Bài viết này của bác sĩ Tương Mãn Ba, Khoa ngoại tiết niệu Bệnh viện Trung Y Quảng Đông (TQ) đưa ra những lời khuyên về cách chăm sóc sức khỏe của thận thông qua việc ăn uống những thực phẩm đơn giản hàng ngày thay vì việc tìm kiếm những món ăn "cao siêu" đắt đỏ.
Thận vốn được xem là anh hùng thầm lặng của cơ thể, có nhiệm vụ lọc và loại bỏ chất thải từ khoảng 120-150 lít máu mỗi ngày. Thận đóng vai trò chính trong việc tạo ra các tế bào hồng cầu, kiểm soát huyết áp, duy trì sức khỏe của xương và điều chỉnh mức độ điện giải trong máu. Vì vậy, cần phải bảo vệ sức khỏe của các cơ quan làm việc chăm chỉ này.
Dưới đây là một số gợi ý hữu ích hơn rất nhiều so với những giải pháp khác mà bạn nên học hỏi càng sớm càng tốt.
1, Giữ ẩm, duy trì đủ lượng nước trong cơ thể
Nước giúp thận hoạt động đúng cách bằng cách pha loãng nồng độ chất thải trong nước tiểu, do đó bạn cần bổ sung đủ nước trong lịch sinh hoạt hàng ngày.
Thông thường, phụ nữ trưởng thành cần bổ sung 2.1L mỗi ngày và nam giới trưởng thành cần khoảng 2.6L.
Nhưng đôi khi, khi thời tiết nóng hoặc có những hoạt động nặng, công việc vất vả gây đổ mồ hôi, bạn cần bổ sung thêm nước.
Màu sắc của nước tiểu có thể được sử dụng như một chỉ báo về tình trạng mất nước: Nếu màu nước tiểu sẫm hơn màu rơm, có nghĩa là bạn cần uống nước để bổ sung độ ẩm.
2. Kiểm soát huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu
Khi cơ thể tăng huyết áp, cholesterol hoặc lượng đường trong máu bất thường cũng có thể gây hại cho thận. Trong đó, tăng huyết áp đặc biệt có hại.
Không có triệu chứng rõ ràng khi huyết áp tăng, vì vậy cần phải kiểm tra huyết áp thường xuyên. Nếu huyết áp, cholesterol hoặc lượng đường trong máu bất thường là do lối sống, thì bạn phải cải thiện ngay bằng các biện pháp như ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ và uống thuốc theo đơn đúng hướng dẫn.
3. Giảm lượng muối ăn vào hàng ngày
Trong bất kỳ món thức ăn sẵn nào cũng chứa khá nhiều muối, ước tính lượng muối mà chúng ta ăn vào hàng ngày thường cao hơn khoảng 50% so với lượng khuyến nghị.
Việc ăn nhiều muối quá mức có thể làm tăng huyết áp, ngăn không cho máu chảy đến thận và gây hại cho thận.
Nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần 2.300 mg natri hoặc 1 muỗng cà phê muối mỗi ngày, nhưng việc đặt lọ muối cách xa bàn ăn của bạn có thể không đủ để giảm lượng muối mà bạn tiêu thụ.
Có khoảng đến 75% lượng natri đến từ thực phẩm chế biến sẵn như súp, nước sốt cà chua hỗn hợp và nhiều món ăn khác như thực phẩm đóng hộp và gia vị. Khi mua thực phẩm, bạn cũng cần kiểm tra hàm lượng muối được ghi trên nhãn.
4. Không dùng quá nhiều thực phẩm nhóm protein
Chúng ta đều biết rằng, chế độ ăn giàu protein ngày nay rất phổ biến, việc ăn quá nhiều có thể gây hại cho thận vì amoniac là sản phẩm phụ của quá trình chuyển hóa protein, được chuyển hóa thành urê trong cơ thể và đào thải ra nước tiểu thông qua thận.
Càng ăn nhiều chất đạm động vật thì thận của bạn càng cần phải làm việc nhiều hơn. Do đó, bạn nên chú ý ăn một lượng chất đạm vừa với nhu cầu của cơ thể, tránh ăn quá nhiều.
5. Nên tránh thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến như bánh quy, thịt nguội, khoai tây chiên, sốt phô mai, và các loại nước chúng ta thích uống - đồ uống có ga chứa nhiều natri và phốt pho. Uống quá nhiều các loại đồ uống chứa hai chất này có thể gây hại cho thận.
6. Giảm lượng rượu hoặc bỏ rượu
Sử dụng rượu quá mức có thể gây hại cho thận. Bởi vì sau khi rượu vào cơ thể sẽ cần được lọc ra khỏi máu thông qua hệ thống lọc của thận. Không những thế, quá trình xử lý rượu có thể gây mất nước nên cũng làm hao hụt lượng nước trong cơ thể và ảnh hưởng đến chức năng bình thường của thận.
Uống quá nhiều rượu chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ huyết áp cao và bệnh gan. Tác động không nhỏ đến mọi cơ quan trọng cơ thể của bạn.
7. Không hút thuốc
Hút thuốc có thể gây hại cho tim và phổi đồng thời có thể gây ung thư, và đương nhiên là thận không "thích" bạn hút thuốc. Hút thuốc cũng được chứng minh là làm tăng huyết áp và làm chậm lưu lượng máu đến thận.
8. Duy trì cân nặng hợp lý
Cân nặng quá mức, hoặc chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 trở lên, được cho là gây hại lớn cho thận. Cân nặng quá mức hay béo phì sẽ làm tăng nguy cơ phát triển thành bệnh huyết áp cao.
Khi bạn có nguy cơ thừa cân, béo phì thì một chương trình giảm cân lành mạnh kết hợp với chế độ ăn uống và tập thể dục cân bằng có thể giúp đạt được mục tiêu cân nặng bình thường. Hãy thường xuyên chú ý đến việc duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý.
9. Ăn thêm đậu nành, quả việt quất và rau xanh
Mặc dù bạn đã được khuyến cáo rằng bổ sung quá nhiều protein có thể gây căng thẳng cho thận, nhưng không phải tất cả các loại protein đều bất lợi cho thận.
Các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng thay thế protein nguồn động vật bằng protein từ đậu nành có thể làm giảm các nguy cơ gây ra bệnh thận, nhưng nó cũng cần đảm bảo rằng nó không vượt quá giới hạn protein cần ăn trong ngày.
Quả việt quất là một thực phẩm khác được đánh giá là rất tốt cho thận. Đây là loại quả rất giàu chất chống oxy hóa, có thể bảo vệ thận khỏi tình trạng viêm. Rau xanh giàu canxi cũng có thể ngăn ngừa sỏi thận.
10. Đại hoàng và hoa vàng có thể cải thiện chức năng thận
Đại hoàng và hoa vàng có thể giúp tăng cường sức khỏe thận. Trong quan niệm Đông y truyền thống Trung Quốc, vị thuốc Đông y Đại hoàng và hoa vàng có tác dụng như một chất bổ sung thận cho sức khỏe của thận, từ đó có thể cải thiện chức năng thận, bảo vệ thận khỏi bị tổn hại.
Nếu bạn bị bệnh thận, những thảo dược này có thể có tác dụng phụ có hại, vì vậy không tự điều trị, bạn nên tìm tư vấn từ các chuyên gia Đông y giỏi.
*Theo Health/TT