Công dụng của cà chua
1. Hạ huyết áp, bảo vệ tim mạch
Bác sĩ Nhật Bản Ishihara Fujiki cho biết, theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu theo dõi 7.056 người trong 3 năm cho thấy những người ăn nửa quả cà chua (110 gram) mỗi ngày có huyết áp tâm thu thấp hơn 4mmHg và huyết áp tâm trương thấp hơn 2mmHg so với những người ăn ít hơn 44g cà chua mỗi ngày. Đồng thời, nguy cơ tăng huyết áp của họ cũng giảm 36% sau 3 năm.
Bác sĩ Ishihara Fujiki tin rằng ăn nửa quả cà chua mỗi ngày là cách đơn giản và hiệu quả để ngăn ngừa huyết áp cao.
Lão hóa mạch máu có liên quan chặt chẽ đến oxy hóa và các triệu chứng viêm. Nhờ giàu chất chống oxy hóa và các chất chống viêm như lycopene, β-carotene và vitamin C, cà chua không chỉ có thể ngăn ngừa xơ cứng động mạch mà còn ức chế lão hóa mạch máu và hạ huyết áp, giảm nguy cơ bị cao huyết áp trong tương lai.
Chuyên gia dinh dưỡng Nhật Bản Riho Watanabe cũng chỉ ra rằng lycopene có thể ức chế các hormone làm giãn mạch. Ngoài ra, nếu cholesterol xấu trong máu bị oxy hóa sẽ thu hẹp mạch máu. Lycopene có thể ức chế quá trình oxy hóa cholesterol xấu, thúc đẩy lưu lượng máu trơn tru và đạt được tác dụng hạ huyết áp.
2. Chống lão hóa da, ngừa nám
Ngoài lycopene, cà chua còn chứa nhiều chất chống oxy hóa như β-carotene, vitamin C, E; lutein và phenol có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Đồng thời chúng có thể ngăn ngừa các mảng bám ở điểm vàng mắt do tuổi tác cũng như các bệnh về mắt khác, giảm triệu chứng của thời kỳ mãn kinh.
Khi con người bước sang tuổi 35, khả năng chống oxy hóa giảm dần, hắc tố melanin có xu hướng xuất hiện trên mặt, các vết sạm nám sẽ tăng lên đáng kể. Cà chua có tác dụng rất tốt trong việc cải thiện sức khỏe làn da trong trường hợp này, ngừa cháy nắng và làm chậm quá trình lão hóa.
Theo chuyên gia dinh dưỡng toàn diện Chihiro Hirota. β-carotene có trong cà chua cũng có thể hỗ trợ quá trình trao đổi chất của cơ thể và giúp loại bỏ vết thâm nám, ức chế các loại oxy phản ứng gây lão hóa da và có tác dụng chống lão hóa.
Ăn cà chua như nào để đạt hiệu quả?
Chuyên gia Riho Watanabe cho biết thêm, cà chua rất giàu vitamin A và E. Đây là những chất dinh dưỡng hòa tan trong chất béo. Nấu cà chua với dầu có thể cải thiện tỷ lệ hấp thụ của cơ thể. Ngoài làm salad trộn cùng dầu olive, nên xào cà chua cùng nhiều nguyên liệu khác để mang lại nhiều lợi ích hơn cho sức khỏe.
Các chất dinh dưỡng thông thường dễ bị phá hủy bởi nhiệt trong quá trình nấu, nhưng lycopene - chất hòa tan trong chất béo thì khác. Sau khi nấu với chất béo, tốc độ hấp thụ lycopene có thể tăng gấp 2 đến 3 lần. Tuy nhiên, lycopene một khi tiếp xúc với không khí sẽ dễ bị oxy hóa nên cần dùng ngay sau khi chế biến.
Ngoài ra, so với việc ăn cà chua trực tiếp, khi uống nước ép cà chua, do thành tế bào của cà chua đã bị phá hủy nên cơ thể có thể hấp thụ dễ dàng hơn và có thể hấp thụ hàm lượng lycopene gấp 2 đến 3 lần cách ăn thông thường.
Cùng với đó, nếu để cà chua ở nhiệt độ phòng và chín tự nhiên thì lượng lycopene sản sinh sẽ cao hơn so với việc để trong tủ lạnh.
Những điều cần lưu ý khi ăn cà chua sống
- Không ăn cà chua sống khi bụng đói vì chúng có thể gây tăng tiết axit, đầy hơi, đau bụng. Tốt hơn là nên ăn cà chua sống sau bữa ăn.
- Người có thể chất lạnh (lạnh tay chân, dễ tiêu chảy...) không thích hợp ăn cà chua sống. Ngoài ra, phụ nữ bị đau bụng kinh không nên ăn cà chua trong thời kỳ kinh nguyệt.
- Có một số loại cà chua rất ngọt và ngon nhưng không nên ăn quá nhiều để tránh nạp quá nhiều đường.
- Không được ăn cà chua chưa chín. Vì cà chua xanh chứa một lượng lớn solanine, gây độc ở mức độ nhất định sẽ dẫn đến khó chịu ở đường tiêu hóa.