"Duyệt binh tại sa trường" - Trung Quốc gửi thông điệp cứng rắn tới Ấn Độ?

Nam Đồng |

Cuộc duyệt binh lớn nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) không được tổ chức tại Quảng trường Thiên An Môn như thông lệ.

Thay vào đó, buổi lễ đã diễn ra tại Căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa nằm ở khu tự trị Nội Mông, miền Bắc Trung Quốc.

Với diện tích lên tới 1.066 km2 trong đó bao gồm đầy đủ các dạng địa hình phức tạp như đồi núi, sa mạc, thảo nguyên, sông ngòi... đây là trung tâm huấn luyện thực chiến lớn và hiện đại nhất của PLA cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong cuộc duyệt binh trên, Trung Quốc đã cho phô diễn sức mạnh của nhiều loại vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự tối tân nhất của mình, bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực ZTZ-99A, pháo tự hành PLZ-05, tiêm kích tàng hình J-20, tên lửa đạn đạo DF-31AG... chúng xuất hiện với màu sơn ngụy trang mới trông rất ấn tượng.

Duyệt binh tại sa trường - Trung Quốc gửi thông điệp cứng rắn tới Ấn Độ? - Ảnh 1.

Pháo tự hành PLZ-07 122 mm, PLZ-05 155 mm, pháo phản lực PHL-03 cùng tên lửa chống tăng tự hành HJ-10 của Trung Quốc, đi ngoài cùng phía xa là xe vượt địa hình "Linh miêu"

Sau khi đã "mãn nhãn" với màn biểu dương lực lượng của PLA, vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm vào lúc này là tại sao lãnh đạo Trung Quốc lại rời thủ đô Bắc Kinh, đến tận Nội Mông xa xôi để duyệt đội ngũ?

Có lẽ tới đây sẽ phải nhắc lại cuộc duyệt binh huyền thoại trên Quảng trường Đỏ của Hồng quân Liên Xô vào năm 1941, khi đó các đoàn quân Xô Viết mang đầy đủ quân tư trang sau khi diễu qua lễ đài đã tiến thẳng ra mặt trận để trực tiếp chiến đấu.

Liệu hành động của Trung Quốc khi cho binh sĩ "Duyệt binh tại sa trường" năm nay có nhằm gửi tới những đối thủ tiềm tàng một thông điệp tương tự.

Duyệt binh tại sa trường - Trung Quốc gửi thông điệp cứng rắn tới Ấn Độ? - Ảnh 2.

Trực thăng vũ trang của Trung Quốc bay qua khối đội hình xe tăng chiến đấu chủ lực, đây sẽ là cặp bài trùng cực kỳ lợi hại trên chiến trường

Ngay lúc này, điểm nóng xung đột biên giới giữa Trung Quốc với Ấn Độ trên cao nguyên Doklam vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành chiến tranh quy mô lớn khi cả hai bên chưa cho thấy sự xuống thang mà vẫn tiếp tục điều động binh lực tới khu vực.

Doklam có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng bởi nếu kiểm soát được cao nguyên này, một khi xung đột xảy ra, Trung Quốc sẽ cô lập toàn bộ các bang Đông Bắc của Ấn Độ. Với chiến lược bành trướng xâm lấn như đang tiến hành tại biển Đông, khả năng Bắc Kinh chịu rời bỏ vị trí là rất thấp.

Chính vì vậy mà đến lúc này, hầu hết nhận định đều cho rằng cuộc duyệt binh lớn tại thao trường Chu Nhật Hòa không nhằm mục đích nào khác ngoài răn đe Ấn Độ, cho biết Trung Quốc đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng khi tình huống xấu nhất xảy ra.

Toàn cảnh Lễ diễu binh chào mừng kỷ niệm 90 năm thành lập Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tại căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại