Tăng huyết áp khi nào?
Đối với người bình thường, huyết áp vào ban ngày thường cao hơn ban đêm. Khi vận động thể lực gắng sức, căng thẳng thần kinh hoặc khi trải qua các xúc động mạnh đều có thể làm cho huyết áp tăng lên. Ngược lại, khi cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn, huyết áp có thể sẽ hạ xuống.
Đo huyết áp là phương pháp duy nhất để biết mình có bị tăng huyết áp hay không. Người bệnh sẽ được xác định tăng huyết áp khi chỉ số huyết áp tâm thu biểu hiện ở mức ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp có thể xuất phát từ các bệnh lý về thận (hẹp động mạch thận, thận đa nang, viêm cầu thận...), bệnh tim mạch (hẹp eo động mạch chủ, Takayasu…), bệnh lý vỏ thượng thận, hội chứng Cushing, cường giáp, hội chứng Crohn, rối loạn hệ thần kinh thể dịch...
Tuy nhiên chỉ 10% trường hợp bị tăng huyết áp xác định được chính xác do các nguyên nhân kể trên (tăng huyết áp thứ phát). 90% còn lại không tìm ra nguyên nhân (tăng huyết áp nguyên phát, tăng huyết áp vô căn).
Đo huyết áp là phương pháp duy nhất để biết có bị tăng huyết áp hay không?
Tăng huyết áp rất nguy hiểm và được coi là "Kẻ giết người thầm lặng". Bệnh có thể dẫn tới tổn thương động mạch và tĩnh mạch, làm giảm lưu lượng máu đi khắp cơ thể, gây đột quỵ , đau tim, suy tim cùng nhiều biến chứng khác trên thận, mắt, não...
Những thực phẩm nên dùng cho người bệnh tăng huyết áp
Ngũ cốc nguyên hạt
Người bệnh tăng huyết áp nên tăng cường sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, các loại đậu (đậu nành, đậu đen, đậu xanh)… Những thực phẩm này chứa nhiều Kali giúp giảm huyết áp hiệu quả, bảo vệ tốt mạch máu và ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch.
Vitamin C
Trái cây nhiều vitamin C tốt cho người bệnh tăng huyết áp.
Giúp giảm cholesterol và tăng tính đàn hồi mạch máu. Vitamin C có thể tìm thấy nhiều trong các loại quả như: cam, chanh, ổi, kiwi, dâu tây… Lưu ý, nên ăn quả chín dạng miếng/múi, hạn chế ép/xay hay vắt lấy nước để tăng cường chất xơ.
Vitamin E
Có tác dụng chống ôxy hóa mạnh giúp ngăn ngừa nhiều axit béo không bão hòa, phòng ngừa xơ cứng động mạnh. Vitamin E có thể tìm thấy trong các loại dầu thực vật như: cọ dầu, dầu hướng dương, dầu ngô, dầu đậu tương, dầu ô liu… và một số loại trái cây như bơ, xoài, cà chua…
Rau xanh
Người bệnh tăng huyết áp nên ăn các loại rau như bông cải xanh, cải xoăn, rau bó xôi, rau diếp cá… trong các bữa ăn. Rau xanh giàu hợp chất flavonoid, có chức năng bảo vệ thành của các mạch máu, góp phần cải thiện hiệu quả vào quá trình điều trị và phòng ngừa tăng huyết áp.
Rau xanh giàu hợp chất flavonoid giúp phòng ngừa tăng huyết áp.
Cá giàu axit béo
Sử dụng cá thu, cá hồi trong các bữa ăn vì chúng chứa nhiều axit béo omega-3 giúp hạ huyết áp, giảm viêm. Ngoài omega-3, cá hồi cũng là một trong số ít những thực phẩm chứa vitamin D, dưỡng chất có tác dụng tốt với bệnh tăng huyết áp.
Canxi
Người bệnh tăng huyết áp nên duy trì uống khoảng 300- 400ml sữa tươi mỗi ngày để có đầy đủ canxi cần thiết. Đồng thời nên ăn nhiều các loại hải sản như cá nhỏ, tôm tép… Các loại rau như rau cải, cần tây, mộc nhĩ… cũng có lượng canxi lớn.
Tỏi
Tỏi giúp giảm huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương ở những người tăng huyết áp.
Tỏi là một loại thực phẩm kháng sinh và kháng nấm tự nhiên nhờ thành phần chính là allicin. Một số nghiên cứu cho thấy tỏi làm tăng sản xuất oxit nitric của cơ thể, giúp cơ trơn, thư giãn và mạch máu giãn ra. Những thay đổi này có thể giúp kiểm soát việc tăng huyết áp. Tỏi có thể giúp giảm cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương ở những người tăng huyết áp.
Ngoài ra, để duy trì huyết áp ổn định, người bệnh cần thường xuyên vận động phù hợp với thể trạng để duy trì cân nặng. Luôn uống thuốc đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý ngừng uống thuốc. Tuân thủ khám sức khoẻ định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa.