Bước leo thang mới trên cao nguyên Tây Tạng
Động thái trên diễn ra sau khi Trung Quốc cho biết họ đã "hết sức kiềm chế" và cố gắng xử lý thông qua kênh ngoại giao, nhưng Ấn Độ vẫn chưa chịu rút quân khỏi Doklam, cho nên tất yếu phải có biện pháp đáp trả tương xứng.
Tương quan lực lượng tại thực địa, Trung Quốc chiếm ưu thế rất lớn về bộ binh khi nắm trong tay số lượng áp đảo xe tăng, thiết giáp, pháo tự hành... hiện đại, lại được cung cấp hậu cần rất đầy đủ.
Tuy nhiên bầu trời lại chưa khiến Bắc Kinh cảm thấy yên tâm khi New Delhi đang sở hữu phi đội Su-30MKI cùng Mirage 2000 nâng cấp, mạnh cả về không chiến lẫn tấn công mục tiêu mặt đất, vì vậy tăng cường tên lửa phòng không lên Tây Tạng là việc làm cần thiết.
Hàng dài tên lửa phòng không HQ-16 của Trung Quốc đang trên đường lên Tây Tạng
Tính năng kỹ chiến thuật của tổ hợp HQ-16
HQ-16 (Hồng Kỳ 16) là hệ thống tên lửa đất đối không di động tầm trung do Trung Quốc sản xuất, chính thức ra mắt trước công chúng vào tháng 9/2011. Thiết kế của nó dựa trên nguyên mẫu Buk do Liên Xô/Nga chế tạo.
Hệ thống có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu bay từ độ cao lớn đến cực thấp ở khoảng cách lên tới 42 km (tầm cao hiệu quả 400 - 10.000 m), HQ-16 nhận vai trò lấp kín khoảng trống giữa HQ-7 (tầm ngắn) và HQ-9 (tầm xa).
Một tổ hợp HQ-16 đang phóng đạn đánh chặn
Xe mang phóng tự hành (TEL) của HQ-16 sử dụng khung gầm xe tải việt dã TA-5350 6x6, mang theo 6 tên lửa sẵn sàng phóng nằm trong các container kín kiêm ống bảo quản xếp hành 2 hàng. Ngay phía sau cabine xe là trạm điều khiển.
Trong trạng thái chiến đấu, xe TEL được nâng lên khỏi mặt đất bởi 4 kích thủy lực, các ống phóng sẽ dựng 90o để có thể khai hỏa tên lửa theo chiều thẳng đứng.
Đạn đánh chặn của HQ-16 có hình dáng rất giống 9M38 thuộc tổ hợp Buk-M1 với chiều dài 5,01 m; đường kính 0,34 m; trọng lượng phóng 690 kg; mang đầu đạn nặng 70 kg; vận tốc tối đa Mach 3.
Tên lửa tiêu diệt được mục tiêu là máy bay hoạt động trong dải độ cao 15 m - 18 km, tầm xa 42 km; hoặc tên lửa hành trình trong cự ly 3,5 - 12 km, độ cao 50 m và có vận tốc 300 m/s.
Nhà sản xuất tuyên bố xác suất tiêu diệt mục tiêu trong một phát bắn đối với máy bay là 85% hoặc 60% khi chống lại tên lửa hành trình. Tên lửa được dẫn quán tính độc lập giai đoạn đầu, giai đoạn 2 bay theo lệnh từ đài điều khiển và chuyển sang dùng radar bán chủ động giai đoạn công kích.
Thành phần một khẩu đội HQ-16 đầy đủ
Radar tìm kiếm của tổ hợp HQ-16 là loại mảng pha 3 tham số (3D) thụ động, hoạt động trên băng tần S có tầm trinh sát 140 km, độ cao 20 km. Khi mục tiêu bị phát hiện, radar cảnh giới sẽ tự động đánh giá mối đe dọa rồi cung cấp tham số về radar điều khiển hỏa lực.
Radar điều khiển hỏa lực làm việc trên băng tần L, tầm quét tối đa 85 km, bám bắt được 6 mục tiêu, theo dõi 4 trong số đó để dẫn đường cho 8 tên lửa tấn công cùng lúc. Sau khi nhận tham số từ radar cảnh giới, radar hỏa lực sẽ tiến hành giám sát và xác định rõ đối tượng, nó cũng kiểm soát việc phóng đạn và chiếu xạ sau khi tên lửa được kích hoạt.
Các thành phần khác của hệ thống HQ-16 bao gồm xe chỉ huy, xe nguồn điện, xe nạp đạn, xe bảo dưỡng và thiết bị thử nghiệm tên lửa. Mỗi xe radar hỏa lực phụ trách 2 - 4 xe TEL, chúng nhận lệnh phân bổ mục tiêu từ xe chỉ huy với số liệu do xe radar cảnh giới cung cấp.
Trung Quốc hiện đã đưa vào trang bị phiên bản nâng cao hiệu suất tác chiến của HQ-16 với tên gọi HQ-16A, bên cạnh đó là biến thể tăng tầm HQ-16B có tầm bắn 70 km, tức là tương đương Buk-M3 của Nga.
Sự xuất hiện của tổ hợp tên lửa phòng không tối tân Hồng Kỳ 16 tại Tây Tạng có lẽ sẽ khiến Trung Quốc cảm thấy vững tâm phần nào trước ưu thế về không lực của Ấn Độ.