"Chao đảo" nền công nghiệp vũ khí châu Âu chỉ vì một lệnh cấm đơn phương

Minh Đức |

Airbus đang cân nhắc khả năng khởi kiện "người nhà" vì một quyết định có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều tập đoàn sản xuất vũ khí châu Âu.

Khởi kiện một trong những khách hàng lớn nhất của mình là điều tưởng như không thể, nhưng giám đốc điều hành của Airbus – tập đoàn hàng không và quốc phòng lớn nhất châu Âu, sẽ không loại trừ khả năng này.

Quyết định hồi tháng 10/2018 của Đức cấm xuất khẩu vũ khí tới Arab Saudi sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị ám sát, đã khiến các công ty quốc phòng dừng bán thiết bị quân sự có hợp tác sản xuất với các công ty Đức hoặc dừng vận chuyển vũ khí có chứa các chi tiết do Đức sản xuất – cho quốc gia Trung Đông.

Trong trường hợp Airbus, động thái của Đức là nguyên nhân khiến một hợp đồng của hãng này với Saudi không thể thực hiện được.

Arab Saudi từ lâu đã là một trong những đất nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới, đặc biệt trong những năm gần đây, nhằm phục vụ cho chính sách khu vực của mình, bao gồm cả việc can thiệp quân sự vào Yemen.

Chao đảo nền công nghiệp vũ khí châu Âu chỉ vì một lệnh cấm đơn phương - Ảnh 1.

Nhà báo Jamal Khashoggi tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos 2011 (ảnh: getty)

"Một trong những lựa chọn của chúng tôi là khởi kiện lệnh cấm xuất khẩu", Guillaume Faury, CEO mới nhậm chức của Airbus nói, đồng thời bổ sung, tình hình đã có "ảnh hưởng đáng kể tới số hợp đồng mà chúng tôi có với khách hàng".

Các nhà hoạt động nhân quyền đánh giá cao quyết định của Đức, nhưng một số chính phủ châu Âu thì… không thực sự như vậy.

Đối với ngành công nghiệp vũ khí châu Âu, động thái của Berlin là khởi nguồn cho nhiều quan ngại.

Nhiều nhà điều hành cho rằng, những mối hợp tác xuyên biên giới - từng giúp ngành tồn tại trong bối cảnh ngân sách quốc gia bị giới hạn và góp phần phát triển các loại vũ khí tối tân, có thể sẽ bị phá hủy.

Ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, với doanh thu hàng năm vào khoảng 100 tỷ Euro và đem lại việc làm trực tiếp cho gần 500.000 người.

"Đây là một vấn đề rất nan giải", Nick Cunningham, nhà phân tích tại Agency Partners chỉ ra. "Anh, Pháp và Đức không đủ lớn khi đứng một mình, thậm chí là khi cùng hợp tác để phát triển các vũ khí tối tân… Điều đó cần phải được tiến hành dựa trên nền tảng hợp tác".

Mối quan hệ hợp tác trong tương lai có thể gặp nguy cơ. Hiện đang có kế hoạch chế tạo một máy bay không người lái của châu Âu; trong khi Đức và Pháp (thông qua Airbus và Dassault) đã bắt tay phát triển một loại phi cơ chiến đấu mới – hệ thống chiến đấu trên không FCAS.

Một dự án khác là hệ thống chiến đấu trên mặt đất (MGCS), hợp tác Đức – Pháp, cũng có thể bị ngưng trệ.

"Không có những quy định cụ thể và rõ ràng, chúng ta sẽ không thể làm việc cùng nhau như cách mình mong muốn. Điều này liên quan tới việc trao đổi công nghệ và thông tin xuyên biên giới", một phát ngôn viên của công ty quốc phòng Đức Krauss Maffei Wegmann nói.

Chao đảo nền công nghiệp vũ khí châu Âu chỉ vì một lệnh cấm đơn phương - Ảnh 3.

Biểu đồ chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm 2017 (màu tím than: châu Phi, màu xanh nhạt: châu Mỹ, màu xanh đậm: châu Á và châu Đại Dương, màu đỏ: châu Âu, màu hồng: Trung Đông) (nguồn: Sipri)

Theo CEO Faury, làm rõ về quy định xuất khẩu của Đức mang tính quyết định, để các nước châu Âu khác "hiểu rằng, họ có thể tin tưởng người Đức như một đối tác".

Vấn đề trên cũng làm nổ ra một cuộc tranh luận dữ dội về việc nước nào nên nắm quyền kiểm soát xuất khẩu trong các chương trình hợp tác xuyên châu Âu.

Một số người cho rằng, quốc gia là nhà thầu chính trong hợp đồng xuất khẩu nên phát hành giấy phép có hiệu lực cho tất cả các đối tác châu Âu.

Philippe Petitcolin, Giám đốc điều hành của Safran – tập đoàn quốc phòng và hàng không Pháp, ủng hộ cho ý kiến trên.

"Tôi không nghĩ quyết định [của Đức] đi theo đúng hướng cho châu Âu", ông Petiticolin đánh giá. Theo ông, các quyết định xuất khẩu nên được đưa ra bởi quốc gia đứng đầu trong từng chương trình cụ thể, chứ không phải là chính phủ của mỗi nước có liên quan.

"Theo một cách nào đó, Đức đang biến các đối tác khác thành con tin", ông Petitcolin ví von.

Đầu năm nay, Đức và Pháp đã thống nhất một khung thỏa thuận mới liên quan tới xuất khẩu vũ khí, trong đó giới hạn khả năng của một đối tác ngăn chặn việc xuất khẩu tới nước thứ ba, các sản phẩm mà hai bên hợp tác phát triển. Tuy nhiên, giới chức hai nước cảnh báo, họ vẫn chưa đồng thuận được những chi tiết cụ thể.

"Các công ty đang rất lo ngại rằng họ không thể tham gia các dự án quốc phòng lớn của châu Âu nếu không đạt được các quy định chung về xuất khẩu", Ulrike Franke, một nhà phân tích quốc phòng tại Hội đồng đối ngoại châu Âu, đánh giá.

Giới lãnh đạo tập đoàn cho rằng, bất kỳ giải pháp lâu dài nào chỉ có thể đạt được ở tầm chính trị; mặc dù vậy, đã có một số dấu hiệu tích cực. Hồi tháng Ba, Berlin gia hạn lệnh cấm thêm 6 tháng, nhưng trong một nhượng bộ trước Anh và Pháp, Đức đồng ý gia hạn thêm 9 tháng nữa cho các giấy phép xuất khẩu vũ khí được phát triển chung với các đối tác EU của Đức.

Nắm giữ vị trí chủ chốt trong châu Âu và đang có tham vọng gia tăng ngân sách quốc phòng lên 1,5% tổng GDP vào năm 2024, trong đánh giá của các lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu, Đức vẫn là một đối tác quan trọng.

"Về lâu dài, chúng ta phải củng cố năng lực phát triển của mình… nếu không sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực từ phía Mỹ", ông Petitcolin nói. Ông cũng nhận định, chương trình FCAS "sẽ là một phép thử thực sự cho tương lai của nền quốc phòng châu Âu".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại