Ngưng thở mà không biết
32 tuổi, lúc nào anh Trương Văn Hải, Lập Thạch, Vĩnh Phúc cũng được cả nhà gọi là cái máy cưa gỗ bởi cứ nằm xuống ngủ là anh bắt đầu ngáy.
Thậm chí, tiếng ngáy to khiến vợ con anh không ngủ nổi. Không chỉ ngáy to, trong khi ngủ những người còn thức có thể nghe thấy anh ngáy như sặc lên nhưng gọi anh dậy thì anh không có triệu chứng và cũng không biết gì.
Vợ anh Hải cho biết mỗi lần chồng ngáy chị đều thấy khó ngủ thậm chí dù vợ chồng trẻ nhưng chị cũng không nằm chung giường vì anh ngáy to quá.
Gần đây, vợ anh Hải đi viện khám và nhờ bác sĩ tư vấn về bệnh mất ngủ do chồng ngáy. Được bác sĩ tư vấn kèm theo lời khuyên chị nên theo dõi giấc ngủ của chồng.
Vợ Anh Hải phát hiện chồng ngủ ngáy to nhưng có lúc lại im không ngáy nữa và anh lại sặc lên cái rồi ngáy tiếp. Bác sĩ nghi ngờ đó là những cơn ngừng thở khi ngủ và vợ chồng anh Hải xuống viện kiểm tra.
Bác sĩ đo các chỉ số thở khi ngủ của anh chỉ trong 1 tiếng có tới 100 cơn ngừng thở, lượng oxy trong máu giảm tới hơn 50%. Theo các bác sĩ đây là bệnh lý nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra đột tử.
Khi kiểm tra, bác sĩ còn phát hiện hiện tượng ngáy to là do anh bị dị tật ở vùng mũi họng khiến việc ngủ phải ngáy to và dẫn đến khó thở khi ngủ.
Theo GS Ngô Quý Châu – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết ngưng thở khi ngủ là trong quá trình ngủ, người bệnh bị ngưng lưu thông không khí trên 10 giây, có lúc giảm lưu thông không khí gọi là giảm thở, lưu lượng giảm trên 50% cũng trên 10 giây.
Chính những lúc ngừng thở hoặc giảm thở như vậy làm không khí không lưu thông được vào phổi đem oxy tới não và các cơ quan trong cơ thể giảm. Gọi là ngừng thở và giảm thở khi 1 giờ bị trên 5 lần. Người ta chia ra các mức độ nhẹ ngừng thở từ 5-15 lần/ giờ, trung bình từ 15- dưới 30 lần/ giờ, mức nặng trên 30 lần/giờ.
Có 3 loại ngừng thở đó là ngừng thở tắc nghẽn - không khí không lưu thông được, do đường thở đóng lại, có thể do bất thường giải phẫu (amidan quá phát, người béo phì, thừa cân), hoặc liên quan đến hoạt động của hệ thống thần kinh giữ cho đường hô hấp trên mở, khi ngủ những người đó bị xẹp đường thở trên làm không khí không lưu thông được; loại thứ 2 là rối loạn đường thở trung tâm là do hệ điều hòa thần kinh trung tâm hô hấp không hoạt động tốt làm xung động dừng lại làm bệnh nhân ngừng thở; loại thứ 3 là hỗn hợp, lúc đầu là rối loạn đường thở trung tâm rồi đến tắc nghẽn.
Đa số các trường hợp bệnh đều liên quan đến thừa cân béo phì, hoặc người có bệnh lý ở phổi như mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người dùng một số thuốc như người nghiện thuốc phiện hoặc thuốc ngủ cũng có thể làm xuất hiện bệnh hoặc bệnh nặng thêm bệnh.
Trẻ nhỏ cũng có nguy cơ bị
GS.TS Vũ Văn Giáp, Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam; Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết tại Bệnh viện Bạch Mai các bác sĩ cũng gặp cả các trường hợp cháu bé bị ngừng thở khi ngủ, có những cháu bé còn rất ít tuổi.
Đối với trẻ em hay gặp nhóm nguyên nhân có liên quan đến bất thường căn nguyên tai mũi họng, đối với trẻ em hiện nay thì đối tượng thừa cân béo phì cũng rất lớn liên quan đến lười vận động, sử dụng thức ăn nhanh khá phổ biến.
Đối với thanh niên thì trong phóng sự bệnh nhân nặng 140kg, cao 170cm (bệnh nhân thừa 70kg ) có nhiều biến chứng gây ra suy hô hấp mạn tính, đa hồng cầu vào viện trong tình trạng nặng. Với bệnh nhân lớn tuổi vào viện trong tình trạng có đột quỵ có liên quan tăng huyết áp kèm theo hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Bác sĩ Giáp cho biết ngưng thở khi ngủ khiến cho việc kiểm soát huyết áp khó khăn hơn, trong cơn ngưng thở thiếu oxy trong máu và thiếu oxy ở các cơ quan, có 2 cơ quan quan trọng mà không thể thiếu oxy là não và tim.
Thực tế bệnh nhân đã có đột quỵ não. Đó là bệnh cảnh gặp trên lâm sàng và có thể rải rác rất nhiều chuyên khoa khác nhau khi đến khám. Triệu chứng chính phổ biến nhất là ngủ ngáy (to) thường xuyên buồn ngủ ban ngày, ngủ gật khi lái xe và khó tập trung vào công việc và ngủ dậy không cảm thấy sảng khoái.
Để phòng ngừa hội chứng ngưng thở khi ngủ. Bác sĩ Giáp cho biết với những trường hợp thừa cân béo thì việc quan trọng là giảm cân không với chỉ với hội chứng ngưng thở khi ngủ mà còn với các bệnh lý khác như rối loạn chuyển hóa, mỡ máu, huyết áp...
Những trường hợp có kèm theo bất thường về giải phẫu như bất thường hàm mặt, amidan quá phát, VA quá to, lưỡi gà rủ quá thấp, các trường hợp đó cần có can thiệp về chuyên khoa để có thể giải quyết được nguyên nhân.