Gladys Taylor McGarey là một bác sĩ nổi tiếng người Mỹ, đồng sáng lập Hiệp hội Y học Toàn diện Mỹ. Bà cũng là tác giả của cuốn sách "Cuộc đời đáng sống: 6 bí quyết để có sức khỏe và hạnh phúc ở mọi lứa tuổi của một bác sĩ 102 tuổi". Ngoài ra, bác sĩ McGarey còn là người đầu tiên sử dụng châm cứu ở Mỹ và đã đào tạo các bác sĩ khác cách sử dụng thủ thuật này.
Theo CNBC, vị bác sĩ 102 tuổi có kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực y học toàn diện. Kinh nghiệm đã giúp bà học được rất nhiều điều về cách sống lâu và hạnh phúc.
Bác sĩ 102 tuổi người Mỹ Gladys Taylor McGarey.
Theo bác sĩ McGarey, hiện có quá nhiều người rơi vào tình trạng căng thẳng không cần thiết. Và những người khỏe mạnh nhất bà biết thường không bao giờ bám víu vào những thứ hoặc trải nghiệm tiêu cực.
"Những người hạnh phúc và khỏe mạnh nhất tôi biết đều có thể buông bỏ những thứ hoặc trải nghiệm không còn giúp ích cho họ nữa", bác sĩ McGarey nói. "Cuộc sống quá ngắn để nghiền ngẫm và xem xét lại cùng một suy nghĩ. Khi đó, về cơ bản bạn đang tự hành hạ mình".
Vì vậy, thói quen đã mang lại cho bác sĩ McGarey sức khỏe và hạnh phúc trong suốt những năm tháng vừa qua là khả năng xây dựng lại mọi thứ, cho dù đó là một mối quan hệ, con đường sự nghiệp hay dự án.
Buông bỏ những thứ làm cạn kiệt năng lượng của bạn
Mẹ của bác sĩ McGarey đã dạy bà một cách dễ dàng để loại bỏ những vấn đề không quan trọng khỏi suy nghĩ.
"Mẹ tôi nhẹ nhàng giơ tay ra trước mặt chúng tôi, các ngón tay nắm lỏng, lòng bàn tay hướng lên. Sau đó bà vung tay xuống và nói: ‘Chuyện đó không quan trọng’", bác sĩ McGarey kể.
Vì sao hành động này giúp ích? Bác sĩ McGarey sẽ giải thích kỹ hơn ở phần dưới. Tuy nhiên, hành động này đã giúp bác sĩ McGarey vượt qua những thử thách to lớn mà không để chúng lấn sâu vào cuộc sống. Bà chỉ loại bỏ những điều không hiệu quả, tập trung vào những gì quan trọng với bản thân và tiếp tục sống.
"Tôi đã áp dụng cách làm này trong nhiều năm. Tôi nhận ra thứ gì đó không phù hợp với mình và thả tay xuống, xòe các ngón tay theo chuyển động uyển chuyển để biểu thị việc giải phóng những điều không đáng bận tâm".
Bác sĩ McGarey nhận ra rằng có một sức mạnh to lớn khi biết rằng nếu có thứ gì tiến về phía bà, bà có thể chọn có tiếp nhận nó hay không. "Nếu đó là điều tôi không muốn, tôi sẽ chủ động trả lại năng lượng đó về nơi nó xuất phát", bác sĩ McGarey chia sẻ.
"Những người hạnh phúc và khỏe mạnh nhất tôi biết đều có thể buông bỏ những thứ hoặc trải nghiệm không còn giúp ích cho họ nữa", bác sĩ McGarey nói. (Ảnh minh họa)
Tập buông bỏ những điều tiêu cực
Sau đây, bác sĩ McGarey hướng dẫn 1 bài tập giúp bạn buông bỏ những điều ‘hút cạn’ năng lượng của bạn.
Bài tập này sẽ hiệu quả nhất nếu bạn đứng dậy và di chuyển! Bật một số bản nhạc lạc quan và bắt đầu đi dạo quanh nhà hoặc khu phố để thực hiện. Hãy để cơ thể di chuyển mềm mại và tự do khi bạn đi bộ. Bạn thậm chí có thể nhảy một chút.
Bước 1: Xác định điều gì khiến bạn cảm thấy bế tắc trong cuộc sống.
Đó có thể là một tình bạn, một nỗ lực nghề nghiệp, một lối suy nghĩ, một sự oán giận… Cảm nhận cảm giác "mắc kẹt" trong toàn bộ cơ thể của bạn.
Bước 2: Hãy tưởng tượng bạn có thể cầm điều khiến bạn bế tắc trong tay.
Bạn thậm chí có thể cảm thấy nắm tay của bạn trở nên chặt cứng. Giữ chặt và siết chặt bàn tay.
Bước 3: Buông bỏ.
Trong khi đang di chuyển, bạn hãy đưa tay ra trước mặt, lòng bàn tay hướng lên, các ngón tay chụm vào nhau. Sau đó bạn vung tay xuống, mở nhẹ lòng bàn tay. Khi bạn làm như vậy, hãy giải phóng điều khiến bạn bế tắc.
Bạn có thể nghĩ hoặc nói những từ có ý nghĩa với mình, ví dụ "Chuyện đó không quan trọng" hoặc bất kỳ cụm từ tương tự nào phù hợp với bạn.
Khi bạn đã buông bỏ điều khiến bạn phiền lòng, hãy dành một chút thời gian để cảm nhận "dòng chảy của sự sống đang di chuyển trong bạn", bác sĩ McGarey khuyên.
Những người hạnh phúc nhất biết khi nào cần bước tiếp
Mọi người đều phải đối mặt với sự tiếc nuối. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta nên giữ cảm giác đó trong bao lâu?
"Tôi không biết bạn đã phạm sai lầm gì trong quá khứ, nhưng tôi thấy rằng hầu hết mọi người đều đã cố gắng hết sức mình với những gì họ có vào thời điểm đó. Nếu bạn thấy mình đang sống với sự hối tiếc, hãy cố gắng xem xét lại điều gì khiến bạn hối tiếc", bác sĩ McGarey nói.
"Có phải mọi thứ cuối cùng đều ổn? Nếu vậy, hãy biết ơn! Có điều gì buồn cười không? Nếu vậy, hãy cười lên! Bạn đã học được điều gì mới kể từ đó? Nếu vậy, hãy tận hưởng những gì bạn biết bây giờ và thể hiện nó theo bất kỳ cách nào bạn có thể".
Hãy làm bất cứ điều gì bạn có thể làm để quên đi sự hối tiếc - tha thứ cho bản thân và nếu cần thì xin người khác tha thứ - để bạn có thể tiếp tục cuộc sống của mình, bác sĩ McGarey khuyên.
(Nguồn: CNBC)