Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết, máy bay "Tempest" được phát triển bởi các công ty quốc phòng BAE Systems, Rolls Royce, Leonardo và MBDA. Theo đó, BAE Systems sẽ chịu trách nhiệm phát triển hệ thống chiến đấu và tích hợp.
Rolls Royce sẽ làm việc về chế tạo động cơ, Leonardo phụ trách phần cảm biến, điện tử và hệ thống điện tử. Trong khi đó, MBDA sẽ thiết kế vũ khí của hệ thống tương lai. Theo lộ trình, chương trình nghiên cứu sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Sau khi thẩm định, quyết định thực hiện dự án sẽ được đưa ra vào cuối năm 2020. Việc sản xuất sẽ được tiến hành từ năm 2025. Với chi phí bỏ ra khoảng 2 tỷ bảng (tương đương 2,3 tỷ euro) từ nay đến 2025, loại máy bay này sẽ chính thức ra mắt vào năm 2035 và dự kiến thay thế máy bay Eurofighter Typhoon vào năm 2040.
Mô hình máy bay tiêm kích mới Tempest được giới thiệu tại Triển lãm hàng không Farnborough 2018. (ảnh: Reuters)
Typhoon là loại máy bay tiêm kích được bốn nước châu Âu gồm Đức, Tây Ban Nha, Anh và Italy đồng phát triển trong những năm 1980. Tạp chí National Interest (Mỹ) từng xếp máy bay chiến đấu Typhoon vào danh sách 5 loại vũ khí đáng gờm nhất của châu Âu.
Loại tiêm kích này có khả năng duy trì bay siêu tốc mà không cần sử dụng các buồng đốt lần hai, trong khi các bộ phận được chế tạo bằng chất liệu siêu nhẹ cùng thiết kế vốn đã chú trọng cao tới sự phù hợp khí động học với hệ thống điều khiển số bốn kênh tín hiệu.
Điều này mang lại cho máy bay sự ổn định cao, cho phép duy trì sự nhanh nhẹn cả ở tốc độ siêu âm và tốc độ thấp.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, Eurofighter Typhoon đang trở nên lỗi thời và Tempest sẽ là ứng cử viên thay thế sáng giá. "Chương trình sản xuất máy bay tiêm kích Tempest cho phép Vương quốc Anh duy trì vị trí hàng đầu trong việc phát triển hệ thống máy bay chiến đấu", ông Gavin Williamson nhấn mạnh.
Hiện Anh đang thảo luận với các nước khác, như Thụy Điển, để tìm đối tác để phát triển máy bay Tempest mới này, theo Reuters.
Nước Anh đã không tự phát triển máy bay tiêm kích từ những năm 1960. Tuy nhiên, London đã tham gia phát triển và chế tạo máy bay chiến đấu tiên tiến F-35 của Mỹ, trong đó công ty BAE Systems của Anh cung cấp khoảng 15% thiết bị trên mỗi máy bay.
Dự án phát triển máy bay Tempest được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn khoảng 9 tháng nữa Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu. Do vậy, xuất hiện những tin đồn cho rằng, London đang muốn cạnh tranh với dự án chế tạo máy bay tiêm kích mới mà Pháp và Đức mới khởi động hồi tháng 6 vừa qua.
"Phát triển một máy bay chiến đấu đa năng tương lai cho Pháp và Đức được tích hợp vào một mạng lưới hệ thống vũ khí là một vấn đề lớn đối với sự chủ động chiến lược của châu Âu", giám đốc điều hành của Dassault của Pháp, ông Eric Trappier, cho biết.
Theo Reuters, dự án quốc phòng giữa Pháp và Đức dự kiến sẽ khởi động trước cuối năm nay, bắt đầu với giai đoạn nghiên cứu. Chiếc máy bay mới sẽ thay thế cả tiêm kích Rafale của Pháp và Eurofighter Typhoon của Đức trong tương lai.
Một vài yếu tố được phán đoán có ở tiêm kích mới do Pháp-Đức hợp tác phát triển bao gồm nó sẽ có 2 động cơ và thiết kế tàng hình. Chiếc máy bay phải có khả năng mang theo vũ khí bên trong thân, nhưng vẫn có thể gắn vũ khí bên ngoài cánh khi thực hiện các nhiệm vụ không cần tính năng tàng hình.
Nó cũng sẽ có các hệ thống cảm biến hiện đại bao gồm radar, thiết bị hồng ngoại, cùng với đó là thiết bị điện tử liên lạc giúp chia sẻ được thông tin với những máy bay khác.
Cả Pháp và Đức đều cần một chiến đấu cơ đủ sức mang theo vũ khí hạt nhân nên loại máy bay mới nhiều khả năng sẽ có tính năng này. Đối với Pháp là mang theo tên lửa hành trình đầu đạn hạt nhân ASMP-A còn với Đức là mang theo bom B-61-12 do Mỹ chế tạo.