Trào lưu ‘giải độc gan’ mới
Trên kênh TikTok chính thức của mình, Tiến sĩ Joseph Salhab, bác sĩ tiêu hóa và chuyên gia về gan tại Florida, Mỹ, chia sẻ một clip với chú thích: "Bạn có cần giải độc gan?".
Trong clip, bác sĩ Salhab nói gần đây, anh được tag vào rất nhiều video ghi lại cảnh mọi người đang thực hiện ‘giải độc gan’ với dầu ô liu, nước chanh và ớt cayenne.
Tiến sĩ Joseph Salhab, bác sĩ tiêu hóa và chuyên gia về gan tại Florida, Mỹ, đăng video nói về trào lưu 'giải độc gan' mới. (Ảnh cắt từ clip).
Đây là trào lưu hot thời gian gần đây, với rất nhiều clip cho thấy người dùng TikTok pha chế các thực phẩm trên thành một đồ uống ‘thanh lọc gan, giải độc gan’.
Một người phụ nữ tên Samatha lên TikTok và cho biết: "Tôi đã thực hiện phương pháp được hai tuần và chưa dừng lại". Người phụ nữ nói việc uống các thực phẩm trên giúp cô "cảm thấy tốt hơn rất nhiều".
Người phụ nữ khác tên Cheryl-Ann thì tham gia thử thách này trong 7 ngày. Cô nhận xét đồ uống trên khiến cô "tiêu hóa tốt hơn, giảm khoảng 1,5 kg". Do đó cô nói sẽ tiếp tục uống đồ uống này.
Theo báo Indian Express, trào lưu ‘giải độc gan' với dầu ô liu, nước chanh và ớt cayenne bắt nguồn từ một bài đăng trên Instagram, trong đó viết rằng "sự kết hợp giữa nước chanh, ớt cayenne và dầu ô liu nguyên chất sẽ chữa lành gan một cách tự nhiên chỉ sau 5 ngày".
Bác sĩ nói gì về trào lưu ‘giải độc gan’ mới?
Hai chuyên gia về gan đã lập tức lên mạng để phân tích về trào lưu mới này.
Đầu tiên, bác sĩ Salhab thẳng thắn nói: "Tôi muốn nói rõ một điều. Mặc dù mỗi thành phần trong loại đồ uống này có thể tốt cho sức khỏe của bạn, nhưng chúng không phải là một loại thuốc thần kỳ có thể đảo ngược bất kỳ loại bệnh gan nào".
"Gan có khả năng tự tái tạo đáng kinh ngạc và nó là cơ quan thanh lọc cơ thể. Nó đưa chất độc ra khỏi cơ thể và sử dụng thận để loại bỏ chúng khỏi cơ thể. Vấn đề là bạn phải để gan làm công việc của nó và cách để làm điều đó là bảo vệ gan".
Chuyên gia thứ hai lên tiếng về trào lưu này là bác sĩ Abby Philips, bác sĩ chuyên khoa gan làm việc tại Viện Gan, Bệnh viện Rajagiri, Kerala, Ấn Độ.
Bác sĩ Philips có quan điểm gay gắt hơn. Ông viết trên X (trước đây là Twitter): "Video cực kỳ khó chịu này đã xuất hiện trên Twitter và Instagram của tôi rất nhiều lần, tôi không thể làm ngơ vì tôi thực sự cảm thấy mọi người đã mất đi khả năng suy nghĩ".
Bác sĩ gan viết và thể hiện sự tức giận: "Không có cách nào tự nhiên để "chữa lành" gan. Bạn có thể khiến mọi người tin rằng có một cách như vậy và tạo ra các video lan truyền, sau đó làm những chai nhỏ và bán cho những người cả tin, kiếm tiền từ sự thiếu hiểu biết và thiếu tư duy phản biện của họ".
Bảo vệ gan đúng cách
Thay vì thực hiện thử thách trên để ‘thải độc gan’, bác sĩ Salhab khuyên người xem hãy làm những điều sau để bảo vệ lá gan của họ:
- Tránh những thứ độc hại cho gan như sử dụng rượu trong thời gian dài.
- Tăng cường thực phẩm và đồ uống giàu chất chống oxy hóa vào chế độ ăn uống, bao gồm những món như cà phê, trà xanh, quả mọng.
- Thực hiện các bài tập thể dục đốt cháy chất béo khỏi gan.
"Nói chung là sống một lối sống lành mạnh. Điều này sẽ tốt hơn bất kỳ cách giải độc gan nào bạn có thể làm", bác sĩ Salhab khẳng định.