Hình minh họa.
Ba Lan, nước Đông Âu và cũng là thành viên NATO đã ký hợp đồng để mua 672 pháo tự hành K9 Thunder, 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) K2 và 48 tiêm kích hạng nhẹ FA-50 Golden Eagle (Đại bàng vàng) từ Hàn Quốc.
Đây là một thành công mới đối với FA-50 - chiếc máy bay cất cánh lần đầu vào năm 2002 đã nhận được đơn hàng từ khoảng nửa tá quốc gia cho cả phiên bản chiến đấu và huấn luyện.
Đợt giao hàng đầu tiên vào năm 2023 sẽ bao gồm 12 chiếc FA-50 Block 10 - có năng lực tương đương những chiếc đang trong trang bị của Không quân Hàn Quốc và đợt thứ 2 vào giai đoạn 2025 - 2028 sẽ là 36 chiếc Block 20.
Có thể thấy với thương vụ nói trên, Ba Lan đang tìm cách tối đa hóa tiềm năng quân sự của mình trong bối cảnh các tiêm kích MiG-29 và cường kích Su-22 thời Liên Xô của họ sắp ngừng hoạt động.
Tiêm kích hạng nhẹ FA-50 trong trang bị của Không quân Hàn Quốc (ROKAF).
Mặc dù có chi phí vận hành thấp và dễ bảo trì - đã giúp FA-50 được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động quân sự ở Philippines và Iraq, nhưng nhược điểm chính của nó với tư cách là một tiêm kích hiện đại là thiếu khả năng không chiến ngoài tầm nhìn.
Điều này có thể không quá cần thiết trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng đó sẽ là một nhược điểm nghiêm trọng ở Đông Âu - khi không chiến ngoài tầm nhìn là vô cùng quan trọng.
Mặc dù người Hàn Quốc đã từng tính lắp đặt tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn (AMRAAM) AIM-120C cũng như tên lửa chống hạm và các thiết bị hàng không liên quan lên FA-50 - nhưng kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện.
Tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn (AMRAAM) AIM-120C (Nguồn: Getty Images)
Và như vậy, số vũ khí không đối không mà FA-50 có thể trang bị đang giới hạn ở pháo 20 mm General Dynamics A-50 và tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder.
Tuy nhiên các nhà phân tích của Bulgarian Military cũng lưu ý rằng thông tin Ba Lan mua FA-50 được đưa ra chỉ vài ngày sau chuyến bay đầu tiên của tiêm kích tàng hình KF-21 Boramae (Diều hâu chiến) do Hàn Quốc tự sản xuất.
Trang tin quân sự cho rằng thương vụ đã cung cấp dòng tiền để Hàn Quốc phát triển Boramae mà còn mở ra cánh cửa cho Ba Lan tiếp cận KF-21 trong tương lai.
Một đồ họa miêu tả tiêm kích tàng hình KF-21 Boramae (Nguồn: DAPA).