Báo động: Dịch sởi bùng phát tại nhiều nơi có tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp

D.Hải |

Cơ quan đầu mối quốc gia Điều lệ Y tế quốc tế, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch sởi đang bùng phát tại nhiều nơi có tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp trên thế giới. Các chuyên gia nhấn mạnh, đây là bệnh có thể phòng được một cách hiệu quả thông qua việc tiêm vắc xin sởi.

Theo Cục Y tế dự phòng, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2016 có khoảng 89.780 trường hợp tử vong do sởi, hầu hết xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Tuy nhiên, đây là bệnh có thể phòng được một cách hiệu quả thông qua việc tiêm vắc xin sởi. Trong giai đoạn 2000-2016, vắc xin sởi đã ngăn ngừa được khoảng 20,4 triệu trường hợp tử vong do sởi trên phạm vi toàn thế giới, giảm khoảng 84% so với năm 2000.

118 quốc gia vẫn còn ghi nhận sởi

Năm 2012, các nước trên thế giới đã thông qua mục tiêu toàn cầu nhằm tiến tới loại trừ bệnh sởi trước năm 2020 và đã triển khai rất nhiều biện pháp, trong đó quan trọng nhất là tiêm vắc xin sởi phòng bệnh cho trẻ em từ 9 tháng tuổi.

Tuy nhiên, đến năm 2017, sởi vẫn còn ghi nhận tại 118 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới vào năm 2017. Ngay trong những tuần đầu tiên của năm 2018, dịch sởi đã bùng phát tại một số địa phương của nhiều quốc gia trên thế giới.

Báo động: Dịch sởi bùng phát tại nhiều nơi có tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp - Ảnh 1.

Tại châu Âu, dịch sởi đang bùng phát tại Ucraina, trong 2 tuần đầu năm 2018 đã ghi nhận ít nhất 1.285 trường hợp mắc sởi (67% là trẻ em) và đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong trong đó có 3 trường hợp là trẻ em.

Ucraina là nước có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin sởi thấp nhất trong các nước khu vực châu Âu. Tại Anh, đầu năm 2018 cũng đã ghi nhận sự gia tăng bệnh sởi tại 5 khu vực với 100 trường hợp mắc sởi.

Dịch sởi tại Anh xảy ra trong bối cảnh nhiều quốc gia tại châu Âu cũng đã ghi nhận sự gia tăng của sởi trong năm 2017, trong đó Romania (8 274 trường hợp), Italy (4 885 trường hợp), Đức (919 trường hợp), Hy Lạp (968 trường hợp), Pháp (77 trường hợp), Thụy Điển (26 trường hợp).

Hầu hết các trường hợp mắc đều chưa được tiêm vắc xin phòng sởi.

Theo thống kê của WHO năm 2016, có 20/27 quốc gia tại châu Âu có tỷ lệ tiêm phòng sởi mũi thứ 2 dưới 95%, trong khi đó theo yêu cầu của khu vực, tỷ lệ này phải trên 99%.

Tại châu Á, trong thời gian từ tháng 11/2017 đến tháng 1/2018, tại Thành phố Davao, một thành phố lớn của Philippines đã ghi nhận sự gia tăng của các trường hợp mắc sởi. Trong vòng hơn 2 tháng, tại Thành phố Davao đã ghi nhận 222 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong.

Trong khi đó, tại Papua, một khu vực hẻo lánh của Indonesia cũng đã ghi nhận ổ dịch sởi kéo dài từ tháng 9/2017 tới nay với ít nhất 59 trường hợp đã tử vong.

Tại Mỹ, mặc dù sởi đã được công bố loại trừ vào năm 2000 nhưng vẫn ghi nhận 120 trường hợp trong năm 2017 và trong tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận ít nhất 6 trường hợp mắc hạt Ellis, bang Texas. Tất cả các trường hợp này đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi.

Các quốc gia trên ghi nhận các ổ dịch sởi đang triển khai các hoạt động tích cực để khống chế sớm các ổ dịch, trong đó biện pháp quan trọng hàng đầu là tổ chức các chiến dịch tiêm phòng vắc xin sởi và phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi để cách ly, điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa sự lây lan tại cộng đồng và tránh tử vong.

Báo động: Dịch sởi bùng phát tại nhiều nơi có tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp - Ảnh 2.

Chú ý khi trẻ sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Ảnh minh hoạ.

3 biện pháp phòng bệnh cần thực hiện

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, mặc dù việc tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ em đã được triển khai rộng rãi tại tất cả các địa phương trên cả nước từ năm 1985, tuy nhiên hàng năm vẫn ghi nhận các trường hợp mắc sởi.

Nguy cơ dịch sởi có thể xảy ra rất lớn tại các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm phòng vắc xin sởi thấp hoặc tại một số thành phố lớn nơi có mật độ tập trung dân rất cao và sự di biến động dân cư lớn.

Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.

3. Bệnh sởi rất dễ lây, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại