Trong bối cảnh “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine vẫn đang tiếp tục diễn ra thì vấn đề chi tiêu và công nghệ quân sự đã trở nên nổi bật hơn lúc nào hết.
Các chuyến hàng viện trợ vũ khí của phương Tây cho Ukraine, đặc biệt là hệ thống tên lửa - pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cục diện cuộc xung đột?
Việc phát triển, xuất khẩu và triển khai binh lính và vũ khí tiêu tốn của các quốc gia hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Năm 2021, chi tiêu quân sự toàn cầu đạt 2,1 nghìn tỷ USD, tăng năm thứ bảy liên tiếp.
Dựa trên dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), những con số thống kê dưới đây cho thấy những quốc gia nào đã chi tiêu nhiều nhất cho quân đội vào năm 2021, cùng với tỷ trọng chi tiêu quân sự toàn cầu của họ.
Top 10 quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất thế giới
Quốc gia nào chi tiêu nhiều nhất cho quân sự?
Mỹ là quốc gia đứng đầu về chi tiêu quân sự, với tổng 801 tỷ đô la, chiếm gần 38% chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2021.
Mỹ cũng là quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu kể từ khi SIPRI bắt đầu thống kê theo dõi vào năm 1949, chiếm hơn 30%. chi tiêu quân sự của thế giới trong hai thập kỷ qua.
Chi tiêu quân sự của Mỹ đã tăng 22,3 tỷ đô la so với cùng kỳ năm ngoái và tổng chi tiêu của quốc gia này trong năm 2021 nhiều hơn tất cả các quốc gia khác trong top 10 cộng lại.
Nước chi tiêu quân sự hàng đầu tiếp theo vào năm 2021 là Trung Quốc. Bắc Kinh đã chi 293,4 tỷ USD, chiếm gần 14% chi tiêu quân sự toàn cầu.
Mặc dù chi tiêu của Trung Quốc vẫn chưa bằng một nửa so với Mỹ nhưng nước này đã tăng chi tiêu quân sự trong 27 năm liên tiếp.
Trên thực tế, Trung Quốc có tổng số quân nhân tại ngũ lớn nhất và chi tiêu quân sự của nước này đã tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua.
Nga dù chỉ là quốc gia đứng thứ năm thế giới về chi tiêu quân sự, ở mức 65,9 tỷ USD vào năm 2021, nhưng họ lại nằm trong số các quốc gia xếp hạng cao hơn về chi tiêu quân sự tính theo tỷ trọng GDP.
Chi tiêu quân sự của Nga lên tới 4,1% GDP và nằm trong số 10 quốc gia chi tiêu nhiều nhất, chỉ xếp sau Ả Rập Xê-út, nước có mức chi tiêu bằng 6,6% GDP.
Hệ thống tên lửa - pháo phản lực cơ động cao (HIMARS)
Hợp tác quân sự từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát
“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022 đã dẫn đến sự thay đổi địa chính trị to lớn, mở đầu cho một loạt các chuyến hàng quân sự quốc tế và sự hợp tác giữa các quốc gia.
Khoản hỗ trợ an ninh mà Mỹ cung cấp cho Ukraine đã lên tới 8,2 tỷ USD kể từ khi xung đột bùng nổ. Cách thức các liên minh có thể trợ giúp Ukraine cũng cho thấy xu hướng chi tiêu quân sự trong nước của họ trong thời gian xảy ra xung đột.
Nga và Trung Quốc cũng đã làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước, cùng hợp tác chia sẻ thông tin tình báo và công nghệ quân sự song song với việc bắt đầu các cuộc tập trận chung vào cuối tháng 8, cùng với các quốc gia khác như Ấn Độ, Belarus, Mông Cổ và Tajikistan.
Kể từ khi Trung Quốc đạt bước đột phá về phóng tên lửa siêu vượt âm (hypersonic) cách đây một năm, Nga hiện cũng đang thử nghiệm các phiên bản công nghệ của riêng mình.
Tổng thống Putin còn đề cập đến khả năng sẵn sàng xuất khẩu loại vũ khí mà ông mô tả là có thể “đi trước các đối tác nước ngoài nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ”.
Cho dù chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có kết thúc trong năm 2022 này hay không thì việc gia tăng căng thẳng địa chính trị và xung đột trong năm nay gần như chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng chi tiêu quân sự trên toàn cầu.