Sáng nay, trong 11 bệnh nhân được công bố xuất viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 2 bệnh nhân tái dương tính trở lại.
Giải mã về các trường hợp tái dương tính tại Việt Nam, GS. Nguyễn Văn Kính, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 là dịch bệnh mới nên các nhà nghiên cứu trên thế giới cần thêm thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về virus này.
Với bệnh SARS (2003) bệnh nhân thường khỏi dứt điểm luôn. Dịch bệnh cũng kết thúc 17 năm qua không ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh mới. Với bệnh MERS dịch bệnh cũng chỉ tồn tại thời gian ngắn và hiện nay chỉ ghi nhận một số ít ca mắc khi có tiếp xúc gần với lạc đà.
11 bệnh nhân được xuất viện trong ngày 5/5.
"Virus SARS-CoV-2 bản chất được đột biến từ virus gây bệnh SARS. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 có sự đa dạng và không ổn định. Thế giới sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu về sự biến đổi của virus này.
Cho đến nay, SARS-CoV-2 được giải trình gen ở mỗi quốc gia lại có sự khác nhau với virus ban đầu ở Vũ Hán", GS.Kính nói.
Theo hướng dẫn điều trị của WHO và Bộ Y tế thì bệnh nhân khỏi bệnh khi đủ các tiêu chuẩn: đã hết các triệu chứng lâm sàng (3 ngày không sốt) và có ít nhất 2 lần xét nghiệm cách nhau 24 giờ âm tính. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm điều trị tại Trung Quốc và Hàn Quốc bệnh nhân hết bệnh đã xuất hiện 1 số bệnh nhân tái dương tính.
"Tại Việt Nam các trường hợp tái dương tính sau khi công bố khỏi bệnh đều không có dấu hiệu lâm sàng. Bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh ăn, ngủ bình thường.
Các bệnh nhân tái dương tính đã được nuôi cấy mẫu bệnh phẩm thì thấy virus không hoạt động. Như vậy, giả thiết đặt bệnh nhân dương tính ở đây chỉ là các phần mảnh ARN của virus (xác virus) thải loại. Những ca tái dương tính đều không lây nhiễm trong cộng đồng. Chúng tôi nghĩ chúng ta cần phải nghiên cứu thêm kháng thể của bệnh", GS.Kính chia sẻ.
Bản chất của xét nghiệm hiện nay là làm RT-PCR. Lấy một đoạn mồi để phát hiện đoạn gen Y của virus. Độ nhạy của RT-PCR rất cao 98%. Đây chỉ là xét nghiệm mật mã di truyền của virus không phải phát hiện toàn virus.
GS.Kính cho hay: "Bệnh nhân tái dương tính trở lại không phải dùng thuốc điều trị do bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Trường hợp tái dương tính là hiện tượng không phải riêng Việt Nam có mà trên thế giới cũng đã ghi nhận. Đây không phải là ca bệnh đặc biệt vì đáp ứng miễn dịch của từng người không phải là ca bệnh.
Những bệnh nhân dương tính lại không phải là người lành mang trùng. Vì nếu là trường hợp người lành mang trùng virus sẽ phải sống.
Bệnh nhân 74 (nam, 23 tuổi, trú tại thị trấn Lâm Thao, Lâm Thao, Phú Thọ) ngày 10/4, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần liên tục với virus SARS-CoV-2, đủ tiêu chuẩn được công bố khỏi bệnh, chuyển theo dõi, cách ly tiếp tục 14 ngày tại nhà riêng ở Phú Thọ.
Trong quá trình cách ly, bệnh nhân không sốt, không ho, không khó thở. Ngày 24/4, sau 14 ngày cách ly tại nhà, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả nghi ngờ dương tính lại với virus SARS-CoV-2, được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương theo dõi, điều trị.
Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần vào các ngày 26/4 và 27/4. Hiện, bệnh nhân tỉnh, da niêm mạc bình thường, không sốt, không ho, dấu hiệu sinh tồn ổn định, tim đều, phổi không ran, bụng mềm.
Bệnh nhân 137 (nam, 36 tuổi, trú tại Bắc Thành, Yên Thành, Nghệ An), về từ Đức, nhập cảnh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 15/3. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa về khu cách ly của Hà Nội và xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 .
Sau hơn 1 tháng điều trị với 6 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính, ngày 22/4, bệnh nhân được côn bố khỏi bệnh về nhà để tiếp tục cách ly. Trước khi về, bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm 1 lần nữa nhưng chưa có kết quả.
Sau khi về quê, bệnh nhân 137 nghi ngờ tái dương tính với SARS-CoV-2 nên đã được đưa trở lại bệnh viện để theo dõi, điều trị tiếp. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 4 lần vào các ngày 22/4, 24/4, 29/4 và 1/5.
Đọc các bài viết tác giả Ngọc Minh để nắm bắt thông tin y tế, sức khỏe mới nhất.