Bà đi cấp cứu vì uống chút sữa thừa của cháu: Bài học dở khóc dở cười

Thảo Nguyên |

Thấy cháu uống sữa không hết, bà Ảnh tiếc của đã lấy sữa của cháu uống, kết quả bà đau bụng, đi ngoài cả mấy ngày liền, bụng lúc nào cũng âm ỉ.

Tiếc của hại thân

Bà Vũ Thị Ảnh 64 tuổi, từ quê ở Ý Yên, Nam Định lên Hà Nội trông cháu cho con đi làm. Cũng giống như bao bà mẹ tần tảo ở quê khác, bà nhìn thấy mỗi lần con dâu đổ sữa thừa của cháu đi bà tiếc nên bà thường đổ ra một cái cốc rồi uống cho đỡ phí.

Cả tuần liền, bà cứ âm ỉ đau bụng, đi tiêu chảy mà không biết vì sao. Con cái bà cũng không biết nên nghĩ rằng bà ăn phải cái gì. Trong khi cả nhà không ai đau bụng. Mọi người còn tưởng bà không quen thức ăn ở Hà Nội.

Bà Ảnh vào viện khám bác sĩ cho biết bà bị rối loạn tiêu hoá do bất dung nạp đường lactose. Lúc này cả gia đình mới giật mình vì bà Ảnh không hợp với sữa dành cho trẻ.

Trước đây bà vẫn uống sữa bổ sung canxi nên chẳng ai nghĩ nguyên nhân gây đau bụng cả tuần qua là do sữa của đứa cháu 6 tháng tuổi còn dư thừa.

Cùng hoàn cảnh như bà Ảnh, ông Vũ Quốc Phấn trú tại Hà Đông, Hà Nội cũng than thở hai vợ chồng ông mỗi khi thấy cháu uống sữa còn dư mẹ cháu đổ đi tiếc của một phần vì sữa đắt, một phần vì quan niệm đổ thừa đi là trẻ lười ăn nên ông bà thường cố uống cho cháu dù chẳng thích tý nào.

Nhưng mỗi lần uống sữa vào đều đau bụng, tiêu chảy. Ông bà không nghĩ đó là do sữa vì cháu mình vẫn uống bình thường thì người lớn không thể đau bụng vì nó được. Ông bà lại đổ lỗi cho thức ăn thừa từ hôm trước mà chẳng ai nghĩ ra sữa thừa của cháu.

Bà đi cấp cứu vì uống chút sữa thừa của cháu: Bài học dở khóc dở cười - Ảnh 1.

BàTrần Thị Đoan 57 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ tại hội thảo về cách sử dụng sữa do Liên hiệp hội Phụ nữ Việt Nam tổ chức rằng, bà đã bị đau bụng cả ngày trời tưởng ngộ độc thực phẩm do cốc sữa của đứa cháu mới sinh được 1 tháng.

Bà Đoan kể trước khi sinh con gái bà mua cả hộp sữa 900 gram đề phòng lúc sữa về cho bé ăn sữa ngoài. Tuy nhiên, sau sinh 2 ngày sữa về nhiều nên hộp sữa đành bỏ phí. Bà Đoan bảo con gái uống nhưng cháu cũng không uống vì ngọt.

Tiếc của, bà Đoan và chồng chia nhau uống cho hết. Sáng hôm đó, bà lấy sữa ra pha cho cả hai vợ chồng uống. Chồng bà không sao còn bà đến trưa bắt đầu đầy bụng và tiêu chảy.

Đến chiều vẫn không hết mà càng ngày đi đại tiện càng nhiều đến mức mất nước phải đưa ra phòng khám truyền dịch bù điện giải. Cả nhà mất ăn mất ngủ không biết vì sao. Sữa thì cả hai vợ chồng đều uống chẳng lẽ chỉ có bà bị.

Đến hai hôm sau triệu chứng đầy bụng, khó tiêu vẫn còn bà Đoan đi ra bệnh viện khám, bác sĩ chẩn đoán bà bị rối loạn tiêu hoá do cốc sữa của trẻ 0 đến 6 tháng tuổi bà đã uống.


Sữa của trẻ nhỏ không hợp với người lớn

PGS. Lê Bạch Mai – Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết sữa là một chế phẩm rất giàu chất dinh dưỡng và phù hợp với tất cả mọi người tuy nhiên sữa dành cho trẻ nhỏ khác, người già khác.

Bà Mai cho rằng những trường hợp bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá vì cốc sữa thừa của cháu như những trường hợp trên không phải là hiếm.

Theo bà Mai nguyên nhân của hiện tượng trên không phải do sữa kém chất lượng, sữa giả mà đó là tình trạng bất dung nạp đường lactose, một loại đường sữa:

Men lactase đuợc cơ thể tiết ra giúp tiêu hóa đường lactose, tuy nhiên lượng men này giảm dần theo độ tuổi nên những người nhiều tuổi uống sữa trẻ nhỏ gây hiện tượng trên.

Đặc biệt là ở người không có thói quen uống sữa từ nhỏ. Hoặc một số trường hợp thiếu men lactase do di truyền, do sử dụng thuốc, do nhiễm trùng, thiếu men lactase thứ phát sau khi bị tiêu chảy, viêm dạ dày ruột, hay do nghiện rượu…

Một số trường hợp bị viêm loét dạ dày uống sữa vào trung hòa acid gây giảm đau nhưng một số người lại làm tăng co thắt hoặc kích thích niêm mạc dạ dày dẫn đến đau bụng nhiều hơn.

Để khắc phục tình trạng bất dung nạp đường lactose nên tránh dùng sữa hoặc các sản phẩm có đường lactose, hoặc dùng thử sữa với số lượng từng ít một (ít hơn 100ml/ lần) và tăng lên dần để cơ thể quen dần.

Không uống sữa với dạ dày rỗng, có thể sử dụng các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại