Nhầm ung thư với viêm dạ dày
Anh Nguyễn Văn V (45 tuổi, quê Thái Bình) không nghĩ rằng chỉ những cơn đau tức ở thượng vị là dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày giai đoạn sớm. Anh V thường xuyên bị đau vùng thượng vị, ợ chua, cảm giác chướng bụng và cho rằng đó là đau dạ dày, không nguy hiểm.
Anh V tự mua thuốc tại nhà nhưng triệu chứng không thuyên giảm nên đã quyết định đi khám. Kết quả nội soi chẩn đoán của bệnh viện tuyến cơ sở, anh V bị viêm loét dạ dày có vi khuẩn HP.
Kết quả xét nghiệm niêm mạc vết loét có tế bào ác tính nên bác sĩ giới thiệu anh V lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện tuyến Trung ương bác sĩ chẩn đoán anh V ung thư dạ dày giai đoạn 1. Điều này khiến anh V vô cùng sốc vì chỉ nghĩ đau dạ dày thông thường.
TS Bình thăm khám cho người bệnh ung thư dạ dày.
Nằm cùng phòng bệnh với anh V, là chị Đào Thị B (25 tuổi, quê Nam Định) được chẩn đoán ung thư dạ dày. Chị B cho biết thời gian đầu chỉ thấy đau ở bụng xuyên sang lưng, khi đói đau nhưng ăn no là hết.
Cũng giống anh V, chị chỉ nghĩ các triệu chứng đau bụng trên là viêm dạ dày. Khi chị B tới viện khám bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư dạ dày, chị đã không tin vào kết quả trên. Chị B đã đi 3-4 viện khác nhau khám lại và kết quả cuối cùng đều là ung thư dạ dày giai đoạn sớm.
Nghe bác sĩ nói tới 2 chữ ung thư, chị B sốc nặng. Sau đó chị B đã chấp nhận sự thật làm phẫu thuật và điều trị hóa trị.
Bệnh gia tăng và trẻ hoá
Theo TS.BS Phạm Văn Bình - Trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, ung thư dạ dày đang là căn bệnh phổ biến ở nước ta. Bệnh có xu hướng trẻ hóa, có nhiều trường hợp dưới 20 tuổi đã mắc bệnh này.
Theo con số thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới năm 2018 thì ước tính trên thế giới có hơn 1.033.000 ca ung thư dạ dày mới mắc và số ca tử vong là khoảng 800.000 ca. Ở Việt Nam ước tính năm 2018 có 17.527 ca ung thư dạ dày mới mắc, và tỉ lệ tử vong là hơn 15.000 ca.
TS Bình cho biết, ung thư dạ dày triệu chứng bệnh rất mơ hồ. Ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân đến với dấu hiệu đau vùng thượng vị một cách mơ hồ, đau có thể lan ra sau lưng kèm theo bệnh nhân có thể cảm thấy buồn nôn, chướng bụng, ợ chua, mệt mỏi, chán ăn và cảm giác nóng rát vùng thượng vị .
Bệnh ung thư ở giai đoạn tiến triển có thể thấy những dấu hiệu rõ hơn ví dụ như: bệnh nhân có khối u lớn, gây hẹp một phần dạ dày, bệnh nhân có thể đau, buồn nôn, thể trạng toàn thân thiếu máu, gầy sút, lúc này bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Ung thư dạ dày chưa xác định rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, theo TS Bình một số yếu tố nguy cơ có thể làm gia tăng căn bệnh ung thư này như:
Một là, các yếu tố nguy cơ về nhiễm khuẩn (vi khuẩn HP).
Hai là, độ tuổi, tuổi càng cao thì nguy cơ mắc càng lớn hơn, từ 40-50 tuổi có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn người trẻ.
Ba là, chế độ ăn uống, ăn nhiều chất cay, nhiều đồ ăn nướng, ăn nhiều thịt, ít chất xơ, ít vận động cũng là một trong những nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Bốn là, ung thư dạ dày có những yếu tố nguy cơ khác như yếu tố gia đình. Trong gia đình có người mắc ung thư dạ dày thì nhóm người trong gia đình này có tỉ lệ mắc ung thư cao hơn.
Để phòng bệnh ung thư dạ dày, TS Bình khuyến cáo mọi người cần duy trì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E. hạn chế ăn đồ ăn mặn vì chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất độc nguy cơ gây ung thư.
Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên có chứa rất nhiều gây ung thư. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích.