Binh chủng Tăng Thiết giáp: Từ không đến có, từ nhỏ đến lớn... Đã ra quân là đánh thắng

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Là lực lượng đột kích quan trọng của lục quân, trong 63 năm qua Binh chủng Tăng Thiết giáp (TTG) luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Do đó binh chủng đã không ngừng trưởng thành lớn mạnh, đủ khả năng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Từ không đến có

Do hoàn cảnh và điều kiện lịch sử, thời kỳ kháng chiến chống Pháp quân đội ta chưa có xe tăng cũng như một số đơn vị kỹ thuật khác. Bởi vậy, sau ngày hòa bình lập lại, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đẩy mạnh xây dựng các quân binh chủng để tăng cường sức mạnh quân đội đủ khả năng bảo vệ Tổ quốc.

Vấn đề đầu tiên cần giải quyết chính là vấn đề con người. Thời đó, bộ đội ta đa số xuất thân nông dân và dân nghèo nên trình độ văn hóa thấp, nhiều người khi nhập ngũ chưa biết đọc, biết viết. Bởi vậy, muốn đưa đi đào tạo để sử dụng vũ khí hiện đại thì phải bồi dưỡng về văn hóa trước.

Thế là Trường văn hóa quân đội được mở ra. Các cán bộ, chiến sĩ ưu tú được tuyển chọn từ khắp các đơn vị trong toàn quân được đưa về đây học tập. Sau đó được đưa đi nước ngoài đào tạo về chuyên môn.

Binh chủng Tăng Thiết giáp: Từ không đến có, từ nhỏ đến lớn... Đã ra quân là đánh thắng - Ảnh 1.

Đoàn cán bộ, chiến sĩ đầu tiên đi học về xe tăng ở Trung Quốc gồm 202 đồng chí, bao gồm: đào tạo cán bộ chỉ huy, cán bộ kỹ thuật, thành viên kíp xe và nhân viên kỹ thuật, thợ sửa chữa tại bốn nhà trường khác nhau do đồng chí Đào Huy Vũ phụ trách chung.

Cuối tháng 8 năm 1959, toàn bộ số học viên được đào tạo từ các trường chuyên ngành tập trung về doanh trại một trung đoàn xe tăng của bạn đang đóng ở Quế Lâm (Quảng Tây). Tại đây, một đoàn cán bộ chính trị gồm 23 đồng chí do đồng chí Đặng Quang Long dẫn đầu từ bên nước cũng đã sang và tham gia tập huấn.

Đến thời điểm đó, một khung trung đoàn xe tăng có đủ cán bộ chỉ huy, cán bộ chính trị, cán bộ kỹ thuật, các thành viên kíp xe (chưa có pháo thủ số 2- nạp đạn) và thợ sửa chữa đã tập kết về đây.

Cùng thời gian đó, lần lượt một số đoàn tàu chở theo gần 100 chiếc xe tăng T34 và pháo tự hành CAY-76 đổ về ga Quế Lâm. Đó là những chuyến xe tăng, pháo tự hành đầu tiên mà nước bạn Liên Xô viện trợ cho Việt Nam và đây chính là vốn liếng đầu tiên của binh chủng Thiết giáp Việt Nam.

Ngày 2.9.1959, Lễ công bố thành lập Trung đoàn xe tăng 202 được tiến hành dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Văn Quang, Thiếu tướng Phó Tổng tham mưu trưởng đại diện cho Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng.

Tiếp đó, ngày 5.10.1959, Bộ Quốc phòng ban hành chính thức Quyết định thành lập Trung đoàn xe tăng 202 - trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Từ đó, ngày 5.10.1959 được lấy làm ngày truyền thống của Bộ đội xe tăng Việt Nam.

Binh chủng Tăng Thiết giáp: Từ không đến có, từ nhỏ đến lớn... Đã ra quân là đánh thắng - Ảnh 2.

Những chiếc xe tăng đầu tiên của Binh chủng Tăng thiết giáp

Từ nhỏ đến lớn, "Đã ra quân là đánh thắng"

18 giờ 33 phút ngày 13.7.1960, tại ga Vĩnh Yên, chiếc xe tăng T-34 mang số hiệu 114 dưới sự điều khiển của Trung sĩ Đào Văn Bàn đã rời toa tàu, lăn những vết xích đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam, đánh dấu một thời khắc trọng đại - Quân đội nhân dân Việt Nam đã có trong tay những trang bị hiện đại để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Sau khi về nước, Trung đoàn xe tăng 202 đã nhanh chóng ổn định mọi mặt để bước vào huấn luyện, sẵn sàng đi làm nhiệm vụ. Ngoài việc huấn luyện nâng cao trình độ sử dụng trang bị, trung đoàn còn tham gia nhiều cuộc diễn tập hiệp đồng binh chủng với các sư đoàn bộ binh và rút ra nhiều bài học quý giá về tác chiến xe tăng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan chưa cho phép- đặc biệt là đường cơ động nên một số cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã phải đi bộ vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam với phương châm: "Xe chưa đi, người đi trước vào chiến trường lấy xe địch đánh địch, đồng thời chuẩn bị đón xe tăng vào khi thời cơ đến".

Ngày 22.6.1965, Trung đoàn xe tăng 203 - trung đoàn thứ hai của Binh chủng Tăng Thiết giáp (TTG) được thành lập cùng với các cơ quan Bộ Tư lệnh. Từ thời điểm đó, bộ đội xe tăng có mặt trong đội hình QĐND với tư cách một binh chủng hoàn chỉnh.

Trong lúc đó, chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng mở rộng ra miền Bắc. Binh chủng Tăng Thiết giáp đã thành lập Đoàn 510 gồm 11 đại đội Cao xạ tự hành tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ một số mục tiêu quan trọng như sân bay Đa Phúc (Nội Bài), cầu Việt Trì, Khu gang thép Thái Nguyên...

Mặc dù không phải chuyên môn song các chiến sĩ xe tăng đã chiến đấu rất anh dũng và hiệu quả, bắn rơi 5 máy bay Mỹ, nhiều cán bộ chiến sĩ được tặng huân chương, có đơn vị được tặng danh hiệu "Cồn Cỏ đất liền"...

Cuối năm 1967, các điều kiện khách quan và chủ quan đã tương đối chín muồi, Tiểu đoàn xe tăng 198 thuộc Trung đoàn 203 lĩnh ấn tiên phong vào chiến trường tham gia chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh. Tại đây, đơn vị đã phối thuộc với bộ binh đánh thắng trận đầu tại Tà Mây- Làng Vây, mở ra truyền thống "Đã ra quân là đánh thắng" cho bộ đội TTG Việt Nam.

Từ đó, xe tăng liên tục được đưa vào các chiến trường miền Nam và tham gia nhiều chiến dịch quan trọng. Từ Đường 9- Nam Lào đến cuộc Tổng tiến công chiến lược 1972, Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội xe tăng đã đánh 211 trận lớn nhỏ, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, lập nhiều chiến công vang dội. Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, xe tăng đã dẫn đầu 5 cánh quân tiến công vào Sài Gòn- Gia Định.

Ngày 30.4.1975, các xe tăng 843, 390 của Đại đội XT4, Lữ đoàn XT 203 đã húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, Trung úy đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ giải phóng lên nóc dinh, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng đã thay mặt Quân giải phóng tiếp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh đánh dấu thời khắc chấm dứt chiến tranh.

Những năm tiếp theo, bộ đội TTG tiếp tục cùng toàn dân, toàn quân chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Ngày 7.01.1979, xe tăng của Lữ đoàn 22, Quân đoàn 4 đã dẫn đầu đội hình tiến công thủ đô Phnom Penh, cơ quan đầu não của chế độ Khmer Đỏ tàn ác. Chuẩn úy xe tăng Trần Ngọc Giao là người đã cắm lá cờ chiến thắng lên cột cờ Bộ Tổng Tham mưu địch.

Sau đó, bộ đội xe tăng lại cùng các đơn vị Quân tình nguyện tiếp tục ở lại làm nghĩa vụ quốc tế cho đến ngày hòa bình lập lại trên đất nước bạn. Ở phía Bắc, các đơn vị xe tăng cũng sát cánh cùng các đơn vị bạn bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Binh chủng Tăng Thiết giáp: Từ không đến có, từ nhỏ đến lớn... Đã ra quân là đánh thắng - Ảnh 4.

Bộ đội xe tăng đã đóng góp quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tiến lên "chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ

Trong thế trận quốc phòng toàn dân của Việt Nam, xe tăng vẫn được đánh giá là "lực lượng đột kích quan trọng của Lục quân; trong một số trận đánh, chiến dịch có thể cùng với bộ binh giữ vai trò quyết định".

Với đánh giá như vậy, lực lượng xe tăng trong Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn tiếp tục được quan tâm, lực lượng vẫn được bảo toàn và có phần phát triển lên một tầm vóc cao hơn.

Năm 2013, Bộ Quốc phòng đã quyết định nâng cấp các Trung đoàn xe tăng thuộc các quân khu, quân đoàn trở thành các Lữ đoàn với những bổ sung về nhân sự và trang bị một cách đồng bộ và đầy đủ hơn. Bên cạnh đó, tại các tỉnh thành đã có biên chế các đơn vị TTG nhằm tăng cường sức mạnh cho thế trận phòng thủ của địa phương.

Tuy nhiên, do nguồn ngân sách còn hạn hẹp nên trong tương lai, hướng đi chủ yếu của Quân đội nhân dân Việt Nam trước mắt vẫn là tiếp tục nâng cấp, cải tiến dòng xe tăng T-54, T-55 lên các chuẩn mới, trong đó chú trọng nâng cấp hệ thống hỏa lực và khả năng tự bảo vệ.

Bên cạnh đó đã và sẽ tiến hành mua sắm một số loại xe tăng chiến đấu chủ lực (trong đó có xe tăng T-90S), xe thiết giáp chở bộ binh loại hiện đại bậc nhất thế giới, có tính năng kỹ chiến thuật phù hợp với đặc điểm chiến trường và nghệ thuật quân sự Việt Nam... Đồng thời thành lập một số đơn vị mới nhằm tăng cường sức mạnh cho một số hướng chủ yếu.

Binh chủng Tăng Thiết giáp: Từ không đến có, từ nhỏ đến lớn... Đã ra quân là đánh thắng - Ảnh 6.

Xe tăng T-90S hiện đại nhất của Quân đội Việt Nam. Ảnh: Tiền Phong

Thấm nhuần bài học về mối quan hệ giữa trang bị vũ khí và con người thì con người bao giờ cũng giữ vai trò quyết định. Bởi vậy, Binh chủng TTG đã hết sức chú trọng xây dựng đội ngũ sĩ quan, thành viên kíp xe có bản lĩnh chiến đấu cao, đủ khả năng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh việc giáo dục xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, binh chủng tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện theo phương châm "Cơ bản, thiết thực, vững chắc, đồng bộ và chuyên sâu". Qua đó nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sử dụng thành thạo các trang bị có trong biên chế, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ địch...

Nhờ vậy, kết quả huấn luyện tại các nhà trường đơn vị ngày một nâng lên, năm sau cao hơn năm trước. Tham gia các cuộc diễn tập do Bộ tổ chức, các đơn vị TTG đều hoàn thành nhiệm vụ và được đánh giá cao.

Hội nhập cùng thế giới, từ năm 2018 Binh chủng Tăng Thiết giáp đã cử đội tuyển tham gia giải đấu xe tăng Tank Biathlon trong khuôn khổ "Hội thao quân sự quốc tế", thành tích của đội tuyển Việt Nam ngày càng tiến bộ: Năm thứ ba (2020) đoạt Huy chương vàng tại Bảng 2; Năm thứ năm (2022) lọt vào bán kết tại Bảng 1 Tank Biathlon 2022, sánh vai cũng những cường quốc về sử dụng xe tăng như Nga, Trung Quốc, Belarus...

Kỷ niệm 63 năm ngày truyền thống (5.10.1959- 5.10.2022), phát huy truyền thống vẻ vang "Đã ra quân là đánh thắng", với những định hướng chính xác và những bước đi hợp lý, Bộ đội TTG Việt Nam ngày càng tiến lên "chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại