Cẩn trọng với những món khoái khẩu

Hà Minh |

Các chuyên gia cảnh báo, nhiều món khoái khẩu trong dịp lễ tết như tiết canh, gỏi, nem chạo hay rau sống… tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh kí sinh trùng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Nhiễm kí sinh trùng là căn bệnh âm thầm, do các loài kí sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người. Chúng có thể chung sống hòa thuận trong cơ thể người nhiều năm liền để sinh sôi, nảy nở và hút dinh dưỡng, máu từ cơ thể vật chủ. Người bệnh có thể vô tình phát hiện khi đi khám sức khỏe tổng quát hay khám bệnh thông thường có thực hiện các chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu.

Khoảng 3 tháng nay, ông T.V.N. (sinh năm 1968, tỉnh Nam Định) đau dữ dội một mảng đầu bên phải nhưng điều trị ở bệnh viện tỉnh một thời gian không hiệu quả. Kết quả chụp chiếu, bác sĩ nghi ngờ có u não. Bệnh nhân đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và sau đó được chuyển tới Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương) vì nghi ngờ mắc bệnh kí sinh trùng. Kết quả chụp cộng hưởng từ, phát hiện có tổn thương ở não. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc ấu trùng sán lợn ở hệ thần kinh trung ương (sán não). Bệnh nhân cho biết ngoài đau đầu còn bị tê yếu, khó cử động toàn bộ nửa người bên phải. Theo bệnh nhân, dù không thường xuyên nhưng trong các dịp lễ tết, hội hè, ông có ăn tiết canh, thịt lợn tái… TS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết những bệnh nhân mắc sán não phải tuân theo phác đồ điều trị làm 3 đợt, có thể kéo dài tới 7 tháng đến 1 năm.

Cẩn trọng với những món khoái khẩu - Ảnh 1.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân N. nhiễm sán não

Giống như nhiều bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, anh H.V.K đi khắp các bệnh viện điều trị nhưng không tìm được nguyên nhân gây bệnh. Trước đó, tháng 9/2022 anh K. sốt 38,50C và mệt mỏi, chán ăn và giảm 8kg trong thời gian ngắn. “Do có tổn thương, nghi áp xe gan nên sau đó tôi được chuyển tới Bệnh viện K để kiểm tra và tiếp tục được đưa đến bệnh viện này điều trị”, anh K. chia sẻ. Bác sĩ Trần Huy Thọ cho biết qua các kết quả thăm khám, nam bệnh nhân được chẩn đoán sán lá gan lớn. Nguyên nhân có thể xuất phát từ thói quen thường xuyên ăn các món rau thủy sinh, ăn rau sống…

Hàng loạt biểu hiện ảnh hưởng sức khỏe

PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Kí sinh trùng (Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết dịp Tết Nguyên đán, đây là lúc tăng các bệnh về kí sinh trùng do thói quen ăn uống của nhiều người dân. Các món như gỏi cá, lẩu cá có thể là nguyên nhân gây nhiễm sán lá gan nhỏ, gây rối loạn tiêu hóa… Kí sinh trùng có thể có mặt trong thực phẩm hoặc nguồn nước, khi chúng ta ăn thực phẩm chưa nấu chín, nước uống chưa nấu sôi. Nhiễm kí sinh trùng đường tiêu hóa sẽ có một số biểu hiện như: tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng, đầy hơi… nhưng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh đường ruột khác. Bệnh kí sinh trùng ở người sẽ gây ra một số vấn đề trên da như phát ban đỏ, chàm, dị ứng. Ngoài ra, các chất thải từ kí sinh trùng tích tụ trong da, lâu ngày dẫn đến sưng tấy, tổn thương da, viêm nhiễm.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên ăn chín, uống chín; không ăn gỏi cá, cá chưa nấu chín; không ăn thịt lợn, thịt bò tái, nem chua, nem chạo không đảm bảo chất lượng; không ăn tiết canh và các thức ăn chưa nấu chín.

Chuyên gia cho biết các loại rau sống như rau muống, rau ngổ, cải, rau cần, rau diếp cá… không được rửa kĩ có thể gây nhiễm sán lá gan lớn, khiến áp xe gan, tổn thương gan. Ăn thịt lợn, thịt bò tái, sống hoặc chưa nấu chín có ấu trùng sán dây thì có thể nhiễm sán dây trưởng thành. “Ấu trùng sán đi vào cơ thể phát triển thành sán dây trưởng thành kí sinh tại ruột non, gây rối loạn tiêu hóa, đau bụng, khó chịu, gầy sút. Đốt sán già chứa nhiều trứng sán có thể rụng ra trong ruột, nguy cơ nhiễm nhiều trứng sán theo cơ chế tự nhiễm dẫn đến nhiễm ấu trùng sán lợn rất nguy hiểm”, bác sĩ ông Đỗ Trung Dũng phân tích.

“Tuy nhiên, có một số bệnh có biểu hiện cấp tính như bệnh giun xoắn. Khi chúng ta ăn thịt lợn chưa nấu chín như thịt tái, thịt chua, nem chua, nem chạo, tiết canh… thì có nguy cơ nhiễm ấu trùng giun xoắn kí sinh trong lợn. Tùy vào mức độ nhiễm mà người bệnh có biểu hiện sốt cao, tiêu chảy kéo dài, phù mắt, phù mặt sau đó phù toàn thân, sợ ánh sáng, đau nhức cơ toàn thân, gầy sút, li bì, biểu hiện của nhiễm trùng nhiễm độc cấp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ dẫn đến suy đa phủ tạng và có thể tử vong”, TS Dũng nói.

Nếu nhiễm kí sinh trùng, tâm lí của người bệnh sẽ thay đổi trở nên lo lắng, bất an, thậm chí ảnh hưởng thần kinh qua các biểu hiện kém tập trung, suy giảm trí nhớ. Bệnh do kí sinh trùng nếu như không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: giun đi lạc chỗ đến cơ quan quan trọng, tắc ruột, tắc ống mật, viêm màng não, rối loạn tim mạch, viêm phổi, viêm ruột, thiếu máu, suy dinh dưỡng. Đặc biệt, với người bệnh suy giảm miễn dịch thì hậu quả nặng nề, có thể biến chứng tử vong nếu không phát hiện, chữa trị kịp thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại