Bắc Kinh tự viết chữ ‘Trung Quốc’ lên khu vực tranh chấp với Ấn Độ

Minh Hạnh |

Dòng chữ “Trung Quốc” đã xuất hiện bên bờ hồ Pangong Tso - một điểm nóng thuộc khu vực tranh chấp giữa Bắc Kinh với New Dehli.

Theo kênh truyền hình Ấn Độ NDTV, dòng chữ “Trung Quốc” bằng tiếng Quan Thoại đã xuất hiện với hình bản đồ Trung Quốc bên bờ hồ Pangong Tso. Dòng chữ này được cho là lớn đến mức có thể được nhìn thấy từ vệ tinh.

Pangong Tso là một hồ nước trên cao nguyên Tây Tạng, bị cắt ngang bởi Đường kiểm soát thực tế (LAC) - đường phân định ranh giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên núi Himalaya được vạch ra vào năm 1962.

Bên bờ hồ Pangong Tso có 3 dãy núi được gọi là 8 “ngón tay”. Ấn Độ kiểm soát “ngón tay” từ số 1 đến số 4, nhưng tuyên bố lãnh thổ của mình trải dài đến “ngón tay” cực Đông số 8. Trung Quốc kiểm soát phần còn lại, từ “ngón tay” số 5 đến số 8, nhưng lại khẳng định lãnh thổ của mình trải dài đến “ngón tay” số 2.

Trung Quốc và Ấn Độ từng cùng nhau tuần tra khu vực tranh chấp giữa dãy núi số 4 và 8, dài khoảng 8km. Tuy nhiên, các lực lượng của Trung Quốc đã tiến đến dãy núi số 4 từ cuối tháng Tư, khiến Ấn Độ phẫn nộ.

Theo NDTV, dòng chữ “Trung Quốc” và bản đồ Trung Quốc được tạo nên giữa dãy núi số 4 và 5. “Rõ ràng điều này cho thấy Trung Quốc không có ý định rời khỏi khu vực này”, một quan chức Ấn Độ nói.

Ấn Độ và Trung Quốc đã có nhiều cuộc giao tranh tay đôi ở khu vực cao nguyên Tây Tạng từ tháng Tư.

Cuộc đụng độ dữ dội nhất xảy ra vào ngày 15/6, khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trên Thung lũng Galwan, khoảng 120km về phía Bắc hồ Pangong Tso.

Nhiều hãng tin Ấn Độ cho biết Trung Quốc mất 40 binh sĩ trong cuộc giao tranh trên, nhưng Bắc Kinh bác bỏ báo cáo này.

Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc sau đó đạt được thỏa thuận rút quân khỏi khu vực tranh chấp. Nhưng thực tế, hai nước vẫn tích cực củng cố lực lượng, xây dựng doanh trại và rào chắn dọc biên giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại