Đơn hàng 34 tỷ USD với 500 F-35, ngành CNQP Mỹ "thắng lớn"?
Đối với nhà sản xuất Lockheed Martin, máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 đang là "con gà đẻ trứng vàng" khi một hợp đồng mới với gần 500 máy bay trị giá 34 tỷ USD được ký với Không quân Hoa Kỳ (USAF).
Từ thứ vũ khí được đánh giá là "con voi màu trắng biết bay" (các dự án vũ khí không hiệu quả và lãng phí) trong gần 2 thập kỷ, F-35 Lightning II đã "chứng tỏ được mình", ít nhất là ở khía cạnh lợi nhuận của nhà sản xuất.
Theo CNBC, Không quân Mỹ được cho là đã ký một "thương vụ hợp lý" với giá mỗi chiếc F-35A do Lockheed Martin sản xuất và chuyển giao "mềm" hơn, khoảng 80 triệu USD cho một chiếc (nếu so với 89,2 triệu USD của lô 11 hay 94 triệu USD của lô 10).
Một nguyên mẫu F-35C.
Hợp đồng sẽ bao gồm ba lô hàng 12, 13 và 14 với tổng số 478 máy bay cho lực lượng Hoa Kỳ và các đồng minh.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO đã mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, các linh kiện F-35 do Thổ sản xuất sẽ được chuyển cho nhà thầu khác cũng như những chiếc F-35 được sản xuất đợt này sẽ không được bàn giao cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế giới "ngập trong F-35": Su-57 và J-20 ở đâu?
Trung Quốc và Nga đều đã cố gắng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 để cạnh tranh về số lượng sản xuất với F-35, nhưng có vẻ trong thập kỷ tới không có máy bay nào có thể tạo ra một kỳ tích này.
Vị trí thứ hai về số lượng máy bay chiến đấu tàng hình hiện vẫn do F-22 Raptor nắm với số lượng sản xuất là 195 chiếc (8 thử nghiệm và 187 đang trong trang bị).
Mặc dù cả J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Nga đều đã được tuyên bố là "đưa vào hoạt động" trong các lực lượng không quân của họ, nhưng cho đến nay tuyên bố nói trên được cho là chỉ hơn một chút so với các chiến dịch PR (quan hệ công chúng).
Việc J-20 thiếu một động cơ do chính Trung Quốc sản xuất được cho là tình thế "bối rối" cho một lực lượng không quân hy vọng sẽ vượt qua được Không quân Mỹ.
F-35 "Lightning II", J-20 "Uy Long", Sukhoi Su-57 (định danh NATO là "Felon")
Trung Quốc có tổng cộng vài chục chiếc J-20. Tuy nhiên theo chính các chuyên gia của họ chia sẻ với tờ Business Insider, các máy bay này vẫn ở trong giai đoạn "tiền sản xuất" và không sẵn sàng chiến đấu.
Su-57 của người Nga được cho là "đã được thử lửa" sau vài ngày tham gia không kích vào các nhóm phiến quân gần như không có vũ khí phòng không ở Syria.
Nhưng những phi vụ Su-57 thực hiện ở Syria có thể bởi bất kỳ máy bay phản lực nào đang tham chiến ở Syria và không minh chứng được cho bất kỳ tuyên bố về khả năng "tàng hình" hay đạt được các yêu cầu của "máy bay thế hệ thứ 5".
12 chiếc Su-57 đã được sản xuất cũng không được lắp đặt động cơ máy bay thế hệ 5 do Nga phát triển (dự kiến 2020) và thậm chí Không quân Vũ trụ Nga không bận tâm về việc thành lập bất kỳ lữ đoàn chiến đấu nào với chủ lực là Su-57.
Các lực lượng quân sự thế giới đã được hứa hẹn về việc xuất hiện 3 máy bay chiến đấu thế hệ 5 mới vào cuối thập kỷ này và tính đến tháng 11/2019, chỉ có 2 chiếc là máy bay sản xuất thực sự, đó là F-35 Lightning II và F-22 Raptor.
F-35 Lightning II và F-22 Raptor trong một hoạt động diễn tập trên bầu trời nước Anh.
Su-57 và F-35 những năm 2030 ra sao?
Vào tháng 6/2019, hãng tin TASS đưa tin về việc Bộ quốc phòng Nga đã lên kế hoạch trang bị 76 chiếc máy bay thế hệ 5 Sukhoi Su-57 vào năm 2028, tức là chỉ 2 năm trước khi thập niên 2030 bắt đầu.
Nhiều dự đoán rằng (ngoài Không quân Vũ trụ Nga) trong tương lai sẽ có ít nhất 5 lực lượng không quân nước ngoài trang bị Su-57 bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria, Myanmar Trung Quốc và Ấn Độ.
Các đối tác nói trên cần một cú "huých" để chọn Su-57 (Thổ và Trung Quốc đang phát triển máy bay tàng hình, Ấn Độ đang tỏ ra "thận trọng", Algeria ngày càng tỏ ra ưa thích vũ khí Mỹ hơn, còn Myanmar, nền kinh tế đang phát triển của họ sẽ khó chi trả cho cả Su-30 lẫn Su-57).
Su-57 ở thập niên 2030 được hứa hẹn sẽ trang bị động cơ Saturn izdeliye 30 và có khả năng phối hợp cùng máy bay không người lái tấn công (UCAV) S-70 Okhotnik-B sẽ tạo thành các "nắm đấm răn đe" tương ứng với các yêu cầu của máy bay thế hệ 6.
Động cơ Saturn izdeliye 30 là động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều với khả năng cung cấp lực đẩy cao hơn 30% so với so với người tiền nhiệm AL-41F1(117) đang lắp đặt trên 12 chiếc Su-57 hiện tại.
Động cơ Saturn izdeliye 30 và động cơ F135-PW
Với lực đẩy khô khoảng 10.925 kg và 18.000 kg khi đốt sau, Su-57 với hai động cơ Saturn izdeliye 30 sẽ hoàn toàn vượt trội so với F-35A (một động cơ F135-PW-100 lực đẩy khô khoảng 12.700 kg và 19.504 kg với bộ đốt sau).
UCAV S-70 Okhotnik-B (cũng được trang bị động cơ Saturn izdeliye 30) được coi là yếu tố then chốt khiến Su-57 trở thành máy bay thế hệ 5++ ở thập niên 2030 và có thể giúp doanh số bán "cặp đôi" Su-57 và S-70 bùng nổ ở thời điểm đó.
Chắc chắn vào năm 2030, F-22 Raptor đã trở nên cũ kỹ (25 năm) và với lịch sử "về hưu" của các máy bay Mỹ (F-14 Tomcat 32 năm, F/A-18 Hornet 35 năm), nếu không đánh bại được F-35, ít nhất Su-57 sẽ trở thành máy bay thế hệ 5 đứng thứ hai về thương mại.
Máy bay tàng hình thế hệ 5 Su-57 và máy bay không người lái S-70 Okhotnik-B tạo thành đội hình.