LTS: Lịch sử các cuộc chiến tranh giữ nước, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam cũng như của các nước trên thế giới đã cho thấy, chính con người chứ không phải vũ khí trang bị mới là nhân tốt quyết định dẫn tới thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến.
Công tác lãnh đạo, chỉ huy và tổ chức lực lượng luôn giữ vai trò nòng cốt, có tác động trực tiếp tới cục diện mỗi trận đánh trên chiến trường.
Xuất phát từ vấn đề thực tiễn này, chúng tôi xin trân trọng gửi tới độc giả loạt bài viết "Chỉ huy chiến trường xuất sắc" ghi nhận những đóng góp quan trọng của các chỉ huy chiến trường trong những cuộc chiến tranh hiện đại gần đây, đặc biệt khi tác chiến công nghệ cao được áp dụng rộng rãi.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Bài 1: Đại tá Nam Tư bắn tan xác máy bay F-117A, phi công Mỹ thốt lên thán phục "bắt tốt lắm"!
Bài 2: Chỉ huy Liên Xô dàn trận địa tên lửa bắn tan xác máy bay do thám U-2, bắt sống phi công Mỹ
Máy bay do thám U-2 - "Bà Rồng" tuyệt mật của CIA
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô ngày càng diễn biến căng thẳng. Liên Xô đã không đồng ý với đề xuất "Bầu trời mở" của Mỹ vào năm 1955 và do đó các mối quan hệ tiếp tục xấu đi.
Chính do sự thiếu tin tưởng này nên Mỹ đã quyết định sẽ tiến hành các chuyến bay trinh sát tầm cao trên khắp lãnh thổ Liên Xô. U-2 là máy bay được lựa chọn cho các nhiệm vụ gián điệp đó.
Máy bay do thám U-2, biệt danh "Bà Rồng" (Dragon Lady) là sản phẩm của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và được coi là một đột phá về sáng tạo khoa học khi nó được tích hợp những công nghệ tinh vi nhất đầu những năm 1950.
Năm 1953, thay mặt CIA, Không quân Mỹ đã đệ trình đề xuất chế tạo một chiếc máy bay trinh sát tầm xa một chỗ ngồi và hoạt động ở trần bay cực cao để theo dõi các hoạt động quân sự của Liên Xô và các quốc gia vệ tinh của Moscow ở Đông Âu.
Theo yêu cầu kỹ thuật ban đầu, loại máy bay này phải tránh được nguy cơ tấn công từ các máy bay tiêm kích và hệ thống phòng không Liên Xô và tầm hoạt động đủ để bay ngang qua toàn bộ lãnh thổ Liên Xô từ Nam tới Bắc trước khi hạ cánh an toàn tại một sân bay ở châu Âu hay châu Á. Ngoài ra, loại máy bay này được thiết kế để chỉ cần có một phi công duy nhất điều khiển.
Vào thời điểm này, những đột phá về công nghệ quay phim và không ảnh đã giúp cho sứ mệnh chụp hình các địa điểm chiến lược từ độ cao cực lớn với độ phân giải cao trở thành hiện thực. Các chuyên gia trinh sát Mỹ cần một chiếc máy bay mang máy ảnh trực tiếp bay qua lãnh thổ Liên Xô mà không vấp phải nguy cơ bị đánh chặn.
Được thiết kế bởi một đội ngũ chuyên gia do Clarence Johnson đứng đầu, thuộc quyền quản lý của phòng nghiên cứu nổi tiếng "Skunk Works" của Tập đoàn Lockheed ở Palmdale, California, U-2 đã được lựa chọn cho các sứ mệnh do thám này.
Máy bay có khả năng hoạt động ở trần bay cực cao, trên 70.000 feet. Đây là đặc điểm mấu chốt để Liên Xô không thể phát hiện được và coi đó như hành động vi phạm không phận.
Với sự chấp thuận của Tổng thống Dwight Eisenhower, Skunk Works đã chế tạo được chiếc U-2 đầu tiên chỉ 8 tháng sau khi đề xuất được thông qua.
Phi công Mỹ Francis Gary Powers (phải) cùng với nhà thiết kế máy bay do thám U-2 Kelly Johnson năm 1966. Ảnh: AP
CIA bắt đầu đào tạo phi công lái máy bay U-2 vào mùa Xuân năm 1956 và đến mùa Hè cùng năm các mô hình đầu tiên của máy bay phản lực U-2A đã đi vào hoạt động. Ngày 4/7/1956, chiếc U-2A đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên qua không phận Liên Xô.
Các máy bay U-2A thường xuất phát từ các căn cứ ở Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ, đến Na Uy, vượt qua các dải đất rộng lớn của Liên Xô để thu thập nhiều dữ liệu quan trọng.
Những hình ảnh và thông tin được U-2 thu thập cho thấy giữa Mỹ và Liên Xô không tồn tại "khoảng cách tên lửa": Liên Xô không vượt xa Mỹ về số lượng tên lửa hạt nhân chiến lược như tuyên bố của Moscow.
Trong suốt 4 năm, CIA đã thực hiện các chuyến bay do thám Liên Xô bằng U-2A và biến thể cải tiến U-2B một cách an toàn. Tuy nhiên, đến ngày 1/5/1960, mọi việc đã đã thay đổi.
Tan xác dưới hỏa lực của trận địa tên lửa do Thiếu tá Liên Xô chỉ huy
Francis Gary Powers là phi công Mỹ, sinh ngày 17/8/1929 tại Burdine, Kentucky và lớn lên ở Pound, Virginia. Powers tốt nghiệp trường đại học Milligan ở Tennessee và sau đó được không quân Mỹ tuyển dụng. Tháng 5/1956, Powers được lựa chọn trở thành phi công dân sự lái máy bay U-2 cho CIA.
Tính tới trước phi vụ ngày 1/5/1960, Francis Gary Powers đã được xếp vào loại "phi công lão thành" trong chương trình do thám của Mỹ. Powers đã có tổng cộng 27 phi vụ do thám trên bầu trời Liên Xô và các nước thuộc khối Đông Âu.
Vào đêm trước kỳ nghỉ ngày Quốc tế Lao động, Francis Gary Powers cùng chiếc U-2 cất cánh từ một căn cứ gần Peshawar, Pakistan và bay tới một căn cứ quân sự khác tại Na Uy rồi từ đây thẳng hướng tới vùng Sverdlovsk thuộc Dãy núi Ural.
Cùng phối hợp hành động với Powers còn có một chiếc U-2 khác cất cánh từ Thổ Nhĩ Kỳ, bay dọc theo biên giới Liên Xô nhằm đánh lạc hướng và thu hút sự chú ý của các trạm radar cảnh giới.
Với thiết kế đặc biệt, U-2 có thể dễ dàng trốn tránh sự kiểm soát của các radar và tên lửa phòng không đối phương. Vì vậy, Powers không thể ngờ rằng đây lại là chuyến bay do thám cuối cùng trong sự nghiệp của mình.
Francis Gary Powers chụp ảnh bên chiếc máy bay do thám U-2 ngày 1/6/1959. Ảnh: AP
Việc CIA chọn ngày Chủ Nhật (1/5/1960) để thực hiện phi vụ do thám của Powers, ngoài lý do điều kiện thời tiết thuận lợi, còn có một tính toán khác. Đây là ngày lễ lớn ở Liên Xô nên hầu hết các nhân viên quân sự cũng như dân sự được nghỉ để tham gia các lễ hội.
Điều này cũng đúng với khẩu đội tên lửa triển khai bên ngoài thị trấn Kosulino ở gần thành phố Sverdlovck. Thiếu tá M.Voronov đã cho phép 3 sĩ quan dưới quyền về nhà nghỉ lễ. Nhưng khẩu đội tên lửa của ông vẫn sẵn sàng.
Người trực chiến hôm ấy là trung úy Nikolai Batukhtin, sĩ quan chịu trách nhiệm điều khiển đường bay của tên lửa một khi chúng được phóng lên.
Bay trên chiếc U-2, Powers cảm thấy mọi việc vẫn đang diễn ra một cách hoàn hảo. Có vẻ như người Liên Xô đã không phát hiện ra anh ta. Bay ở độ cao gần 70.000 feet, chiếc U-2 trông có vẻ giống như một vật thể bay không xác định (UFO) hơn là một chiếc máy bay do thám.
Thế nhưng, Powers không biết rằng chỉ sau khoảng 10 phút xâm nhập vào không phận Liên Xô, chiếc U-2 đã bị trạm radar trên cao nguyên Pamir của Liên Xô phát hiện và theo sát.
Tướng Yuri Votintsev là một trong số những chỉ huy đơn vị tên lửa S-75 Dvina (NATO gọi là SAM-2), loại tên lửa phòng không điều khiển bằng hệ thống radar 3 tác dụng.
Tại Washington, giới hoạch định chính sách do thám bằng máy bay U-2 cho rằng, một khi U-2 lọt vào không phận Liên Xô mà không bị radar phát hiện trong thời gian đầu thì sẽ giảm một cách đáng kể nguy cơ bị bắn hạ. Tướng Y. Votintsev cùng các chỉ huy quân sự cao cấp của mình ở Moscow cũng biết rõ điều này.
Vì vậy, Tướng Yuri Votintsev đã cho tiến hành lắp đặt các trạm radar dọc biên giới phía Nam Liên Xô, tiếp giáp với Afghanistan. Các kỹ thuật viên, trắc thủ radar giỏi nhất được lựa chọn vào biên chế cho những trạm radar này.
Nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khruschev xem chiếc U-2 bị bắn hạ
Ở gần thị trấn Kosulino, thiếu tá M.Voronov được lệnh cùng các chiến sĩ trong phân đội tên lửa S-75 Dvina ráo riết tập luyện thực hành trong điều kiện thực tế. Toàn bộ hệ thống phòng không Liên Xô được lệnh chuyển sang tình trạng thường xuyên trực chiến.
Đến 7 giờ sáng (giờ Moscow), khẩu đội tên lửa của Thiếu tá M.Voronov nhận được lệnh báo động. Đây không phải là một cuộc diễn tập. Một kẻ xâm nhập đang ở độ cao 20.000 feet trên biển Aral và hướng về phía họ. Tất cả phải trong tư thế sẵn sàng ấn nút phóng tên lửa.
Trong xe chỉ huy tên lửa lúc ấy, ngoài Thiếu tá M.Voronov, Trung úy Batukhtin, còn có 5 trắc thủ điều khiển tên lửa, mỗi người điều khiển một bệ phóng. Tất cả đã sẵn sàng trong xe chỉ huy.
Khi Powers bay trên vùng trời Chelyabinsk, cách thành phố Sverdlovck khoảng một trăm dặm về phía Nam, Thiếu tá M.Voronov bật bộ phận định vị lên và lần đầu tiên nhìn thấy chiếc máy bay U-2 như một chấm xanh trên màn hình radar.
Trong vài phút, chấm xanh di chuyển theo hướng Bắc rồi bất chợt ngoặt sang phải. Đấy là lộ trình mà Powers được chỉ thị phải bay theo. Powers nhìn vào bản đồ bay, chỉnh lại đường bay khoảng 90 độ, lệch về phía trái, hướng về phía thành phố Sverdlovck. Xa hơn nữa là bán đảo Scandinavia, nơi anh ta sẽ hạ cánh an toàn.
Chính việc chỉnh lại đường bay của Powers đã khiến cho chiếc U-2 của anh ta rơi vào tầm ngắm của khẩu đội tên lửa do Thiếu tá M.Voronov chỉ huy. Các trắc thủ nhanh chóng nhận thấy đốm xanh trên màn hình quay trở lại tầm phóng hiệu quả. Khẩu đội tên lửa Kosulino ở vào vị trí tốt nhất có thể tiêu diệt mục tiêu.
Khi hệ thống theo dõi mục tiêu của radar đã "khóa" được chiếc U-2, Thiếu tá M.Voronov ra lệnh: Phóng!
Chiếc U-2 đã bị một trong 3 quả tên lửa SAM-2 bắn trúng và nổ tung ở độ cao 70.500 feet còn Powers trong lúc hoảng hốt chỉ kịp nhấn nút thoát hiểm. Khi vừa chạm đất, Powers đã bị lực lượng an ninh Liên Xô tóm gọn.
Sau khi Powers bị bắt, phía Mỹ ngay lập tức khẳng định chiếc U-2 bị nạn khi làm nhiệm vụ đo đạc thời tiết, nhưng viên phi công bị bắt sống và toàn bộ dữ liệu từ xác chiếc máy bay được giải mã đã vạch trần âm mưu do thám của cơ quan tình báo Mỹ.
Francis Gary Powers bị kết tội gián điệp và bị xử 10 năm tù, giam ở nhà lao Rubianca của KGB. Một năm sau đó, Powers được hồi hương sau một cuộc trao đổi tù binh.
Máy bay do thám U-2 của Mỹ cất - hạ cánh như thế nào?