Ăn mặn làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày?

Nguyễn Hà |

Thói quen chấm đồ ăn vào bát nước chấm, gia vị trước khi ăn đã trở thành một thói quen không thể thiếu được với rất nhiều người. Mặc dù món ăn đó nhiều khi đã được chế biến khá mặn, như dưa muối, cà muối hay các món rán tuy đã được tẩm ướp đầy đủ gia vị trước khi chế biến nhưng khi ăn thường vẫn được chấm đẫm, thậm chí còn lật đi, lật lại nhiều lần trong bát nước chấm trước khi cho vào miệng thưởng thức.

Theo TS. Đỗ Thị Phương Hà - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chính những thói quen này đã góp phần khiến chúng ta vô tình làm gia tăng đáng kể lượng muối mà chúng ta ăn vào hàng ngày và kết quả là làm tăng cao hơn nguy cơ chúng ta có thể mắc tăng huyết áp, đột quỵ, tai biến mạch máu não và nhiều bệnh mạn tính khác.

Không chỉ có thế, theo TS. Nghiêm Nguyệt Thu - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mối liên quan giữa lượng muối trong khẩu phần với sự gia tăng nguy cơ của ung thư dạ dày đã được biết đến từ lâu.

Trong ung thư dạ dày, vi khuẩn Helicobacter pylori (viết tắt là HP) là yếu tố nguy cơ chính, do loại vi khuẩn này gây nên viêm mạn tính ở dạ dày và tạo thành những ổ loét, dẫn tới ung thư hóa. Muối là yếu tố thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn HP này.

Ăn mặn làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày? - Ảnh 1.

Không nên nêm lượng gia vị quá nhiều trong cùng một món ăn.

Các triệu chứng của ung thư dạ dày có thể bao gồm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn, kém ngon miệng, cảm giác no liên tục, chảy máu hoặc có các cục máu, có máu trong phân, đau và/hoặc yếu mệt.

Không phải tất cả bệnh nhân ung thư dạ dày đều là do vi khuẩn HP, nhưng những người nhiễm vi khuẩn HP có khả năng bị ung thư cao hơn.

Muối làm vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.

Nghiên cứu của tác giả D’Elia và cộng sự trên 270.000 người và theo dõi trong 6-15 năm cho thấy những người ăn nhiều muối tăng 68% nguy cơ ung thư dạ dày so với những người ăn ít muối hơn.

Một nghiên cứu khác còn tìm thấy rằng với mỗi gram muối ăn thêm mỗi ngày thì nguy cơ ung thư dạ dày tăng thêm 8%.

Hiện nay chúng ta đang ăn quá nhiều muối, nhiều gấp đôi nhu cầu cơ thể cần. Do đó những người đã có nguy cơ về ung thư dạ dày cần xem lại lượng muối ăn hàng ngày của mình cẩn thận, tránh những thực phẩm chứa nhiều muối mà mình vẫn ưa thích.

Ăn mặn làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày? - Ảnh 2.

Để hạn chế lượng muối ăn khi chúng ta thưởng thức các bữa ăn của mình, TS. Hà cho biết cần thực hiện vài mẹo nhỏ để giảm muối.

Trước hết cần tập thói quen không để bát nước chấm, gia vị trên mâm cơm, nhất là khi trong bữa ăn của chúng ta toàn các món đã chế biến đậm đà với các gia vị mặn rồi.

Tiếp theo có thể pha loãng bát nước mắm của mình trước khi ăn. Bạn cũng có thể dùng các gia vị khác như chanh, tỏi, tiêu, ớt … để giúp tăng cảm giác ngon miệng, bù lại việc giảm sự ngon miệng do giảm vị mặn mà bạn đã quen thuộc lâu nay.

Nếu vẫn muốn chấm đồ ăn vào gia vị mặn trước khi ăn thì nên chấm nhẹ, không nên dìm cả miếng thịt, gắp rau ngập sâu vào bát nước chấm rồi thâm chí còn lật đi, lật lại nhiều lần để cho ngấm đẫm nước chấm trước khi ăn.

Ngoài ra, cũng nên hạn chế thói quen thêm nước mắm, nước kho thịt, kho cá vào cơm khi ăn vì các loại nước này cũng chứa một lượng muối đáng kể.

Hãy bỏ thói quen chấm trái cây vào các loại muối ớt, muối tiêu, muối tôm, muối ô mai, bột canh… khi ăn.

Hãy thực hiện việc giảm ăn muối và các gia vị có nhiều muối trong khi ăn, cùng với việc hạn chế cho thêm muối và các gia vị này khi chế biến và lựa chọn thực phẩm ít muối sẽ giúp chúng ta có chế độ ăn lành mạnh ít muối đề phòng chống tăng huyết áp và các bệnh mạn tính liên quan - TS. Hà khuyến cáo thêm.

Tại hội thảo về truyền thông giảm ăn muối để phòng chống bệnh không lây nhiễm, ông Trương Đình Bắc, phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay khảo sát gần nhất cho thấy người Việt đang ăn khoảng 10 gr muối/ngày, trong khi cơ thể chúng ta chỉ cần 1-2 gr/người/ngày và WHO khuyến cáo chỉ nên dùng 5 gr muối/người/ngày.

Khác với nhiều quốc gia phát triển, có đến 75% lượng muối sử dụng hàng ngày từ thực phẩm chế biến, đồ ăn nhanh, đồ ăn từ nhà hàng, tại Việt Nam có đến 70% lượng muối sử dụng là từ đồ ăn nhà nấu, 30% còn lại là thức ăn nhanh và đồ ăn nhà hàng, như vậy là người Việt có thói quen ăn mặn và nấu mặn.

Ông Bắc kêu gọi mỗi người đầu bếp gia đình giảm lượng muối, nước mắm, bột nêm, bột canh... khi nấu nướng.

Mục tiêu của Việt Nam là đến 2025 giảm được 30% muối ăn bình quân/người, tức là còn 7 gr/người/ngày, đến 2030 thì giảm tiếp về 5 gr/người/ngày là lý tưởng nhất.

Muốn giảm được muối, chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia hướng dẫn các nguyên tắc: giảm muối khi nêm nếm, nấu nướng; khi chấm thì nhẹ tay; lựa chọn các thực phẩm tự nhiên thay cho thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại