Vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm K-15 Sagarika của Ấn Độ. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ấn Độ
Theo đài RT (Nga), Hải quân Ấn Độ ngày 14/10 đã tiến hành thử nghiệm thành công Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), được bắn từ INS Arihant, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sản xuất nội địa đầu tiên của nước này.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, tên lửa "đã tác động đến khu vực mục tiêu ở Vịnh Bengal với độ chính xác rất cao". Các quan chức quân sự không cung cấp chi tiết về loại tên lửa, nhưng nói rằng "tất cả các thông số hoạt động và công nghệ của hệ thống vũ khí đã được xác nhận."
Tàu INS Arihant là chiếc đầu tiên trong số 5 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) được Ấn Độ lên kế hoạch đóng trong nước, nằm trong dự án Tàu Công nghệ Tiên tiến (ATV) bí mật của Hải quân Ấn Độ.
Sau khi được triển khai hoạt động vào năm 2018, tàu ngầm này ban đầu được cho là trang bị 12 tên lửa đạn đạo K-15 ‘Sagarika’ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, trọng tải 1.000kg với tầm bắn tối đa khoảng 750 km.
Trong khi đó, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng của Ấn Độ đang phát triển một loại tên lửa mạnh hơn là K-4 với tầm bắn khoảng 3.500 km. Các tàu ngầm lớp Arihant sẽ có thể mang 4 tên lửa K-4.
Quân đội Ấn Độ coi INS Arihant là "yếu tố chính trong khả năng răn đe hạt nhân của New Delhi. "
Tên lửa K-4 sắp thử nghiệm là bản nâng cấp cho kho vũ khí răn đe hạt nhân của đất nước, nhưng tàu ngầm bắn nó mới là "nhân tố thay đổi cuộc chơi".
Theo nguồn tin của Economic Times, tên lửa phóng từ tàu ngầm K-4 có tầm bắn 3.500 km và dự kiến thử nghiệm vào giữa tháng 12. Các cuộc thử nghiệm trước đó được lên lịch vào tháng 11 đã bị ảnh hưởng bởi một cơn bão ngoài khơi bờ biển phía đông của Ấn Độ. Một vụ thử thành công sẽ đưa tên lửa có khả năng hạt nhân này tiến gần hơn đáng kể đến trạng thái hoạt động.
Tuy nhiên, vũ khí đó sẽ trở nên vô dụng nếu không có bệ phóng và đó chính là tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo tự chế đầu tiên của Ấn Độ.
Tàu INS Arihant có ý nghĩa quan trọng đặc biệt với New Delhi. Sau khi hoàn thành con tàu, Ấn Độ hoàn thành Bộ ba hạt nhân, đề cập đến các phương tiện triển khai vũ khí nguyên tử. Không giống như máy bay ném bom và tên lửa trên mặt đất, tàu ngầm được cho là khó tiêu diệt nhất trong bộ ba này.
Không có gì ngạc nhiên khi Ấn Độ tìm cách trang bị bộ ba hạt nhân khi họ có lẽ là quốc gia duy nhất có láng giềng là hai cường quốc hạt nhân - Pakistan và Trung Quốc, kèm theo những tranh chấp lãnh thổ kéo dài, từng dẫn đến chiến tranh.
New Delhi cam kết thực hiện học thuyết hạt nhân "không sử dụng trước". Tuy nhiên, bóng ma về một cuộc xung đột hạt nhân vẫn còn bao trùm khu vực, đặc biệt là do mối quan hệ cực kỳ khó khăn của nước này với Pakistan, đất nước bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa khủng bố xuyên biên giới.
Chuyên gia Shishir Upadhyaya, một cựu sĩ quan tình báo Hải quân Ấn Độ, cho biết tàu ngầm Arihant cung cấp cho Ấn Độ năng lực tấn công đáp trả, được đảm bảo trong trường hợp có nguy cơ tấn công hạt nhân.
Ông Upadhyaya khẳng định rằng một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) duy nhất "hoàn toàn không đủ để cung cấp khả năng răn đe toàn diện" và "Ấn Độ yêu cầu tối thiểu 4-6 SSBN", cùng với một hạm đội tàu ngầm tấn công chiến lược nhỏ hơn để bảo vệ chúng trên biển.