Bệnh nhân Mỹ độc chiếm cỗ máy thở duy nhất ở Trung Quốc và những cuộc đời sống chung với 'lá phổi sắt'

Nguyễn Xuân Hoài (Theo spiegel.de) |

Năm 1929, "lá phổi bằng thép" đã tạo ra một cuộc cách mạng trong công nghệ y học. Hàng ngàn người đã được cứu sống thoát khỏi dịch bệnh chết người nhờ cỗ máy khổng lồ này.

Có những người bệnh sống hàng chục năm trong cỗ máy đó, thậm chí kết hôn cũng ở trong cỗ máy này.

Chuyến chu du tới Bắc Kinh và căn bệnh bất ngờ

Thoạt đầu Frederick Snite không để ý đến mấy triệu chứng như đau bụng, sốt, chóng mặt, rồi sẽ qua thôi. Cũng có thể do anh chưa quen với thời tiết khí hậu ở nơi xa lạ này. 

Năm 1936 Frederick Snite có chuyến chu du thế giới và mở đầu là ở Bắc kinh. Anh là con trai một gia đình giầu có ở Chicago, anh không muốn chuyến đi trong mơ này của mình bị ảnh hưởng. 

Nhưng sáng hôm sau anh thấy cánh tay phải bỗng nhiên bị liệt và Snite cảm thấy khó thở. Snite hơi hoảng sợ và vội vàng đến khám bệnh ở Rockefeller Memorial Hospital ở Bắc Kinh, thời đó bệnh viện này thuộc diện hàng đầu ở đông bán cầu.

Kết quả chẩn đoán bệnh là một cú sốc đối với chàng trai 25 tuổi, Snite bị bại liệt trẻ em, Polio. Bệnh này có thể gây chết người nếu các cơ ở bộ máy hô hấp bị tê liệt – và có nhiều biểu hiện cho thấy chàng trai người Mỹ này có nguy cơ bị liệt đường hô hấp. 

Tuy nhiên Snite gặp may. Bệnh viện có một máy thở, mà đây là cái máy thở duy nhất ở TQ thời đó, máy dài hai mét, nặng 600 kilo, hoàn toàn bằng kim loại, hồi đó có tên là lá phổi sắt. Năm 1936 cả thế giới có 222 cỗ máy loại này – cỗ máy ở Bắc kinh là cứu tinh của cậu.

Tuy nhiên tấn bi kịch giờ mới bắt đầu: Cỗ máy cứu Frederick Snite thoát chết ngạt, nhưng giờ đây nó lại trở thành nhà tù với Snite, cũng có thể nói đây là quan tài thép đã vào không có lối thoát.

Lá phổi sắt

Người mà Snite phải đội ơn cứu mạng là kỹ sư Philip Drinker, người Mỹ. Năm 1928 Philip đã mày mò với cỗ máy này khi học tại Đại học Harvard ở Boston, với cỗ máy này những nạn nhân bị điện giật hoặc bị ngộ độc khí đốt có thể làm hô hấp nhân tạo. 

Khi cỗ máy còn trong giai đoạn thử nghiệm thì một bé gái tám tuổi bị bại liệt trẻ em được đưa vào viện cấp cứu. Nạn nhân bị hôn mê và cỗ máy của Drinker là hy vọng cuối cùng cứu mạng cô bé này. "Sau một vài phút thì cháu hồi tỉnh", sau này bác sỹ Charles McKhann, người điều trị cho cháu, kể lại. "Một lát sau cháu đòi ăn kem. Gần như tất cả những người có mặt ở đó không cầm được nước mắt."

Phép màu đã kết thúc một cách bi thảm, chỉ sau vài ngày nạn nhân vẫn bị chết. Tuy nhiên thắng lợi ban đầu đã động viên Drinker, tiếp tục hoàn thiện cỗ máy của mình. Năm 1929 ông đăng ký bằng sáng chế và đến tháng chín năm đó thì chính thức giới thiệu về cỗ máy và cả thế giới đã ngỡ ngàng về cố máy này. Giới phóng viên đặt tên cho cỗ máy là "lá phổi sắt". 

Tuy nhiên cỗ máy bị coi như quái vật, nó bảo vệ được sự sống cho người bệnh nhưng người ta có cảm giác người bệnh bị nó nuốt chửng, vì trong thực tế toàn thân người bệnh nằm gọn trong cỗ máy chỉ có cái đầu là ló ra ngoài. 

Phát minh của kỹ sư Drinker không chỉ làm thay đổi về cơ bản công nghệ y học, cứu sống tính mạng hàng nghìn con người – tuy nhiên nó cũng mở màn cho các cuộc tranh luận về đạo lý liên quan đến thiết bị y học hiện đại, chiếc máy này là sự mở đầu cho một kỷ nguyên mới.

Bệnh nhân Mỹ độc chiếm cỗ máy thở duy nhất ở Trung Quốc và những cuộc đời sống chung với lá phổi sắt - Ảnh 3.

Cuộc phiêu lưu y tế hồi hộp nhất thời hiện đại

Số phận của Frederick Snite phản ánh sự nan giải của vấn đề này: Không như ở nhiều bệnh nhân bại liệt khác, bệnh tình của Snite không hề thuyên giảm, vì vậy cuộc sống của anh bị phụ thuộc vào cỗ máy như một ống thép chật chội, nó điều khiển sự hô hấp của anh theo một nguyên tắc đơn giản: một cái vòng cổ ngăn phần còn lại của cơ thể ở trong ống, riêng cái đầu thòi ra ngoài. Bên trong ống một áp xuất âm được tạo ra thường xuyên. Cứ bốn giây do thay đổi áp xuất phổi của Snite được nạp đầy không khí. Mỗi ngày 21.600-lần. Điều này trở thành nhịp điệu cuộc sống của người bệnh.

Snite không thể tắm rửa, cạo râu, thậm chí muốn gãi đầu cũng không làm được. Mọi công việc chăm sóc vệ sinh đều diễn ra qua một cái lỗ ở bên hông, đủ lớn để cho một cái bô vào. Cái đầu cứng nhắc rất khó cựa quậy, Snite chỉ có thể nhìn chăm chăm lên phía trên. Vì thế vật dụng quan trọng nhất để kết nối người bệnh với thế giới xung quanh là một cái gương, nhờ nó Snite có thể đọc sách, nhìn thấy khách tới thăm. 

Snite như bị nhốt hai lần: anh phải sống trong một cỗ máy lạ lùng, và cỗ máy đó lại ở một đất nước xa lạ. Báo chí Trung quốc công kích gã thanh niên Hoa kỳ giầu có, kẻ độc chiếm cỗ máy thở duy nhất của TQ trong một thời gian dài. 

Sau 14 tháng ông bố của Snite quyết định, bằng bất cứ giá nào, cũng phải đưa bằng được cậu con trai về nước. Chuyến đi nguy hiểm chết người này trở thành một sự kiện. Hàng trăm người tò mò theo dõi bệnh nhân nổi tiếng nhất ở TQ, báo chí viết về "một trong những cuộc phiêu lưu y tế hồi hộp nhất thời hiện đại".

Chuyến đi vượt quãng đường 14.000 km để đưa chàng trai trẻ người Mỹ trở về thành phố quê hương ở Chicago hết khoảng 50.000 đôla. Khó khăn lớn nhất là suốt chặng đường này, cái máy thở phải luôn hoạt động, có nghĩa là luôn phải có điện đi cùng. Một chuyến tầu hoả đặc biệt đưa Snite đến bến cảng Thượng hải, một tầu vượt đại dương với đội ngũ 25 bác sỹ và y tá đã túc trực tại đây để đón người bệnh. Trong khoảnh khắc tính mạng Snite như treo trên một dải lụa mỏng manh: đó là thời khắc người ta phải chuyển anh từ máy thở ở TQ sang cỗ máy thở mang từ Mỹ sang. Mọi việc trót lọt.

Chiếc máy thở thời "sơ khai"

Cảm giác bị chôn sống: ngay cả những người không phải hô hấp nhân tạo kéo dài lê thê như Frederick Snite cũng cảm thấy việc điều trị bằng một lá phổi thép là một sự tra tấn. Cỗ máy hầu như ngày nay bị quên lãng đã có thời là hy vọng duy nhất đối với nhiều người bệnh trong vụ dịch bại liệt thời đó cho đến khi nhà miễn dịch học người Mỹ Jonas Salk phát minh thuốc tiêm phòng bệnh bại liệt trẻ em năm 1954 thì căn bệnh này là một trong những thảm hoạ tệ hại nhất đối với nhân loại đã được khắc phục. Có những đứa trẻ chiều ngày hôm trước hoàn toàn mạnh khoẻ ngày hôm sau, khi thức dậy, đã có những bộ phận của cơ thể bị tê liệt. Những làn sóng dịch bệnh gây nên cái chết cho hàng nghìn người, trường học phải đóng cửa cả tháng trời, hoang mang, hoảng loạn đã xẩy ra – thí dụ vụ dịch năm 1914, riêng tại Hoa kỳ đã có 27.000 người bị chết vì bại liệt (Polio).

Nhờ có lá phổi sắt tỷ lệ tử vọng đối với bệnh nhân bại liệt trẻ em nặng giảm rõ rệt. Không lâu sau tại Hoa kỳ loại máy này đã được sản xuất hàng loạt, nhiều trung tâm hô hấp nhân tạo cỡ lớn ra đời. Có những đợt dịch loại máy thở sắt này được lắp đặt hàng loạt và lấp đầy các nhà tập thể dục rộng thênh thang tại các trường học. 

Cũng cần nói phát minh của kỹ sư Drinker không phải là máy thở nhân tạo đầu tiên: ngay từ thế kỷ 19 đã xuất hiện bản vẽ và nguyên mẫu về loại thiết bị này. Năm 1907 nhà doanh nghiệp đồng thời là kỹ thuật gia người Đức Heinrich Dräger đã cho ra đời thiết bị "Ur-Pulmotor". Oxy được bơm qua mặt nạ vào hai lá phổi.

Tuy nhiên những thiết bị này không thích hợp để thực hiện hô hấp nhân tạo lâu dài. Hơn nữa lá phổi sắt còn có một số ưu điểm khác: loại thiết bị này ai cũng có thể sử dụng được. Nó có thiết kế khá đơn giản cho nên hầu như tại các xưởng rèn nhỏ cũng có thể chế tạo được. 

Điều này được chứng minh ở Đức sau chiến tranh thế giới: năm 1947 bùng phát dịch-Polio, bác sỹ Axel Dönhardt đã cho chế tạo loại lá phổi sắt này kiểu Đức bằng những thiết bị thu gom, nhặt nhạnh sau chiến tranh. " Bình áp lực làm từ một ống phóng ngư lôi", nhiều năm sau ông đã báo cáo về công việc này tại một hội nghị chuyên đề, "bễ bơm khí được lấy từ một lò rèn của một xưởng quân khí, máy nổ tháo từ một thuyền đánh cá." Sau ba ngày ông bác sỹ và cộng sự đã hoàn thiện thiết bị thở đưa vào sử dụng tại một bệnh viện ở Hamburg. Ít lâu sau nhà máy Drägerwerk ở Luebeck đã dựa trên cơ sở này để chế tạo hàng loạt.

Những cuộc đời sống chung với "lá phổi sắt"

Khi ở Hamburg chiếc máy thở này ra đời một cách ngoạn mực thì Frederick Snite đã bị nhốt trong ống thép sang năm thứ mười một, anh chỉ có một vài lần được rời ống giam và chuyển sang dùng máy hô hấp di động. 

Tuy nhiên Snite đã làm hết sức mình để thích nghi với cuộc sống đầy gian truân này: anh mang theo "lá phổi của mình" đến tham gia các trận đấu bóng, thậm chí cưới vợ và có ba đưa con từ cái ống thép này. 

Quan niệm sống tích cực đã làm cho Snite được tôn vinh như một người anh hùng. Snite qua đời năm 1954, tạp chí "Time" từng viết, "có lẽ đây là sự kết thúc hào hùng, lừng danh nhất mà một người Mỹ đã tiến hành để dành lấy sự sống cho mình".

Đã có các bệnh nhân khác sống lâu hơn trong cỗ máy thở: bà Martha Mason, người Mỹ, sống tới 61 năm trong lá phổi sắt, bà mất năm 2009. Khi 11 tuổi Martha bị bại liệt, với chiếc máy thở này bà đã thi tốt nghiệp đại học, bà thường xuyên nhận được lời mời tham dự các buổi tiệc tối và nhờ thiết bị nhận dạng giọng nói điều khiển bằng máy tính bà đã viết một cuốn sách về cuộc đời mình. 

Một người đồng hương khác, bà Dianne Odell cũng đã sống sáu mươi năm trong lá phổi sắt, bà mất hết sức bi thảm năm 2008: điện bỗng dưng mất, lá phổi sắt ngừng hoạt động cũng lúc đó máy phát điện dự phòng cũng bị hỏng hóc, đúng là hoạ vô đơn chí.

Những trường hợp như vậy dường như không còn phù hợp với thời đại của chúng ta: ngày nay nhiều thầy thuốc chỉ còn biết lá phổi sắt qua các bảo tàng y học, nhờ tiêm chủng nên bệnh bại liệt dường như đã bị tuyệt diệt, bệnh liệt hô hấp có thể được điều trị bằng những loại thiết bị hiện đại. Song có những người bệnh từng nhiều năm sống chung với lá phổi thép không hề coi cái máy mà họ phải gắn kết cả đời không có gì là kinh khủng, ghê gớm như những gì người ngoài cuộc suy nghĩ.

Thí dụ bệnh nhân Ferdinand Schießl coi cái ống kim loại, nơi mà anh từng phải ngủ trong hơn bốn chục năm trời từ năm 1958 đến 2004 là "bức tường hộ mệnh". Nhờ thực hiện một kỹ thuật thuật thở đặc biệt nên bệnh nhân người Đức này có thể rời lá phổi sắt vào ban ngày. Anh nhìn thiết bị hô hấp mới với con mắt hoài nghi. Khi anh phải dùng mặt nạ để ngủ anh cảm thấy như bị hành hạ suốt cả đêm: "Tôi hầu như không ngủ được, luôn nơm nớp lo cái nắp "lá phổi" không kín", anh đã viết trên trang internet như vậy. "Tôi biết tất cả chỉ là tưởng tượng. Nhưng tôi không thể không thở hổn hển và hoảng loạn rồi bừng tỉnh."

Phải sau nhiều tuần lễ Schießl mới quen dần với việc nằm ngủ bên ngoài cái quan tài bằng thép. Cũng từ đó cuộc sống của anh đã thay đổi một cách triệt để, bởi lẽ trước đó "tôi chưa bao giờ được nằm ngủ trong vòng tay của cô bạn gái của mình".

Theo spiegel.de

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại