Theo PGS Nguyễn Hoàng Sơn – Chủ tịch Hội tai mũi họng Hà Nội, ung thư vòm mũi họng là một trong 10 bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam và thói quen ăn dưa muối nổi váng lên là yếu tố dễ gây ung thư vòm họng.
Cảnh giác váng trắng dưa muối, cà muối
Ung thư vòm họng là căn bệnh ác tính xuất hiện khi một hoặc một vài tế bào biểu mô trong vòm họng bị biến đổi gen, tạo thành khối u trong vòm họng.
Ung thư vòm họng rất nguy hiểm bởi căn bệnh này rất khó phát hiện nhưng lại có diễn biến rất nhanh khiến cho người bệnh không kịp trở tay. Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc ung thư vòm họng so với các bệnh ung thư khác là khá cao, lên tới 10 – 12%.
Trong số đó có đến 70% bệnh nhân mắc ung thư vòm họng phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn cuối khiến cho việc điều trị dành lại sự sống cho bệnh nhân hiệu quả rất thấp.
PGS Nguyễn Hoàng Sơn
Nguyên nhân của ung thư vòm mũi họng cho tới nay chưa được xác định rõ ràng tuy nhiên có nhiều giả thiết đưa ra. PGS Sơn cho biết các nghiên cứu chỉ ra 4 yếu tố chính.
Thứ nhất: đó là do vi rút. Qua nhiều nghiên cứu thấy bệnh ung thư vòm mũi họng có liên quan tới vi rút Epstein – Barr (EBV). Xét nghiệm kháng thể chống vi rút EBV cao ở một số bệnh nhân ung thư vòm mũi họng loại biểu mô không biệt hoá.
Thứ hai: Yếu tố di truyền nhiều trường hợp ung thư vòm mũi họng được phát hiện trong gia đình, tỷ lệ cao của kháng nguyên HLA-A2 ở vị trí thứ nhất và sự thiếu hụt ở vị trí thứ hai của kháng nguyên HLS-Bw46 hình như tạo điều kiện thuận lợi cho sự xuất hiện ung thư vòm mũi họng.
Thứ ba: Môi trường cũng có tác động và được xem là yếu tố gây ung thư bởi kiều dân Trung Quốc di tản sang Mỹ ít bị ung thư vòm mũi họng hơn trong nước nên người ta nghĩ tới vai trò của môi trường tác động tới bệnh này. Tổn thương tế bào lyppho T kèm theo nhiễm EBV mạn tính là hai yếu tố nguy cơ cao đã được xác định.
Thứ tư: Thức ăn và cách chế biến, theo PGS Sơn thức ăn chế biến qua các khâu lên men như rượu, bia, cà muối, dưa khú, nước mắm có chứa nhiều chất Nitrosamin có liên quan đến một số ung thư đường tiêu hoá và ung thư vòm mũi họng.
Đặc biệt PGS Sơn nhấn mạnh váng màu trắng ở cà muối, dưa muối rất độc và nó có thể là tác nhân gây ung thư. Trong khi đó, sinh hoạt của người dân Việt Nam thì muối dưa thậm chí váng trắng cả ra vẫn để ăn. Tốt nhất, PGS Sơn cho rằng nếu cà, dưa muối có váng trắng không nên ăn nếu ăn phải rửa sạch váng trắng này.
Ngoài ra, các yếu tố gây ung thư vòm mũi họng còn do yếu tố tuổi tác. Bệnh có thể xảy ra từ 5 tuổi trở lên nhưng hay gặp nhất là tuổi 40 – 60 và gặp ở nam nhiều hơn nữ.
4 dấu hiệu ung thư vòm họng
Theo PGS Sơn, với ung thư vòm mũi họng, cũng giống như đa số loại ung thư khác, không có dấu hiệu đặc trưng để nhận biết sớm bệnh. Các dấu hiệu của ung thư vòm mũi họng lại dễ nhầm lẫn sang bệnh khác như viêm họng, cảm cúm… nên khi bệnh nhân đã có dấu hiệu rõ ràng bệnh đã ở giai đoạn muộn.
GS Sơn nhấn mạnh không phải vì thế mà ta không sàng lọc vì có thể căn cứ vào một số dấu hiệu "mượn" của cơ thể để có thể đi khám và phát hiện sớm ung thư vòm mũi họng.
Ung thư vòm họng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
Dấu hiệu thường thấy nhất báo hiệu có thể ta đã mắc ung thư vòm mũi họng gồm 4 dấu hiệu chính:
Thứ nhất: người bệnh nổi hạch một bên ở mang tai, hạch to nhanh. Theo thống kê, ung thư vòm họng di căn phần cổ chiếm 40-85%. Do vòm họng có cấu trúc mô bạch huyết phong phú, các tế bào ung thư dễ dàng lan sâu lên trên cổ.
Khi chúng phát triển số lượng càng nhiều, tốc độ càng nhanh, hạch cứng và không cho cảm giác đau đớn, tính hoạt động kém; vào giai đoạn cuối sẽ bám dính cố định.
Thứ 2: là ù tai một bên, nghe kém. Tiếng ù tai như có ve kêu trong tai và chỉ ù một bên bởi vì lúc này khối u phát triển đè lên thực quản, đồng thời gây ù tai, nghẹt tai, nghe kém.
Thứ 3: là hay ngạt một bên mũi, chảy một bên mũi, buổi sáng xì mũi có rỉ máu. Do khối u xuất hiện dẫn đến hiện tượng tắc 1 bên mũi, khi khối u to lên sẽ khiến 2 bên đều bị nghẹt.
Thứ 4: là đau vòm họng, đau đầu một bên. Thường do khối u phá hủy nền sọ, dẫn đến di căn vào não và dây thần kinh sọ gây nhức đầu nên nhiều khi bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm là đau thần kinh.
Khi xuất hiện các triệu chứng nhức đầu, tê bì mặt, mờ mắt, xệ mí, lác trong, thậm chí mù. Hơn nữa, hạch bạch huyết di căn xuyên qua các dây thần kinh sọ não ở nền sọ dẫn đến mất cảm giác ở cổ họng, vòm miệng tê liệt, nhai nuốt khó khăn, khàn giọng, liệt màn hầu thì bệnh đã ở giai đoạn cuối việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
PGS Sơn cho biết điều trị ung thư vòm mũi họng hiện nay vẫn chỉ xạ trị là chính khi bệnh ở giai đoạn 3, giai đoạn 4 bác sĩ có thể kết hợp thêm hoá trị.
Với phương pháp phẫu thuật, PGS Sơn cho rằng phẫu thuật không phải thường được sử dụng như là một điều trị ung thư vòm họng. Phẫu thuật có thể được sử dụng để loại bỏ ung thư hạch bạch huyết ở cổ và được chỉ định cho các trường hợp hạch còn sót lại sau xạ trị 2 tháng.