trong khuôn khổ của Army-2022, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga (FSVTS) Dmitry Shugaev cũng lưu ý với hãng truyền thông Nga RIA Novosti rằng Nga sẽ không chỉ xuất khẩu mà còn sẵn sàng hợp tác sản xuất chiếc tiêm kích 1 động cơ.
Trước đó người đứng đầu tập đoàn Rostec ông Sergey Chemezov đã đưa ra lộ trình sản xuất hàng loạt loại tiêm kích này là vào năm 2027.
Cần lưu ý rằng thông tin mới về Su-75 được công bố chỉ khoảng 1 tháng sau khi tiêm kích KF-21 "Boramae" (Diều hâu chiến) của Hàn Quốc cất cánh lần đầu tiên.
KF-21 được cho là có trọng lượng cất cánh tối đa 25,6 tấn, tầm hoạt động 2,900 km và tốc độ lên tới Mach 1,8 (2.200 km/h). Dự kiến nó sẽ có khả năng mang theo khoảng 7,7 tấn vũ khí do Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc chế tạo.
Để so sánh, nhà sản xuất Su-75 tuyên bố nó có trọng lượng cất cánh tối đa dưới 18 tấn, tầm hoạt động 3.000 km và tốc độ tối đa là Mach 1,8.
Một điểm khác biệt đáng chú ý giữa KF-21 và Su-75 là mặc dù áp dụng thiết kế giảm phản xạ radar, tuy nhiên "Boramae" không hẳn là một tiêm kích "tàng hình" - trong khi "Checkmate" được áp dụng công nghệ của Su-57 khiến nó rất có thể sẽ đạt được "danh hiệu" nói trên.
Khác biệt thứ hai là chiếc tiêm kích Hàn Quốc có hai động cơ General Electric F414 (tương tự F/A-18 CD Super Hornet của Mỹ) với tổng lực đẩy lên tới 20 tấn.
"Checkmate" chỉ có 1 động cơ tuy nhiên đó lại là Saturn izdeliye 30 có lực đẩy 11 tấn (17,5 tấn với bộ đốt sau) - thứ đang được phát triển để biến các tiêm kích Nga trở thành tiêm kích thế hệ 5 đúng nghĩa.
Cả Nga và Hàn Quốc đều hướng tới việc xuất khẩu Su-75 và KF-21, tuy nhiên mục tiêu này lại đưa chúng ta đến vấn đề đầu tiên mà các khách hàng quan tâm - giá thành. Moscow dự kiến rằng giá bán của mỗi chiếc "Checkmate" sẽ là từ 25 đến 30 triệu USD.
Có thể thấy đây là mức giá hấp dẫn nếu so Su-75 với Dassault Rafale của Pháp (90 triệu Euro), F-35 (90 triệu USD) và F- 16V Block 70/72 của Mỹ (60 triệu USD) và thậm chí là Su-30 (80 triệu USD) và Su-35 của Nga (92 triệu USD).
Dù giá bán KF-21 vẫn chưa được tiết lộ nhưng một cuộc kiểm toán của chính phủ Hàn Quốc năm 2015 đã dự đoán chi phí phát triển của dự án là khoảng 8,01 tỷ USD.
Với dự kiến Không quân Hàn Quốc (ROKAF) sẽ mua 160 "Boramae" - chi phí phát triển trên đầu chiếc sẽ khó có thể thấp hơn 50 triệu USD.
Nên chọn tiêm kích thế hệ 5 nào?
Theo các nhà phân tích của Bulgarian Military - bên cạnh mức giá hợp lý - lợi ích đầu tiên khách hàng tiềm năng của Su-75 sẽ nhận được là sự thống nhất về đào tạo, kỹ thuật với các tiêm kích Sukhoi khác mà đặc biệt là Su-57.
Thứ hai đó là một động cơ hiện đại mà cụ thể là Saturn izdeliye 30. Động cơ đang được hoàn thiện để cho những chiếc Su-57 hạng nặng sẽ giúp chiếc tiêm kích hạng nhẹ nhanh chóng tiếp cận mục tiêu và khai hỏa nhanh hơn bất kỳ tiêm kích nào khác mà Nga đã từng sản xuất.
Thứ ba là về trang bị, ngoài việc tương thích với vũ khí hàng không do Liên Xô và Nga sản xuất - dễ dàng tiếp cận hơn so với vũ khí Phương Tây - Su-75 cũng sẽ có khả năng trang bị tên lửa siêu thanh với tầm bắn khoảng 700 km trong những năm tới.
Mặc dù hiện chiếc tiêm kích Nga chỉ trang bị radar H036 Belka (tương tự Su-35 và Su-57 hiện tại) nhưng trong tương lai các khách hàng có thể đặt hàng radar ROFAR (radar mảng pha quang lượng tử) có thể tăng phạm vi phát hiện mục tiêu lên 450 km.
Ngược lại, vấn đề radar sẽ được trang bị trên KF-21 có tính năng ra sao vẫn chưa rõ ràng. Được biết đó sẽ là một radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA) do Hanwha Systems phát triển với sự hỗ trợ của Elta Systems (Israel) và Saab (Thụy Điển).