Anh điều tàu sân bay cùng tiêm kích F-35 Mỹ tới Biển Đông, Trung Quốc "nhảy dựng"

Minh Thu |

Trung Quốc cáo buộc kế hoạch điều động tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của hải quân Hoàng gia Anh mang theo cả tiêm kích F-35 Mỹ tới Biển Đông có thể bị xem là “hành động thù địch”.

Telegraph đưa tin, Bộ Quốc phòng Anh có kế hoạch triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth thế hệ mới tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2021. Đây cũng là chuyến đi biển quốc tế đầu tiên của tàu HMS Queen Elizabeth.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth có lượng giãn nước toàn tải 65.000 tấn và được trang bị tiêm kích F-35 từ lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ.

Kế hoạch điều động tàu sân bay HMS Queen Elizabeth được công bố trong bối cảnh cùng với các đồng minh là Mỹ và Australia, Anh ngày càng tỏ ra quan tâm tới hoạt động tự do hàng hải trên những tuyến đường biển quốc tế giữa lúc Trung Quốc không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới.

Hồi tuần trước, phát biểu tại London, tùy viên quân sự Su Guangchui của đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh, "Nếu Mỹ và Anh cùng hợp tác thách thức hay xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, đây sẽ được xem là hành động thù địch".

Hồi năm ngoái, Trung Quốc cũng đã đưa ra những lời chỉ trích mạnh mẽ sau khi tàu tấn công đổ bộ HMS Albion của hải quân Hoàng gia Anh xuất hiện gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyển của Việt Nam) trên Biển Đông .

Tại thời điểm này, Bắc Kinh cho rằng chính phủ Anh cố tình có “hành động khiêu khích” trong vùng biển đang xảy ra tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh khẳng định, tàu HMS Albion chỉ hoạt động trong vùng biển quốc tế.

Ngoài ra, đại sứ Trung Quốc tại Anh Liu Xiaoming cũng lớn tiếng cho rằng, Trung Quốc “sẽ không tìm cách bá chủ, mở rộng hay nâng tầm ảnh hưởng”.

“Biển Đông là vùng biển rộng lớn. Chúng tôi không phản đối bất cứ ai hoạt động ở đây, nhưng không được tiến vào vùng biển của Trung Quốc. Nếu các ngài không làm như vậy, sẽ không có vấn đề gì. Biển Đông đủ rộng để trở thành tuyến đường biển tự do đi lại”, ông Liu nhấn mạnh.

Thậm chí, đại sứ Liu cho rằng Anh đang hành động thay cho một quốc gia khác và đó là Mỹ.

“Đây là hành động phô cơ bắp. Anh không nên làm việc xấu thay cho người khác”, ông Liu cáo buộc.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên chính phủ Anh khẳng định, “Anh quan tâm tới các lợi ích trong khu vực và cam kết duy trì an ninh trong vùng. Sự hiện diện của hải quân các nước ở Biển Đông là bình thường và hải quân Hoàng gia Anh không phải là ngoại lệ. Chúng tôi duy trì cam kết đảm bảo quyền tự do hàng hải trên biển và trên không như luật pháp quốc tế quy định”.

Trong khi đó, lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.

Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông , nhưng Nhật Bản và Mỹ nhiều lần lên tiếng khẳng định duy trì “khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở cửa và tự do”. Mỹ còn thường xuyên điều động tàu thuyền tới Biển Đông để tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến đường biển chiến lược.

Hồi tháng trước, Mỹ đã cho điều động tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan đến thăm Philippines và đi vào Biển Đông.

Giới quan sát nhận định, động thái của Mỹ không chỉ nhằm thể hiện cam kết an ninh với đồng minh Philippines mà còn gửi đi thông điệp nhắc nhở sức mạnh quân sự Mỹ vẫn hiện diện tại khu vực để kiềm chế hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại