Không ăn gừng vào buổi tối
Theo Trung Y nhận định, gừng có vị cay, tính ấm, đi vào phổi, tỳ, vị có tác dụng tiêu đờm, giải độc, xua tàn hàn khí…
Vì vậy, vào khoảng thời gian bắt đầu ngày mới, khí trong dạ dày còn nhiều, ăn gừng vào lúc này sẽ khiến cho dương khí bốc lên, thải khí độc ra ngoài, tốt cho dạ dày và có tác dụng kiện tỳ.
Ngược lại, vào buổi tối, dương khí thu lại, âm khí trong cơ thể nhiều hơn, ăn gừng lại là một hạ sách. Tính nóng của loại củ này sẽ phát huy tác hại, gây đầy bụng, khó ngủ, lâu ngày sinh ra nóng trong.
Không dùng khi bị say nắng, sốt cao
Gừng tính nóng nên thích hợp dùng cho người cảm mạo, phong hàn, vị hàn phát nhiệt sau khi dầm mưa...
Chống chỉ định dùng gừng cho người bị cảm mạo thử nhiệt hoặc cảm mạo phong nhiệt. Trong trường hợp đi nắng về bị say nắng, say nóng tuyệt đối không được dùng gừng.
Với những người có dấu hiệu sốt cao thì tuyệt đối không ăn gừng, vì gừng có tính nhiệt càng làm cho thân nhiệt của người bệnh cao lên gây tổn thương các mạch máu, thậm chí xuất huyết.
Không ăn khi bị dạ dày
Đối với người bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày, tá tràng sẽ được các bác sĩ khuyên không nên ăn gừng, vì trong thành phần của gừng có những chất chủ yếu hoạt động trên các niêm mạc dạ dày.
Từ đó, các niêm mạc bị kích thích, bào mòn và gây ra những vết loét.
Không ăn khi mắc bệnh về gan
Gừng có tác dụng kích thích sự bài tiết của các tế bào gan khiến cho những tế bào này bị hoại tử trong tình trạng được kích thích. Vì thế người bị bệnh viêm gan cấp và mãn tính, xơ gan không nên ăn gừng.
Ngoài ra người bị bệnh sỏi mật, bị trĩ hay bị xuất huyết nếu ăn gừng thì tình trạng bệnh sẽ bị nghiêm trọng hơn.
Gừng ta lõi nhiều xơ, đường vân tròn,rõ nét và có màu vàng tươi. Ảnh minh họa.
Lưu ý: Khi ăn gừng không nên gọt vỏ vì vỏ có nhiều công dụng chữa bệnh. Quan sát, nếu gừng bị dập thì tuyệt đối không nên ăn vì gừng dập sẽ sinh độc tố.
Theo các chuyên gia, nếu yêu thích món gừng thì cũng không nên ăn quá 4g gừng/ngày để hạn chế tác dụng phụ của gừng lên sức khỏe.
Cách phân biệt gừng ta với gừng Trung Quốc
Về kích thước, có thể dễ dàng nhận thấy gừng Trung Quốc có kích thước lớn hơn, thân tròn, trông mọng nước hơn rất nhiều so với gừng ta.
Một củ gừng Trung Quốc có trọng lượng trung bình 3 - 5 g. Trong khi đó gừng ta chỉ đạt trọng lượng 0,5 - 1g.
Về màu vỏ, hình dáng bên ngoài, gừng Trung Quốc vỏ trơn, láng mịn, ít đường vân và dễ bóc vỏ. Gừng ta có da thường sần sùi, chia thành nhiều nhánh, có nhiều đường vân, màu tối hơn gừng Trung Quốc.
Về lõi gừng, khi bẻ đôi củ gừng, người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhận ra sự khác biệt ở lõi gừng. Lõi gừng ta nhiều xơ, đường vân tròn rõ nét và màu vàng tươi.
Trong khi đó, lõi gừng Trung Quốc rất ít xơ và gân, không có vân tròn và màu thì vàng nhạt hơn so với gừng ta.