MiG-21 Việt Nam tiêu diệt F-4 Mỹ - Đồ họa của Le Ky An
LTS: Trong 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", cùng với các lực lượng tên lửa, pháo cao xạ, Không quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công xuất sắc, bắn hạ 2 "pháo đài bay" B-52 của Mỹ. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng vẫn còn nhiều khía cạnh về trận đụng đầu lịch sử này chưa được công chúng biết đến.
Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài "Không quân Việt Nam trong 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" của nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Cường - nguyên Sĩ quan dẫn đường KQNDVN - về những trận không chiến bảo vệ bầu trời miền Bắc tháng 12/1972.
---------------
Kỳ 1. Thắng không kiêu, bại không nản, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến thắng
Kỳ 2. Những chuyến bay cảm tử trong đêm
Kỳ 3. Phi công lập công đầu trong Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không
Kỳ 4. Từ phi công đầu tiên bắn rơi B-52 đến phi hành gia đầu tiên của châu Á
Kỳ 5. Vũ Xuân Thiều người phi công cảm tử
Kỳ 6. Lần đầu bay MiG-21, diệt hai máy bay địch
Chưa đầy ba tháng chuyển loại MiG-21
Trong cuộc đối đầu lịch sử giữa KQNDVN với lực lượng Không quân, Hải quân nhà nghề của Mỹ những năm 1965 - 1972, nhiều phi công chiến đấu là con của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Nói theo cách gọi bây giờ, thì đó là các "con ông cháu cha" - cái tên làm nhiều người không mấy thiện cảm. Tuy nhiên, cần chia sẻ với bạn đọc rằng: Lúc bấy giờ, những "con ông cháu cha" đó vào quân ngũ không hề được hưởng bất cứ đặc quyền, đặc lợi nào.
Tác giả - Nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Cường, nguyên Sĩ quan dẫn đường KQNDVN
Những người phi công chiến đấu, bất kể xuất thân từ gia đình bình thường hay "danh gia vọng tộc", thì khi về phi đội bay cũng gắn bó với nhau như anh em một nhà, chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau vào sinh ra tử trong các trận không chiến.
Trên bầu trời, trước hàng đàn "quạ đen" Hoa Kỳ tới tấp phóng tên lửa, dù là con cái của ai, thì cũng là máu thịt của người cha, người mẹ, cũng sẽ thường trực đối đầu với hiểm nguy, có thể hi sinh bất cứ lúc nào.
Rất nhiều phi công là con của các đồng chí lãnh đạo đã lao vào những trận không chiến, đã chiến đấu ngoan cường, lập chiến công vang dội và hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ. Phi công Hoàng Tam Hùng là một trong số các phi công đấy.
Trung úy Hoàng Tam Hùng, phi công tiêm kích thuộc Phi đội 3, Trung đoàn Không quân 927, chàng học sinh Hà Nội gốc Huế sinh ngày 25/01/1948 tại Phong Điền, Thừa Thiên - Huế trong một gia đình có truyền thống cách mạng nổi tiếng. Dòng họ Hoàng của anh có nhiều nhân tài phục vụ đất nước.
Anh là con cả trong gia đình có 8 anh chị em. Hoàng Tam Hùng học giỏi và tài hoa. Anh nhanh nhẹn, rất giỏi các môn thể thao: bóng rổ, thể dục dụng cụ, và nhất là bơi lội, đã từng là thành viên Đội tuyển bơi thiếu niên của thành phố Hà Nội.
Năm 1965, mới 17 tuổi, đang học lớp 10 (năm cuối cấp 3 phổ thông), Hoàng Tam Hùng xin phép cha để đi khám tuyển phi công chiến đấu. Thân sinh của anh là cụ Hoàng Anh, lúc bấy giờ đang giữ chức Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý mặc dù biết rằng phi công chiến đấu rất nguy hiểm.
Với cương vị của mình, cụ Hoàng Anh có thể tạo điều kiện thuận lợi cho Hoàng Tam Hùng đi du học nước ngoài, nhưng cụ đã tôn trọng và ủng hộ quyết định của người con trai cả.
Ba học viên bay MiG-17 cùng khóa 1966-1969: phi công Hoàng Tam Hùng (ngồi bên trái) - phi công Vũ Minh Trực (ngồi bên phải), con trai Thượng tướng Vũ Lập - phi công Quách Vi Dân (đứng) con trai của một cán bộ cao cấp, lão thành cách mạng.
Năm 1966, Hoàng Tam Hùng sang liên Xô học lái máy bay chiến đấu MiG-17, đây là đoàn thứ tư học bay MiG-17 tại Trường Không quân Serov A.K. Krasnodar.
Năm 1969 sau khi tốt nghiệp về nước, phi công Hoàng Tam Hùng được biên chế về Trung đoàn Không quân 923, tham gia trực ban chiến đấu trên loại máy bay tiêm kích MiG-17.
Ở đây, có một sự tréo ngoe của lịch sử: Đáng lẽ, lứa phi công của Hoàng Tam Hùng gồm hơn 40 người sẽ được học bay tiêm kích hiện đại MiG-21. Nhưng lúc bấy giờ, ở Việt Nam MiG-21 mới ra quân những trận đầu tiên, còn chưa hình thành được cách đánh và chiến thuật riêng.
Nhiều trận đánh của MiG-21 KQNDVN gặp bất lợi, có tổn thất. Vậy nên đã có ý kiến đưa đoàn bay này sang học MiG-17. Đây là thiệt thòi rất lớn cho KQNDVN, vì nếu lứa phi công này được học thẳng loại MiG-21, thì sẽ là sự bổ sung rất lớn vào thời điểm chiến cục trên không năm 1972 đầy ác liệt, không quân ta rất thiếu phi công.
Tháng 09/1972, phi công Hoàng Tam Hùng cùng 5 phi công MiG-17 khác được điều về Đại đội 3 (Phi đội 3), Trung đoàn Không quân 927 để chuyển loại sang lái máy bay tiêm kích MiG-21. Nói như vậy để thấy Hoàng Tam Hùng là một phi công ưu tú, có thể chất và tư duy chiến thuật, có thể nhanh chóng làm chủ khí tài hiện đại như MiG-21.
Đại đội 3 (Phi đội 3) Trung đoàn Không quân 927 nhận danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ nhất
Các phi công MiG-21 nổi tiếng đã từng chiến đấu và lập công của Trung đoàn 927, như: Phi đội trưởng Nguyễn Đức Soát, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Tiến Sâm, Nguyễn Văn Nghĩa đã kèm cặp và hướng dẫn cho các phi công chuyển loại.
Với trí thông minh, nhanh nhẹn và có năng khiếu bay đặc biệt, chỉ sau 5 lần bay, phi công Hoàng Tam Hùng đã được bay đơn trên loại máy bay tiêm kích MiG-21. Hơn 1 tháng sau khi bay thả đơn, phi công Hoàng Tam Hùng đã đủ điều kiện tham gia trực ban chiến đấu trên MiG-21 cùng với các phi công MiG-21 của Trung đoàn.
Như vậy, chỉ trong chưa đầy ba tháng chuyển loại (từ tháng 09 đến đầu tháng 12 năm 1972), Hoàng Tam Hùng đã làm chủ được chiếc MiG-21, đóng góp thêm một cánh én bạc cho đội hình phi công của Trung đoàn 927 đón đánh Không lực Hoa Kỳ.
Trong Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", ngày 28/12/1972, phi công Hoàng Tam Hùng lần đầu tiên xuất kích chiến đấu trên loại máy bay tiêm kích MiG-21, anh đã lập chiến công vang dội, trong một trận không chiến bắn rơi 2 máy bay Mỹ: 1 chiếc RA-5C và 1 chiếc F-4.
Ngày 27/12/1972, KQNDVN đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ: 2 chiếc F-4 bị bắn rơi ban ngày và 1 chiếc máy bay B-52 "pháo đài bay bất khả xâm phạm" bị phi công MiG-21 Phạm Tuân bắn rơi vào ban đêm.
Sáng ngày 28/12/1972, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm tại Sở Chỉ huy Quân chủng đặt trong hang đá núi Trầm, Hà Tây, do Tư lệnh Lê Văn Tri và Chính ủy Hoàng Phương chủ trì.
Sau khi đến thăm Tiểu đoàn 79 Trung đoàn tên lửa 257, tại trận địa Yên Nghĩa, Hà Tây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh QĐNDVN đã đến thăm Sở Chỉ huy Quân chủng và dự Hội nghị rút kinh nghiệm.
Đại tướng rất phấn khởi và khen ngợi, chúc mừng Không quân sau khi nghe Phó Tư lệnh Binh chủng Trần Hanh báo cáo các thành tích của Binh chủng Không quân trong những ngày vừa qua.
Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ tại Sở Chỉ huy Quân chủng, Đại tướng động viên và biểu dương: "Chiến công của các đồng chí là xuất sắc. Tổn thất của địch là vô cùng nặng nề. Đây là tổn thất về không quân chiến lược. Khi mất một chiếc B-52 thì các hãng tin phương Tây đã nói tới tổn thất về uy tín của không quân chiến lược Mỹ".
Đại tướng nhấn mạnh: "Cần thấy rõ điều đó để phấn khởi, tin tưởng, để đánh thắng to hơn".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy Quân chủng PK-KQ ngày 28-12-1972
Diệt hai máy bay địch ngay trận đầu xuất kích bằng MiG-21
Sau những tổn thất nặng nề trong 10 ngày qua của chiến dịch Linebacker II, nhất là sau khi máy bay MiG-21 do phi công Phạm Tuân điều khiển bắn hạ tại chỗ 1 chiếc B-52, Mỹ rất cay cú, muốn trả đũa. Mỹ sẽ huy động lực lượng lớn máy bay chiến thuật, trong đấy có nhiều tốp máy bay F-111 tập trung đánh phá dữ dội các sân bay, các trận địa phòng không của ta.
Ngày 28/12/1972 - Ngày thứ 11 của chiến dịch, căn cứ tin tình báo chiến lược và phân tích các hoạt động của máy bay trinh sát từ sáng sớm, Bô Tư lệnh Không quân nhận định: Ngày hôm nay có nhiều khả năng Mỹ sẽ huy động số lượng lớn máy bay ném bom Thủ đô Hà Nội, các vùng phụ cận, các sân bay, trận địa phòng không. Hải quân Mỹ sẽ đánh phá Hải Phòng và các mục tiêu ven biển.
Phi công Hoàng Tam Hùng - Ảnh tư liệu
Trung đoàn Không quân 927 được giao nhiệm vụ đánh chặn các tốp máy bay ở vòng ngoài.
Lúc 11h10, trên mạng tiêu đồ xa xuất hiện tốp máy bay địch ngoài biển, ở hướng Đông Nam đang trên đường bay vào Hà Nội. Trung đoàn Không quân 927 lệnh cho Biên đội Lê Văn Kiền (số 1) - Hoàng Tam Hùng (số 2) cất cánh, bay chờ tại đỉnh sân bay.
Sau đấy 9 phút, Trạm radar dẫn đường 50 bắt được mục tiêu máy bay địch. Sĩ quan dẫn đường Tạ Văn Vượng tại Sở Chỉ huy Binh chủng xin phép dẫn Biên đội Kiền - Hùng vào khu chiến chặn địch.
Cùng lúc này, Sĩ quan dẫn đường Đào Văn Thành của Trung đoàn Không quân 927 dẫn ở Trạm radar dẫn đường 43 xác định đây là tốp mục tiêu có 12 máy bay. Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 927 Nguyễn Hồng Nhị đề nghị sở Chỉ huy Binh chủng để cho Sở Chỉ huy Trung đoàn trực tiếp dẫn.
Lúc 11h20, Sĩ quan dẫn đường Vũ Đức Bình tại Sở Chỉ huy Trung đoàn 927 cho Biên đội Kiền - Hùng hướng bay 150⁰, độ cao 500m, tăng tốc độ. Sau đấy lên độ cao 4.000m.
Lúc 11h22, Sĩ quan Vũ Đức Bình thông báo: mục tiêu bên phải 40⁰, 20km; tiếp tục: mục tiêu bên phải 45⁰, 15km. Số 2 Hoàng Tam Hùng phát hiện tốp máy bay mục tiêu. Đây là tốp máy bay hỗn hợp gồm 1 máy bay trinh sát RA-5C, cùng các máy bay tiêm kích bay yểm hộ trực tiếp. Khu vực xung quanh có rất nhiều máy bay F-4 khác.
Trong cuốn sách "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1972) nhìn từ hai phía", của Nguyễn Sỹ Hưng, Nguyễn Nam Liên & nhóm tác giả, ghi lời kể của Biên đội trưởng Lê Văn Kiền:
"Biên đội chúng tôi được ghép chỉ trước đó năm ngày, do cả hai đều trẻ tuổi và rất hiểu nhau nên chúng tôi nhanh chóng thống nhất phương án hiệp đồng trong Biên đội. Tam Hùng là phi công giỏi, rất nhiều tài lẻ và rất khiêm tốn, tôi rất yên tâm về số 2 của mình, mặc dù đây là trận đầu tiên tôi được phân công bay số 1.
Tôi có nói với Tam Hùng, bất cứ ai phát hiện địch trước và ở vị trí có lợi đều có thể vào công kích, chiếc thứ hai sẽ ở vị trí yểm hộ. Sau khi cất cánh, chúng tôi xuyên mây lên một lúc thì Tam Hùng phát hiện tốp mục tiêu.
Tam Hùng thông báo mục tiêu ở bên phải, cũng lúc đó, tôi phát hiện một tốp ở bên trái. Tôi hộ Tam Hùng vào công kích tốp bên phải, còn tôi chuẩn bị lao vào tốp bên trái, đúng lúc đó, theo linh tính, tôi quay về phía sau, hướng 120⁰, và phát hiện tiếp một tốp khác ở phía sau.
Tôi hô Tam Hùng tiếp tục công kích, tôi quay lại, lao về phía tốp F-4 phía sau. Tôi thấy Tam Hùng lao về phía tốp F-4 và RA-5C, sau đó nghe thấy hô: "Cháy rồi!".
Sau đó, hai chúng tôi mất đội, nhưng tôi biết, cũng như tôi lúc đó Tam Hùng đang quần nhau với tốp F-4 rất đông. Lúc này, Sở Chỉ huy liên tục gọi thoát ly quay về sân bay, tôi làm động tác thoát ly, từ đó mất liên lạc với Tam Hùng.
Đã 40 năm trôi qua, tôi rất tự hào về người đồng đội của mình ngay trong trận xuất kích đầu tiên trên MiG-21 đã lập công".
Lúc này tốp máy bay tiêm kích Mỹ cũng đã phát hiện được 2 chiếc MiG-21. Với số lượng đông, tiêm kích Mỹ lao vào tấn công 2 chiếc MiG-21. Cuộc chiến không cân sức diễn ra rất ác liệt.
Phi công Hoàng Tam Hùng đã anh dũng hi sinh trong trận không chiến đầu tiên trên MiG-21
Chớp được thời cơ, bằng động tác thuần thục, phi công Hoàng Tam Hùng đã bám theo được một chiếc máy bay, sau khi ổn định đường ngắm, anh phóng một quả tên lửa.
Chiếc máy bay trúng tên lửa bùng cháy và rơi xuống phía Đông Nam Hà Nội. Một phi công nhảy dù và bị bắt sống, phi công còn lại không kịp thoát thân. Đây là chiếc máy bay trinh sát RA-5C có nhiệm vụ đi chụp ảnh các mục tiêu mặt đất.
Sau khi bắn rơi chiếc RA-5C, phi công Hoàng Tam Hùng nhận được lệnh thoát ly về sân bay, anh kéo máy bay lên cao.
Lúc này phía sau chiếc MiG-21 có rất nhiều máy bay F-4 bám theo. Phi công Hoàng Tam Hùng quyết định quay lại không chiến. Một mình chiếc MiG-21 giữa vòng vây của nhiều máy bay tiêm kích F-4.
Sau nhiều vòng quần nhau với tiêm kích, phi công Hoàng Tam Hùng bám theo được một chiếc, anh phóng quả tên lửa còn lại, hạ gục thêm 1 chiếc máy bay F-4.
Phóng tên lửa xong, chiếc MiG-21 nhanh chóng hạ độ cao, lúc này F-4 vẫn bám đuổi theo sau, cả 2 bên lại quần nhau khi độ cao chỉ còn 30, 40m. Hoàng Tam Hùng đã không còn tên lửa để đánh trả đối phương.
Người dân Thường Tín đã kể lại những giây phút cuối cùng của phi công Hoàng Tam Hùng:
"Lúc đó chúng tôi nấp dưới hầm nhìn thấy chiếc máy bay lao từ phía Tây Nam về hướng bờ sông. Nhân dân ở xóm chúng tôi rất cảm phục phi công Việt Nam, khi máy bay bị thương chắc anh có thể nhảy dù được, nhưng anh đã cố điều khiển máy bay rơi về phía sông Hồng để tránh lao vào nhà dân trong xóm.
Khi chúng tôi đến nơi, thấy máy bay của anh rơi cách bờ sông có vài chục mét, không có nhà dân nào bị cháy". (Theo "Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1972) nhìn từ hai phía", trang 632).
Trong lần xuất kích đầu tiên trên loại máy bay MiG-21, phi công Hoàng Tam Hùng đã bắn rơi 2 chiếc máy bay: 1 chiếc máy bay F-4 và 1 chiếc máy bay RA-5C.
Không quân Việt Nam có thêm một phi công bắn rơi 2 chiếc máy bay Mỹ trong 1 trận đánh. Chiếc RA-5C bị anh bắn hạ được bổ sung thêm vào danh sách các loại máy bay Mỹ bị bắn rơi.
Trung úy phi công Hoàng Tam Hùng đã anh dũng hy sinh khi chỉ còn hơn một ngày trước khi kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm với Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", và khi chỉ còn 28 ngày nữa anh bước sang tuổi 24.
Thời gian bay chiếc MiG-21 của Hoàng Tam Hùng không dài, thời gian công tác ở Trung đoàn Không quân 927 cũng chỉ vài tháng, và anh chỉ gặp địch một lần duy nhất, không chiến một lần duy nhất trên chiếc MiG-21.
Thế nhưng, Hoàng Tam Hùng đã lập chiến công xuất sắc, có thể nói là "vô tiền khoáng hậu" với một phi công mới chuyển loại. Anh đã anh dũng hi sinh ngay trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến bảo vệ bầu trời miền Bắc, để lại niềm thương tiếc vô hạn cho gia đình, bè bạn, và đồng đội.
Ngày 25/4/2013, Liệt sĩ Hoàng Tam Hùng được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.