Triệu chứng khác nhau
Theo TS BS. Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, rất khó phân biệt các triệu chứng giữa cảm lạnh, cảm cúm và Covid-19 ở những người mắc bệnh trong thời gian đầu, chỉ khi bệnh tiến triển nặng hơn thì mới có thể phân biệt được.
Ở thời điểm giao mùa như hiện nay, nhiều người có triệu chứng ho, đau họng, sốt và có thể nhầm lẫn với bệnh do virus Sars-CoV-2. Ví dụ như: Các triệu chứng ban đầu của Covid-19 giống với triệu chứng của cảm lạnh và cảm cúm, vì vậy chỉ nên nghi ngờ nhiễm Covid-19 khi người bệnh có tiếp xúc với nguồn lây.
Nếu chỉ có các triệu chứng như ho, đau họng, có thể có sốt mà không từng tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 thì nhiều khả năng người bệnh chỉ bị cảm lạnh hay cúm. Nếu các triệu chứng hết trong vòng 1-2 ngày thì thường là cảm lạnh.
Cúm có thể kéo dài 1-2 tuần và thường ít có triệu chứng khó thở. Nếu không tiếp xúc với người có nguồn lây, người bệnh có thể chủ động nghỉ ngơi, uống nhiều nước, uống thuốc hạ sốt khi cần và tự chăm sóc ở nhà. Nếu sốt cao và kéo dài kèm theo khó thở thì nên đi khám để xác định chẩn đoán.
Triệu chứng của bệnh Covid-19, người bệnh thường sốt kéo dài hơn, người mệt lả hơn và đặc biệt là khó thở nhiều hơn so với cảm lạnh hoặc cảm cúm.
TS Vinh cho biết người bị cảm lạnh, cảm cúm có thể tự chăm sóc y tế tại nhà bằng một số thuốc thông thường như paracetamol (giảm đau và hạ sốt), vitamin C, thuốc ho, thuốc trị sổ mũi. Chỉ khi triệu chứng không đỡ sau 2 tuần, nặng hơn hoặc kèm theo khó thở thì nên đi khám để xác định thêm bệnh.
Tuy nhiên, nếu người có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm Covid-19 thì nên đi khám ngay khi có một trong các triệu chứng hô hấp kể trên để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Người bệnh cũng nên chủ động tuân thủ việc khai báo y tế. Việc này giúp các cơ quan chức năng nắm được tình hình chung của địa phương để có những phán đoán và xử lý hợp lý trong mùa dịch.
Làm gì khi sốt?
Với những người sốt cao trên 37 độ C, TS Vinh chú ý:
- Thứ nhất, người nhiễm Covid-19 có thể không có triệu chứng nên người tiếp xúc với nguồn lây dù chưa có triệu chứng gì (kể cả không sốt) cũng vẫn là đối tượng nghi ngờ bị nhiễm (do đó các đối tượng F1 - người tiếp xúc gần trực tiếp với người được chẩn đoán mắc Covid-19 (F0) đều phải được cách ly).
- Thứ 2, người có đồng thời các triệu chứng ho, sốt, đau họng, khó thở cũng chưa chắc chắn bị nhiễm Covid-19 vì cảm lạnh hay cảm cúm cũng có triệu chứng tương tự.
BS Vinh khám cho bệnh nhân
Như vậy, chỉ có thể xác định người có nhiệt độ cơ thể trên 37 độ C có nhiễm Covid-19 thông qua việc người đó có tiếp xúc với nguồn lây hay không. Nếu có tiếp xúc với nguồn lây thì được xem là trường hợp nghi nhiễm và ngược lại.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay nếu bạn xuất hiện triệu chứng ho, sốt, đau nhức cơ thể cần chú ý việc đầu tiên là hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh mình trước.
Sau đó, người bệnh nên tự kiểm tra y tế cho mình xem những ngày qua mình đã sinh hoạt gì, ở đâu, có lúc nào ra ngoài không mang khẩu trang, nơi đông người, quên rửa tay không? Nếu làm trong cơ quan, công ty nên tìm hiểu xung quanh có ai có triệu chứng giống với mình không.
Nếu người bệnh chỉ ho, sốt thông thường, không có yếu tố dịch tễ thì không nên lo lắng. Có thể sử dụng thuốc ho thông thường, hạ sốt, thuốc cảm… Khi tình trạng nặng hơn nên đến cơ sở y tế để tư vấn kiểm tra. Nên đi xe cá nhân thay vì đi xe công cộng.
Nếu sốt trong thời gian ngắn, hoặc dưới 39,5 độ bạn có thể làm ở nhà. Hạ sốt bằng cách giữ nước, nghỉ ngơi, uống thuốc hạ sốt và tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể.
Theo đánh giá của ban chỉ đạo, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trong nước đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, diễn biến trên thế giới rất phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Nguy cơ dịch bệnh thâm nhập vào trong nước vẫn còn hiện hữu, do đó chúng ta không được chủ quan trong phòng, chống dịch.