Chiều 13-12, tại hội thảo truyền thông về sức khỏe tâm thần: Hành vi tự sát, bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết theo một số nghiên cứu, có tới 36% người tự sát đã có hành vi tự sát từ trước. Trong đó, nhóm 10-25 tuổi chiếm tỉ lệ có hành vi tự sát cao.
Theo bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, sau COVID-19, số người đến khám và điều trị các rối loạn trầm cảm và hành vi tự sát có xu hướng gia tăng. Trong đó chủ yếu xảy ra đối với những người bị stress, trầm cảm hoặc gặp những biến cố, thất bại trong cuộc sống như bị phá sản do kinh doanh thua lỗ, nợ nần khi chứng khoán lao dốc, thua cá độ bóng đá…
Các chuyên gia Viện Sức khỏe tâm thần chia sẻ thông tin về nhận diện hành vi tự sát từ sớm.
Bác sĩ Vũ Sơn Tùng, Phó Trưởng Phòng Điều trị Rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết ở Việt Nam chưa có số liệu cụ thể, nhưng thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy mỗi năm có 800.000 người trên toàn cầu chết vì tự sát. Tự sát đứng thứ 14 trong 250 nguyên nhân gây tử vong.
Tỉ lệ người có ý tưởng tự sát trong 12 tháng là 12% và trong suốt cuộc đời là 9%. Trong số những người từng có ý tưởng tự sát, có hơn 30% số trường hợp có kế hoạch tự sát. Năm 2018, ở Mỹ có hơn 48.000 người tự sát trong năm. Tự sát đứng thứ 10 trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước này.
"Khoảng 60% sẽ chuyển từ ý tưởng tự sát sang kế hoạch tự sát và từ kế hoạch tự sát sang toan tự sát trong năm đầu tiên sau khi bắt đầu có ý định tự sát. Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến việc tăng nguy cơ tự sát là tiền sử gia đình và di truyền; bất hạnh thời thơ ấu; tình trạng hôn nhân; rối loạn tâm thần; bệnh lý nội khoa, rối loạn thần kinh, chấn thương sọ não, đau mạn tính"- bác sĩ Tùng nêu.
Chuyên gia khuyến cáo cần đưa người có ý tưởng hoặc hành vi tự sát nhập viện để điều trị.
Từ thực tế điều trị, bác sĩ Bùi Văn Toàn, Phòng tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết ý tưởng tự sát không phải bộc phát mà được nuôi dưỡng qua thời gian dài. Những người thường xuyên có tâm trạng "chán đời", buồn phiền, mất ngủ, thu mình, né tránh người thân bạn bè hoặc thường xuyên nói về cái chết, nhất là sau khi gặp các sự cố liên quan đến kinh tế, nên được theo dõi, quan tâm sát sao và cần được tư vấn, thăm khám về sức khỏe tâm thần.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người có ý tưởng, hành vi tự sát được xác định là một trong những cấp cứu tâm thần. Do đó với những trường hợp này cần nhập viện ngay lập tức để theo dõi giám sát 24/24 giờ, đặc biệt là những trường hợp trầm cảm có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
"Khi có dấu hiệu của bệnh hoặc khi đã được bác sĩ chẩn đoán bệnh thì việc điều trị cần tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc, tránh việc dùng thuốc nam, thuốc bổ não hay các thuốc không có kê đơn bác sĩ cũng như tổ chức cúng bái, bắt ma trừ tà… Đây là những phương pháp phản khoa học"- bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Khoảng 22 - 88% những người có ý tưởng tự sát đã tìm kiếm sự giúp đỡ bằng cách đến bệnh viện hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu. Vì thế, bác sĩ Dũng cũng lưu ý nhân viên y tế cần nhận thức được thực tế và được đào tạo để phản ứng kịp thời, phát hiện các nguy cơ tự sát.