Trong tuần qua, Không quân Trung Quốc vừa công bố bức ảnh chụp 2 tiêm kích Su-30MKK thuộc biên chế Lữ đoàn không quân số 9 - Chiến khu Đông bộ trong buổi lễ chia tay đơn vị.
Tuy nhiên không phải Su-30MKK được cho nghỉ hưu hoàn toàn mà nó chỉ đơn giản là lui về tuyến sau, thay thế những chiếc J-7 và J-8 đã hết hạn sử dụng mà thôi.
Vị trí mà Su-30MKK bỏ lại sẽ được Trung Quốc nhanh chóng lấp đầy bằng các chiến đấu cơ nội địa mà họ quảng cáo là có tính năng kỹ chiến thuật vượt trội như J-16 và nhất là J-20.
Sở dĩ Không quân Trung Quốc phải cấp tốc tiến hành công cuộc "thay máu" đối với một loại tiêm kích đa năng được đánh giá khá hiện đại là do đối phương đang tiến quá nhanh.
Lữ đoàn không quân số 9 - Chiến khu Đông bộ là đơn vị được xác định giữ vai trò chủ lực trong những màn "đọ cánh" với máy bay chiến đấu Nhật Bản ngoài khơi biển Hoa Đông.
Trước đối thủ cực mạnh như Nhật Bản thì dĩ nhiên Không quân Trung Quốc phải ưu tiên trang bị cho đơn vị này những tiêm kích tốt nhất có trong biên chế của mình.
Đúng như dự đoán trước đó, truyền thông Trung Quốc ngày 13/1 đã đăng tải thông tin cho biết 2 tiêm kích tàng hình thế hệ 5 J-20 vừa được điều động tới để thay thế 2 chiếc Su-30MKK vừa rút đi.
Như vậy Lữ đoàn Không quân số 9 là đơn vị tiền tuyến đầu tiên tiếp nhận J-20, đơn vị này chịu trách nhiệm kiểm soát vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đơn phương lập ra ở biển Hoa Đông.
Đối tượng tác chiến của những chiếc J-20 này chắc chắn không phải ai khác mà chính là tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản.
Khi hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới đều dồn tiêm kích tàng hình tối tân nhất của mình về đây thì cuộc đối đầu giữa chúng sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.
Kịch bản một cuộc "đọ cánh" giữa J-20 của Trung Quốc với F-35A của Nhật Bản chắc chắn là điều được giới quan sát tình hình quân sự và quốc tế đặc biệt lưu tâm.
Cả tiêm kích J-20 lẫn F-35 đều được truyền thông ca tụng bằng những mỹ từ "trên mây", nhưng kèm theo còn là các chỉ trích mang tính "dìm hàng" không một chút thương tiếc.
Cuộc đối đầu giữa hai dòng chiến đấu cơ tối tân này (nếu sớm xảy ra trong tương lai) sẽ giúp cho công chúng có được cái nhìn chính xác nhất về tính năng kỹ chiến thuật thực tế của chúng.
Thậm chí cuộc đối đầu này không chỉ giới hạn trong phạm vi giữa Tokyo với Bắc Kinh mà còn ảnh hưởng đến đường hướng quốc phòng của rất nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Thông qua sự kiện trên, họ sẽ có được cái nhìn chính xác nhất về tính năng của chiến đấu cơ tàng hình do Mỹ và Trung Quốc chế tạo, từ đó đưa ra các chương trình mua sắm phù hợp để đối phó với đối thủ tiềm tàng.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-j20-trung-quoc-va-f35-nhat-ban-chuan-bi-co-cuoc-doi-dau-lich-su-ai-se-thang/796413.antd