Câu chuyện về bài thuốc chữa đau đầu gối, thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng của chị Giáp (người Trung Quốc - tên nhân vật đã được thay đổi) chia sẻ với báo chí đang nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả.
Không có thuốc nào để chữa khỏi bệnh đau đầu gối?
Chị Giáp kể, trong giai đoạn từ 30-40 tuổi, chị bỗng nhiên bị đau đầu gối nặng, kéo dài cả chục năm trời, mỗi lần đau là chỉ muốn chết, nhưng có đau bao nhiêu, cũng chỉ tự mình mình biết, chẳng ai cảm nhận được.
Muốn đi lại, chị phải dùng gậy hoặc các sợi dây hỗ trợ. Đi khám nhiều nơi, uống thuốc thì cũng chỉ đỡ chút rồi lại tái phát. Các bác sĩ cho rằng chị mắc bệnh xương bánh chè đầu gối biến nhọn, mọi người quen gọi là bệnh cốt chất tăng sinh, viêm xương khớp.
Các bác sĩ cho biết, bệnh này thường không thể chữa khỏi dứt điểm, nó thường xuất hiện trong quá trình bắt đầu của bệnh lão hóa, thấp khớp và chỉ kê cho chị một số thuốc giảm đau để uống.
Do vẫn trong độ tuổi lao động, hàng ngày chị phải đi làm nên mỗi khi tan ca về nhà, chị lại leo lên giường ôm chân nằm khóc. Qua tìm hiểu, được biết thuốc giảm đau cũng có thể ảnh hưởng tới não, nên chị cũng không thiết tha gì để uống.
Trong lúc đau đớn "muốn chết" thì chị được người chị họ chia sẻ về một bài thuốc vô cùng đơn giản, chỉ với nguyên liệu muối hạt, gừng và hành tây.
Có bệnh thì vái tứ phương, ai bảo cách gì cũng làm, chị đành nhờ chồng đi mua muối và thực hiện theo cách mà người chị họ đã mách.
Một bài thuốc, một bài tập đã giúp chị "tái sinh"
Chị Giáp bắt đầu kết hợp sử dụng bài thuốc từ muối và bài tập thể dục đều đặn hàng ngày. Cách thực hiện như sau.
Dùng một chiếc túi vải (tái chế từ quần áo cũ, ví dụ như một chiếc ống quần cắt ra) rang khoảng hơn một nửa kg muối nóng già trong 10 phút rồi đổ vào túi. Cho thêm mấy lát gừng và mấy lát hành tây.
Nằm thẳng chân và đắp túi muối lên vùng đầu gối để chườm. Túi muối nên chứa khoảng 2/3 diện tích, đựng lỏng và có thể di chuyển, lật qua lật lại trên chân.
Túi muối này là "bạn thân" hàng ngày của chị Giáp (Ảnh minh họa)
Mỗi lần muối nguội, lại đổ muối ra rang lại và tiếp tục đắp lên chân. Muối thì có thể tái sử dụng nhiều lần cho đến khi bị rang cháy đen, còn gừng và hành tây thì dùng 1 đến 2 lần thì nên thay bổ sung cái mới.
Lưu ý là muối rất nóng, bạn nên dùng một lớp vải khác để lót lên đầu gối, muối nguội đến đâu thì tháo lớp lót ra dần đến đó. Có thể lót nhiều lớp vải nếu muối quá nóng.
Phía dưới vùng đầu gối cũng nên lót vải để tránh nước muối rơi ra làm hỏng ga giường.
Nếu trong nhà bạn có lò vi sóng, bạn cũng có thể làm nóng muối bằng lò vi sóng thay vì phải rang trên bếp.
Chị thực hiện bài thuốc này mỗi ngày một lần, liên tục trong 1 tuần thì tình trạng đau đầu gối giảm đi đáng kể. Biết bệnh viêm khớp khó chữa, phải "sống chung với lũ" nên chị duy trì làm bài thuốc này.
Dùng lâu ngày, chị còn cho thêm gạo vào rang để tránh làm cho muối bị cháy dính chảo, lại có mùi vị hấp dẫn, giúp chị vừa chữa bệnh vừa có thể thư giãn. Lúc nào trong nhà cũng có mùi thơm của gạo rang.
Chảo muối rang (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, chị cũng kết hợp thực hiện bài tập quay khớp gối một cách triệt để hàng ngày.
Đứng dang rộng chân bằng vai, cúi đặt 2 bàn tay lên hai đầu gối, xoay đầu gối hình vòng tròn theo chiều kim đồng hồ 36 vòng, xoay ngược chiều kim đồng hồ 36 vòng nữa.
Sau khi quay gối xong thì vỗ nhẹ liên tiếp vào gối 36 cái. Đây là bài tập giúp đầu gối vận động tốt để lấy lại sự cân bằng, vỗ gối để thông kinh lạc, làm thức tỉnh các mạch ở gối.
Chị đã duy trì bài tập này đều đặn từ 2-3 năm trở lại đây và hiện nay không còn thấy đau nữa.
Ngoài việc chườm muối ở đầu gối, chị Giáp cũng thực hiện cách này áp dụng cho chứng đau vùng thắt lưng do thoát vị đĩa đệm, và hiệu quả cũng rất ấn tượng.
Chị giới thiệu cách làm này cho nhiều đồng nghiệp và họ cũng cảm thấy rất thư giãn khi làm cách này.
Liệu pháp chườm muối này, ngay cả những người bình thường cũng có thể áp dụng để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là vào mùa đông, làm cách này để giữ ấm cơ thể.
Ý kiến của bác sĩ về liệu pháp chườm nóng/lạnh:
Đau đầu gối là bệnh rất phổ biến ở nhiều người với những mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đa phần bệnh này có thể do nghề nghiệp gây nên hoặc tuổi trung niên trở đi rất dễ phát bệnh nếu tập luyện và chăm sóc sức khỏe không tốt.
Theo bác sĩ Tưởng Khoa Vệ, Phó trưởng khoa xương khớp BV Vọng Kinh, Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc, điều trị bằng giải pháp chườm lạnh hay nóng là hai phương pháp phổ biến trong vật lý trị liệu.
Chườm lạnh sẽ làm co mạch, lưu lượng máu trong các cơ chảy chậm lại, chườm lạnh kéo dài có thể gây ra chuột rút cơ bắp, nhưng lại giúp làm cầm máu, loại bỏ chứng viêm mô, thúc đẩy mềm sụn, có tác dụng trong việc khôi phục và tái thiết mô gân.
Chườm nóng có thể làm mạch máu giãn ra, cơ bắp hoạt dịch, giảm tắc nghẽn mô. Mặc dù giải pháp này có thể làm giảm co thắt cơ bắp, nhưng sẽ làm tăng tình trạng viêm và chảy máu.
Đặc biệt là trong viêm khớp giai đoạn cấp tính, chườm quá nóng có thể làm cho bệnh nặng hơn. Vì vậy cần phải cân nhắc trước khi áp dụng.
Theo chuyên gia, bác sĩ Vương Tuyết, Trưởng khoa xương khớp và phục hồi chức năng BV Thượng Hải (TQ), những người bị viêm đau khớp, chẳng hạn như tổn thương cấp tính, sử dụng liệu pháp chườm lạnh bằng nước đá không nên quá 20 phút, cách mỗi 2-3 giờ mới thực hiện lặp lại.
Những bệnh nhân bị đau khớp mãn tính có thể dùng giải pháp chườm nhiệt, như dùng chai nước nóng, khăn nóng, massage nóng, nhưng chú ý nhiệt độ và cách làm để tránh bị bỏng nhiệt.
*Theo Health/TT