Tại sao chúng ta có phản ứng 'đông cứng' người, đứng chôn chân tại chỗ khi gặp nguy hiểm?

Nhật Minh |

Ngoài phản ứng 'chiến hay chạy', con người còn có một loại phản ứng thứ ba trước các mối đe dọa, đó là 'đông cứng người'.

Theo Tiến sĩ Rachael Sharman, giảng viên và nhà nghiên cứu chuyên ngành tâm lý ở Australia, có lẽ hầu hết mọi người đều biết tới phản ứng chiến-hay-chạy (fight or flight) khi đối diện với một tác nhân mang tính đe dọa. Ví dụ, nếu một con rắn bỗng từ trần nhà rơi xuống người bạn, bạn có 2 lựa chọn: chống lại con rắn hoặc bỏ chạy khỏi nó càng nhanh càng tốt.

"Chiến-hay-chạy" là một phản ứng sinh tồn mạnh mẽ mang tính nguyên thủy. Khi não bộ nhận ra mối nguy hiểm hoặc mối đe dọa, một lượng lớn adrenalin sẽ di chuyển qua tĩnh mạch của chúng ta, làm tăng nhịp tim, bơm máu đến các cơ và chuyển hướng sự chú ý của chúng ta về một trọng tâm duy nhất: Chống lại hoặc tránh xa mối đe dọa.

Chúng ta được định hướng mục tiêu một cách rất khác thường vào thời điểm đó. Bộ não của chúng ta có thể không xử lý (và do đó không thể nhớ được) bất cứ chi tiết nào không liên quan nào tới mục tiêu trên như màu sắc của con rắn, mà thậm chí cũng không nhớ nổi chúng ta thực sự đã làm gì để hất con rắn ra và chạy.

Nhiều người cho biết, họ chỉ 'hành động theo bản năng' và không nhớ rõ ràng về cách họ đã thoát khỏi hay chiến đấu với mối nguy hiểm ra sao.

Tại sao chúng ta có phản ứng đông cứng người, đứng chôn chân tại chỗ khi gặp nguy hiểm? - Ảnh 1.

Con người thường có phản ứng 'chiến hay chạy' trước mối đe dọa. Nguồn ảnh: Pixabay

Ai sẽ chiến đấu thay vì chạy trốn?

Những người có 'động lực tiếp cận' mạnh hơn (như người hướng ngoại, người chấp nhận rủi ro) thường có xu hướng nhìn về thứ họ có thể đạt được trong các tình huống. Ví dụ, nếu lần đầu tiên được yêu cầu thử món súp nhện, một cá nhân có 'động lực tiếp cận' có thể sẽ nghĩ theo hướng: "Hay đấy, trông thì gớm nhưng có khi lại ngon, mà kể cả nếu không ngon thì ít nhất ta cũng có thể đăng một bức ảnh đang ăn nhện lên trên Facebook, gây ấn tượng với đám bạn".

Những người này có thể sẽ có xu hướng tiếp cận với mối đe dọa bằng phản ứng 'chiến đấu'.

Trong khi đó, những người với 'động lực né tránh' thường có xu hướng nhìn về những thứ rủi ro hoặc tiêu cực trong các tình huống. Họ sẽ nghĩ: "Ôi trời! Súp nhện ư? An toàn thế quái nào được? Không những ghê ghê mà nhỡ đâu còn có độc nữa, mình sẽ nôn thốc nôn tháo trước mặt mọi người mất thôi, xấu hổ chết đi được!".

Những người này sẽ có xu hướng né tránh và chạy khỏi mối đe dọa.

Ngoài cơ chế kích hoạt phản ứng một cách vô thức của não bộ trước mối đe dọa, cũng như các kiểu tính cách tác động tới xu hướng 'chiến-hay-chạy', chúng ta còn chịu ảnh hưởng của cơ chế 'phán đoán và ra quyết định': "Tôi sẽ có xu hướng tiếp cận và chiến đấu cao hơn nếu tôi nghĩ rằng mình có đủ khả năng xử lý mối đe dọa".

Tương tự như vậy, trong trường hợp trên: Nếu tôi là một người vốn có đủ khả năng xử lý con rắn, ban đầu tôi vẫn sẽ hoảng sợ nếu con rắn bất ngờ lao tới, nhưng tôi sẽ nhanh chóng nhớ lại rằng tôi có đủ kỹ năng để ứng phó với nó.

Tại sao chúng ta có phản ứng đông cứng người, đứng chôn chân tại chỗ khi gặp nguy hiểm? - Ảnh 2.

Còn người có 3 hình thức phản ứng trước các mối đe dọa/nguy hiểm (Nguồn ảnh: etsy.com)

'Đông cứng' trước mối đe dọa

Ngoài phản ứng 'chiến hay chạy', con người còn có một phản ứng thứ ba trước các mối đe dọa hoặc nguy hiểm, đó là 'đông cứng người'. Phải chăng đây là phản ứng mở rộng của cảm xúc bất ngờ?

Chúng ta đều biết, 'bất ngờ' là cảm xúc mà ta thường trải qua khi một sự kiện đột ngột xảy ra. Lúc đó, chúng ta dường như cảm thấy mình cần dừng lại, xử lý thông tin để quyết định xem bây giờ nên 'chiến hay chạy'.

Tại sao chúng ta có phản ứng đông cứng người, đứng chôn chân tại chỗ khi gặp nguy hiểm? - Ảnh 3.

Đôi lúc chúng ta sợ đến nỗi 'đông cứng' người lại. Nguồn ảnh: freepik

Biểu cảm ngạc nhiên trên khuôn mặt của chúng ta sẽ nhằm phục vụ các mục đích sau: Mắt chúng ta mở to để tăng tầm nhìn ngoại vi nhằm quan sát môi trường xung quanh tốt hơn, chúng ta mở miệng và thở dốc để chuẩn bị hét lên và/hoặc bỏ chạy.

Mọi người cũng thường đứng sững lại khi kinh ngạc, họ dành toàn bộ sức lực để quyết định xem những gì đang diễn ra trước mắt là mối đe dọa, một trò đùa hay sự cố vô hại. Trong sự kiện bất ngờ chẳng hạn như xảy ra một vụ tấn công, nhiều người sốc tới mức họ đứng im tại chỗ.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phản ứng 'đông cứng' không chỉ đơn thuần là phản ứng mở rộng của cảm xúc bất ngờ.

Cơ chế 'giả chết'

Phản ứng 'đông cứng' có thể xảy ra khi bạn không thể lựa chọn 'chiến hay chạy'. Nói cách khác, đó là khi bạn bị chế ngự, áp đảo hoặc bị mắc kẹt, không có lựa chọn nào để chạy trốn hay chiến đấu.

Xét tới lịch sử tiến hóa của con người, tình huống nguy hiểm này có lẽ xảy ra thường xuyên nhất trong quá trình săn bắn, nơi con người phải đối mặt với nhiều loài thú ăn thịt. Khi đó, người cổ đại thường học theo những gì một số loài động vật vẫn làm, đó là 'giả chết'.

Trong trường hợp phản ứng 'đông cứng', bộ não nguyên thủy của chúng ta chiếm quyền kiểm soát và khiến chúng ta bất động với hy vọng rằng, bằng cách đó, 'kẻ săn mồi' sẽ mất hứng thú với chúng ta và bỏ đi chỗ khác.

Người ta cũng suy đoán rằng phản ứng 'đông cứng' phát sinh nhằm mang lại một số lợi ích về mặt tâm lý. Ví dụ, nhiều người từng trải qua phản ứng này cho biết họ nhớ rất ít, thậm chí không nhớ gì về chấn thương tâm lý đã trải qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại