Cảnh báo: Liên tiếp các trường hợp tử vong do bệnh dại, trong đó có 3 trẻ nhỏ

Phương Linh |

Liên tiếp từ đầu năm tới nay, tỉnh Kon Tum ghi nhận 4 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại, đáng nói là 3 trong số các ca tử vong ở Thành phố Kon Tum.

Liên tiếp tử vong do chó cắn

Ông Đào Duy Khánh, GĐ Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, từ đầu năm 2018 tới nay, trên địa bàn tỉnh có 4 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong đó, thành phố Kon Tum 3 trường hợp, huyện Đăk Glei 01 trường hợp.

Con số tử vong do bệnh dại trong 3 tháng đầu năm 2018, gấp đôi so với 2 năm trước cộng lại. Theo đó, năm 2016 có 01 trường hợp; năm 2017 có 01 trường hợp tử vong do bệnh dại.

Đối với 4 ca tử vong do bệnh dại trong 3 tháng đầu năm 2018, tất cả các trường hợp sau khi bị chó cắn đều không đi tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại. Thậm chí, còn giết thịt chó để ăn sau khi bị cắn.

Đáng nói là ¾ trường hợp tử vong được ghi nhận đều là những cháu có tuổi đời rất nhỏ. Điển hình như trường hợp của cháu A Khơ (7 tuổi, ở thành phố Kon Tum). Bệnh nhân bị chó cắn vào khoảng tháng 1/2018. Chó chưa được tiêm vắc-xin phòng dại và đã được mang đi giết thịt.

Bệnh nhân A Khơ sau khi bị chó cắn cũng không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Ngoài A Khơ, chó còn cắn 3 người khác, tuy nhiên cả 3 người này đã đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại và hiện tại không có dấu hiệu gì bất thường.

Theo ông Khánh, cháu A Khơ khởi phát bệnh dại ngày 22/3 với các triệu chứng: Sợ gió, sợ nước, bứt rứt. Người nhà đưa bệnh nhân vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu lúc 20h ngày 22/3.

Các bác sĩ của bệnh viện chẩn đoán theo dõi bệnh dại đối với bệnh nhân A Khơ. Tình hình bệnh diễn biến nặng, người nhà xin cho bệnh nhân về vào 14h ngày 24/3. Bệnh nhân tử vong lúc 22h cùng ngày tại nhà.

Ngoài A Khơ, còn có một bệnh nhân khác là A Sai (11 tuổi, ở TP Kon Tum), bệnh A Đăng (6 tuổi, huyện Đăk Glei) và trường hợp cuối cùng là A Môn (22 tuổi ở thành phố Kon Tum).

Đối với trường hợp của A Môn, bệnh nhân bị chó cắn 2 lần. Trong lần thứ nhất người bệnh đã đi tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh dại theo phác đồ nên bệnh nhân không bị sao. Tuy nhiên, lần thứ 2 bị chó cắn, do không tiêm phòng nên đã lên cơn dại và tử vong.

Cảnh báo: Liên tiếp các trường hợp tử vong do bệnh dại, trong đó có 3 trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Số người phơi nhiễm vi rút dại còn cao

Theo thông tin ông Khánh cung cấp, các trường hợp bị chó dại cắn đều là đồng bào dân tộc, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, không có điều kiện để đi tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại sau khi bị chó, mèo cắn. Chính vì thế, 100% số trường hợp mắc bệnh dại đều tử vong.

Không chỉ có vậy, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin trên động vật nuôi còn thấp nên nguy cơ lây bệnh dại cho người là rất đáng cảnh báo. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng mũi tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó tại tỉnh Kon Tum chỉ đạt 22,54%; vùng có ca tử vong dại, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó chỉ đạt 58,66%.

Theo người đứng đầu ngành y tế tỉnh Kon Tum, hiện nay thời tiết đang vào mùa hè, nguy cơ ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại rất lớn. Thời tiết nắng nóng phù hợp cho sự phát triển của vi-rút dại trên động vật.

Hơn nữa, đa số người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum là người dân tộc thiểu số, phong tục tập quán vẫn còn cổ hủ, khi bị chó, mèo cắn thường tìm tới thầy lang chữa trị, ảnh hưởng không ít đến công tác phòng chống bệnh dại của địa phương.

Từ thực tế xảy ra trên địa bàn về bệnh dại, ông Khánh cho rằng, thời gian tới ngành y tế cần tăng cường truyền thông phòng chống bệnh dại; lập kế hoạch phòng chống bệnh dại khẩn cấp trên địa bàn tỉnh bên cạnh những hoạt động đã triển khai được.

Ngoài ra, cần phải vận động tất cả các trường hợp bị chó, mèo cắn trong 3 năm gần đây tới các cơ sở y tế để tiêm phòng vắc-xin. Đối với các trường hợp thuộc diện hộ nghèo hoặc đối tượng chính sách khác, ngành y tế địa phương sẽ sử dụng nguồn kinh phí chống dịch để hỗ trợ người bệnh.

Xem thêm:

Nguy cơ bệnh dại bùng phát ở Kon Tum

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại