F-22 Mỹ áp sát "Lão già gân" Tu-95MS Nga mà không dám bắt nạt: Chưa từng có trong lịch sử?

Ngọc Huy |

Thế giới đang có chuyện kỳ lạ là những máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ và phương Tây vẫn đang phải hộ tống "ông lão" Tu-95MS, khi nhóm máy bay chiến lược Nga áp sát không phận.

Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, máy bay chiến lược "Gấu trắng" Tu-95MS của Không quân Nga vẫn khẳng định được giá trị của mình và còn tiếp tục phục vụ thêm vài thập niên nữa.

"Lão già gân" mang tên Tu-95

Khi nói đến từ già, người ta thường nghĩ tới những gì cũ kỹ và yếu đuối, nhưng điều này không đúng với máy bay ném bom chiến lược (thực tế là được trang bị tên lửa hành trình tầm xa) Tu-95MS.

Chiếc máy bay ném bom xuất hiện từ năm 1951 này đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử hưng thịnh và suy tàn của Liên Xô và tới nước Nga ngày nay. Nó vẫn đóng vai trò quan trọng trong "bộ ba hạt nhân" của Nga.

Sự tồn tại của dòng máy bay Tu-95 tới ngày nay kéo dài qua hai thế kỷ là một câu chuyện dài và đặc biệt.

Khi xuất hiện, Tu-95 hội tụ nhiều đỉnh cao công nghệ hàng không của Liên Xô. Dù sử dụng động cơ phản lực cánh quạt, nhưng nhờ kết cấu đồng trục đặc biệt, Tu-95 vẫn có thể bay lên độ cao lớn và tầm hoạt động rộng.

F-22 Mỹ áp sát Lão già gân Tu-95MS Nga mà không dám bắt nạt: Chưa từng có trong lịch sử? - Ảnh 1.

Máy bay chiến lược "Gấu trắng" Tu-95MS của Không quân Nga.

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là sự ra đời của động cơ phản lực và tư duy tác chiến tổng lực thời chiến tranh Lạnh, Liên Xô dự định thay thế Tu-95 bằng máy bay ném bom siêu âm mới Tu-160.

Quá trình thay thế diễn ra không xuôn sẻ, khi dây chuyền sản xuất các máy bay Tu-160 bắt đầu từ cuối những năm 1980, thời điểm Liên Xô suy tàn và tan vỡ. Việc thiếu hụt các máy bay Tu-160 do dây chuyền sản xuất bị đóng băng, đã buộc Tu-95 tiếp tục phải gánh vai trò chiến lược của mình tới tận ngày nay.

Liên Xô tan vỡ, nguy cơ chiến tranh hạt nhân tổng lực không còn, nhu cầu cấp thiết thay thế máy bay Tu-95MS bằng các dòng máy bay ném bom siêu âm hiện đại hơn không còn quá cấp thiết với Nga. Chính điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi để "ông lão" Tu-95MS tiếp tục tồn tại.

Chi phí sử dụng rẻ, độ tin cậy cao, số lượng niêm cất lớn, tính năng chiến đấu không thua kém gì các máy bay ném bom hiện đại với tên lửa hành trình không đối đất tầm xa… đã xóa nhòa đi nhược điểm về tốc độ bay cận âm và tuổi cao của Tu-95MS.

Với tầm bay tới 6.500km, khi kết hợp với tên lửa hành trình Kh-101/102 có tầm bắn tới 4.000km, Tu-95MS vẫn đang đầy đủ sức mạnh của một vũ khí hàng không cấp chiến lược, không thua kém gì các máy bay ném bom hiện đại như Tu-22M3 hay Tu-160M.

Nước Nga hiện tại không có nguồn lực quốc phòng vô tận như Liên Xô, nên khi Tu-95MS vẫn đảm bảo được vai trò của mình thì "lão già gân" sẽ vẫn tiếp tục tung hoành trên bầu trời thế giới. Và nếu không có gì thay đổi, Tu-95MS sẽ tiếp tục phục vụ thêm vài thập niên cho tới khi máy bay ném bom tương lai PAK DA xuất hiện.

F-22 Mỹ áp sát Lão già gân Tu-95MS Nga mà không dám bắt nạt: Chưa từng có trong lịch sử? - Ảnh 3.

Đội hình các loại máy bay ném bom hiện có của Không quân Nga gồm TU-160, TU-95, TU-22, SU-24.

Già, nhưng không ai dám bắt nạt!

Khi bay lượn trên bầu trời, đặc biệt là tại các vùng không phận nhạy cảm, tiếp giáp các quốc gia đối địch, "lão già gân" Tu-95MS liệu có làm mồi cho vũ khí phòng thủ của đối phương. Nếu bị tấn công, những chiếc máy bay ném bom đã lên tới tuổi lão này sẽ không có cơ hội tránh né.

Thế nhưng, không ai có quyền và có đủ dũng cảm để làm như vậy!

Một điều rõ ràng là trong các chuyến bay tuần tra có hoặc không mang vũ khí chiến lược, các nhóm máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS đều bay trên không phận quốc tế, không quốc gia nào có quyền ngăn cản. Điều được phép duy nhất là cử máy bay lên hộ tống.

Hình ảnh phi đội máy bay Tu-95MS được hộ tống bởi máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-22 Raptor của Mỹ trên không phận quốc tế gần Alaska hay với Eurofighter Typhoon ở Biển Bắc có lẽ không mấy lạ lẫm.

Một điều thêm nữa, dù già cả, nhưng Tu-95MS vẫn là một thành phần trong "bộ ba hạt nhân" chiến lược của Nga. Liệu quốc gia nào có đủ tự tin bắn hạ vũ khí chiến lược của Nga, kể cả Mỹ, mà không trả giá bằng đòn trả đũa hạt nhân.

Với năng lực vũ khí hạt nhân hiện tại, Nga thừa sức phá hủy cả thế giới, kể cả khi cho nổ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Nga.

F-22 Mỹ áp sát Lão già gân Tu-95MS Nga mà không dám bắt nạt: Chưa từng có trong lịch sử? - Ảnh 4.

Một chiếc Tu-95MS đang mang theo 8 tên lửa hành trình Kh-101.

Điều này rất đúng với tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi trả lời phỏng vấn báo giới về nguy cơ chiến tranh hạt nhân với Mỹ: "Sẽ không ai chiến thắng trong cuộc chiến tranh như vậy!".

Và trên thực tế, hoạt động của các nhóm máy bay chiến lược của Nga, trong đó có Tu-95MS, hiện tại phần lớn mang tính biểu dương lực lượng, kiểm tra hoạt động của khí tài… \

Lần tham chiến thực tế gần đây nhất của các máy bay ném bom chiến lược Nga chính cuộc chiến ở Syria năm 2015.

Những lý do trên đã đủ để "lão già gân" Tu-95MS tiếp tục nhiệm vụ của mình trên bầu trời cho tới khi được thay thế bằng "đàn em" PAK DA. Có lẽ trường hợp của máy bay Tu-95MS là một điều đặc biệt của lịch sử hàng không thế giới và chưa có câu chuyện nào tương tự!

Tu-95MS đánh trúng mục tiêu trên địa phận tỉnh Raqqa

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại