Xét về sức mạnh tổng thể, Quân đội Ấn Độ bị đánh giá thấp hơn người láng giềng hùng mạnh. Tuy nhiên New Delhi vẫn nắm trong tay nhiều vũ khí hiện đại đủ khả năng thay đổi cục diện chiến trường, bao gồm các loại sau đây.
Máy bay tiêm kích Su-30MKI
Tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ
Su-30MKI là bản Su-30 tiên tiến nhất được Nga bán ra nước ngoài, chiếc tiêm kích Ấn Độ là sản phẩm của Tập đoàn Irkut, có rất nhiều nét khác biệt so với máy bay Su-30 mà tổ hợp Komsomolsk on Amur (KnAAPO) lắp ráp cho Trung Quốc.
Chiến đấu cơ Ấn Độ là sự kết hợp hài hòa giữa những thành phần cốt lõi của Nga như radar N011M BARS có tầm trinh sát tối đa 400 km hay động cơ kiểm soát vector lực đẩy hai chiều (2D TVC) AL-31FP, với các thiết bị điện tử, cảm biến tinh vi do Pháp sản xuất.
Năng lực chiến đấu của Su-30MKI theo đánh giá không hề thua kém Su-35SK của Trung Quốc, số lượng áp đảo lên tới gần 300 chiếc đủ giúp Không quân Ấn Độ kiểm soát bầu trời.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 Bhishma
Xe tăng T-90 Bhishma của Lục quân Ấn Độ
T-90 Bhishma là phiên bản xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 do Ấn Độ lắp ráp trong nước theo giấy phép của Nga.
Tính năng của Bhishma gần tương đương T-90 bản gốc, chỉ khác là nó đã bỏ đi hệ thống gây nhiễu quang điện tử Shtora-1 do nhận xét rằng khó phát huy hiệu quả tại vùng khí hậu nóng. Mặc dù vậy, T-90 của Ấn Độ vẫn được bảo vệ vững chắc bởi giáp composite phức hợp nhiều lớp kết hợp cùng giáp phản ứng nổ Kontakt-5 bao bọc bên ngoài.
Hỏa lực của T-90 Bhishma gồm pháo nòng trơn 2A46-M5 cỡ 125 mm nằm dưới sự kiểm soát của hệ thống điều khiển hỏa lực theo dõi mục tiêu tự động (ASC) và máy tính đạn đạo (WB), cho phép bắn chính xác cả trong điều kiện tầm nhìn rất kém.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự, T-90 Bhishma của Ấn Độ mạnh hơn nhiều Type 99A hay Type 96B của Trung Quốc.
Lựu pháo công nghệ cao M777
Một khẩu pháo M777 của Thủy quân lục chiến Mỹ khai hỏa
Để tăng cường sức mạnh quân sự trên tuyến kiểm soát thực tế với Trung Quốc, năm ngoài Ấn độ đã móc hầu bao chi 750 triệu USD để mua 145 khẩu pháo M777 cỡ 155 mm của Mỹ.
Ưu điểm nổi trội của M777 nằm ở trọng lượng rất nhẹ (chỉ 4.220 kg) do sử dụng nhiều titan trong cấu trúc, nhờ đó nó có thể vận chuyển bằng móc treo bên ngoài máy bay trực thăng, đưa được tới những địa hình phức tạp nhất một cách nhanh chóng.
Mặc dù là lựu pháo xe kéo nhưng M777 lại có hệ thống điều khiển hỏa lực tương tự loại dùng trên pháo tự hành M109A6 Paladin, cung cấp tham số về mục tiêu để phản ứng nhanh, chính xác, hiệu quả.
Với đạn nổ mạnh thông thường, tầm bắn của M777 đạt 24 km; lên tới 30 km khi bắn đạn tăng tầm; và đặc biệt nó còn triển khai được đạn pháo dẫn đường M982 Excalibur, cho tầm bắn tối đa 40 km, bán kính lệch mục tiêu chỉ 5 m.
Tên lửa chống tăng Spike
Tên lửa chống tăng Spike-LR do Israel sản xuất
Đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định chi 1 tỷ USD để mua 321 cơ cấu phóng cùng 8.356 quả tên lửa chống tăng Spike từ hãng sản xuất vũ khí Rafael của Israel. Trước đó vào năm 2014, Ấn Độ cũng từng dành 525 triệu USD để mua 8.000 quả tên lửa cùng 300 ống phóng đạn.
Tên lửa Spike có nhiều phiên bản khác nhau với tầm bắn từ 1,5 km (Spike-SR), lên tới 8 km (Spike-ER), thậm chí đạt 25 km với biến thể "không đường ngắm thẳng" Spike NLOS.
Tính năng của Spike tương tự như FGM-148 Javelin của Mỹ đó là sử dụng phương thức dẫn đường tự động (ACLOS) tinh vi với chế độ đánh "đột nóc" (top attack) nhằm thẳng vào vị trí bọc giáp mỏng nhất của xe tăng để nâng cao hiệu quả tiêu diệt.
Nhờ được trang bị hệ thống dẫn đường "không thể gây nhiễu" cùng đầu đạn hai tầng chống giáp phản ứng nổ, tên lửa Spike sẽ giúp bộ binh Ấn Độ tiêu diệt được các loại chiến xa tối tân nhất của Trung Quốc, thậm chí cả trực thăng bay thấp.