Bộ phận của con lợn thường bị người phương Tây vứt bỏ: Nhiều người Việt thích mê

Ngọc Minh |

Lòng lợn là món không hề xa lạ với người Việt. Đây là món ăn dân dã cực kỳ "hút" khách, đặc biệt là các quý ông trên bàn nhậu.

Lòng lợn - món ăn nghèo dinh dưỡng, khó tiêu hoá

PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Ninh – Trưởng Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM, nguyên Trưởng khoa Vi chất (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) - cho biết ở các quốc gia châu Âu nói chung, lòng của động vật nói chung và lợn nói riêng thường được vứt đi hoặc làm thức ăn cho gia súc. Tại Việt Nam, lòng lợn là đặc sản trên bàn nhậu cho cánh mày râu.

"Xét về giá trị dinh dưỡng, lòng lợn là món ăn nghèo chất dinh dưỡng, khó tiêu hoá. Ngoài ra, ăn lòng lợn còn có liên quan tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu như không được làm sạch có thể chứa các vi khuẩn, ký sinh trùng có hại của vật chủ (lợn)", PGS Ninh nói.

Cụ thể, PGS Ninh lưu ý các loại tạng động vật không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (giun, sán)... Một số ruột động vật có chứa lượng lớn vi khuẩn E.Coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn.

Bộ phận của con lợn thường bị người phương Tây vứt bỏ: Nhiều người Việt thích mê - Ảnh 1.

PGS Nguyễn Xuân Ninh, ảnh nguồn: PV.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe khi ăn lòng, PGS Ninh lưu ý:

- Chỉ nên ăn lòng 1-2 lần/ tháng.

- Đảm bảo lòng đã làm sạch và nấu chín để tránh mầm bệnh và ký sinh trùng nguy hiểm.

- Tuyệt đối không ăn các loại lòng không rõ nguồn gốc xuất xứ, dễ có những chất bảo quản hoặc tẩy rửa bằng hóa chất không tốt cho sức khoẻ.

Cũng theo PGS Ninh, quan niệm "ăn gì bổ đấy" được truyền tai nhau trong dân gian cũng không có cơ sở khoa học. Món ăn nào dù ngon tới đâu cũng nên ăn tiết chế có điểm dừng.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết thêm lòng lợn là món ăn được nhiều người Việt yêu thích. Tuy nhiên, món ăn này không nên ăn quá nhiều vì có thể gây ra những hệ lụy cho sức khoẻ.

Giá trị dinh dưỡng trong lòng không có nhiều, chủ yếu là chất béo bão hòa và cholesterol. Trong 100g lòng lợn có khoảng gần 400mg cholesterol.

Theo PGS Lâm, cholesterol là thành phần cần cho cấu trúc tế bào. Nhưng ăn quá nhiều có thể gây ra dư thừa cholesterol, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Bởi vậy, người cao tuổi, người bị bệnh gút cần tránh ăn món này.

Ngoài ra, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, người thừa cân - béo phì... cần hạn chế ăn lòng và tạng động vật.

Theo khuyến cáo của PGS Lâm, với những người khỏe mạnh chỉ nên ăn lòng 1 lần/tuần, mỗi lần từ 70-80gram. Mọi người chỉ nên ăn dưới 300mg cholesterol/ngày từ tất cả các thực phẩm. Cholesterol không chỉ có trong các tạng của động vật mà còn có nhiều trong da động vật, mỡ động vật… Để khỏe mạnh. mọi người nên ăn đa dạng và cân đối các loại thực phẩm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại