Bánh mì trắng có thực sự tốt như bạn vẫn nghĩ?

Thu Hiền |

Từ trước đến nay, bánh mì trắng luôn được cho là thực phẩm an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy quan niệm này có thể không đúng cho tất cả mọi người.

Bánh mì trắng và bánh mì đen có sự khác biệt không?

Nghiên cứu được thực hiện với 20 người trong độ tuổi từ 27 đến 66 với hơn phân nửa là phụ nữ để đánh giá mức độ tăng nhanh lượng đường trong máu sau khi ăn bánh mì trắng hoặc bánh mì chua lên men (một quá trình được gọi là phản ứng đường huyết). Mỗi tình nguyện viên dành một tuần ăn bánh mì trắng và một tuần riêng biệt ăn bánh mì chua lên men.

Họ ăn bánh mì vào mỗi buổi sáng. 30 phút sau họ được cho phép ăn bánh mì kèm bơ. Họ không được phép ăn bất kỳ thứ gì khác và thậm chí là không được tập thể dục vào đêm trước đó, và trong hai giờ sau khi ăn bánh mì vì tất cả những điều này có thể làm thay đổi phản ứng đường huyết. 

Qua đó các nhà nghiên cứu nhận thấy phản ứng đường huyết dường như thay đổi theo người, và một số người không có phản ứng đường huyết xấu đối với bánh mì trắng.

Bánh mì trắng có thực sự tốt như bạn vẫn nghĩ? - Ảnh 1.

Tác giả nghiên cứu Eran Segal, Viện Khoa học Weitzman ở Rehovot, Israel giải thích: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng nếu xét về mức độ phản ứng đường huyết, những người khác nhau phản ứng khác nhau thậm chí trong cùng một bữa ăn. 

Sau khi đo mức độ phản ứng đường huyết, các nhà nghiên cứu phát hiện một số người có phản ứng xấu và nên tránh ăn bánh mì trắng trong khi những người khác đều phản ứng bình thường”.

"Theo nghĩa rộng hơn, chế độ ăn uống một kích cỡ phù hợp với tất cả được cung cấp cho toàn dân số mà không xem xét sự phù hợp với từng cá nhân, có lẽ không phải là tối ưu cho mọi người", đồng tác giả nghiên cứu của Giáo sư Eran Elinav đến từ Viện Weitzman nói thêm.

Các nhà nghiên cứu giả thuyết rằng sự khác biệt về cấu trúc của các vi khuẩn tự nhiên sống trong ruột có thể giải thích tại sao con người phản ứng khác nhau với các loại bánh mì khác nhau.

Tuy nhiên có ít nhất 1 chuyên gia dinh dưỡng không cho rằng con người nên từ bỏ các loại ngũ cốc nguyên hạt. 

Samantha Heller, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng đến từ Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York, Hoa Kỳ, nhấn mạnh: 

"Nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng những người ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, chẳng hạn như bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, bánh quy giòn, ngũ cốc, gạo lứt và hạt diêm mạch ít có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim, viêm nhiễm, béo phì và một số bệnh ung thư.

Ngoài ra, ngũ cốc nguyên hạt còn chứa vitamin, chất khoáng và các chất dinh dưỡng khác mà bánh mì trắng không có”. Thêm vào đó, Heller cho biết, chất xơ là "bữa ăn ưa thích cho vi sinh đường ruột."

Bánh mì trắng có thực sự tốt như bạn vẫn nghĩ? - Ảnh 2.

Theo Avraham Levy, thành viên nhóm nghiên cứu tiết lộ, nghiên cứu mới này thách thức quan niệm chung rằng các loại thực phẩm được coi là lành mạnh thực sự có lợi cho sức khoẻ. Tất cả mọi người đều có sự khác nhau trong cấu trúc di truyền và lối sống, và trong cơ thể mỗi người khác nhau đều chứa các vi khuẩn riêng biệt khác nhau.

"Những khác biệt giữa mỗi người ảnh hưởng đến cách họ phản ứng thậm chí với những bữa ăn như nhau, có nghĩa là thực phẩm được xem là lành mạnh với người này có thể không lành mạnh với người khác”, Levy cho biết.

Các nhà khoa học cho biết cần có nhiều nghiên cứu thêm nữa. Trong khi đó, một số nhóm nghiên cứu khác bao gồm chính phủ liên bang Hoa Kỳ, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ và Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống Hoa Kỳ khuyên bạn nên ăn thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt thay vì bánh mì trắng.

Nghiên cứu được công bố ngày 6/6 vừa qua trên tạp chí Cell Metabolism.

*Theo Webm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại