Trẻ sinh ra trong thời kỳ đại dịch Covid-19 có thể bị chậm kỹ năng giao tiếp?

Anh Tú |

Các phát hiện mới công bố được xây dựng dựa trên những nghiên cứu trước đó cho rằng đại dịch có thể đã cản trở sự phát triển của trẻ sơ sinh.

Covid-19 khiến trẻ gặp khó khăn hơn trong giao tiếp

Kênh truyền hình NBC News của Mỹ dẫn một nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ sinh ra trong thời kỳ phong tỏa liên quan đến đại dịch Covid-19 phải mất nhiều thời gian hơn mới đạt được những mốc phát triển nhất định so với những đứa trẻ sinh ra trước đại dịch.

Cụ thể, ở thời điểm trước đại dịch Covid-19, cha mẹ thường quan sát thấy trẻ sơ sinh có thể chỉ vào đồ vật lúc 9 tháng tuổi. Đến 1 tuổi, nhiều em bé đã biết nói những lời đầu tiên.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới được công bố hôm thứ Ba (11/10) bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Bác sĩ phẫu thuật Hoàng gia ở Dublin, Ireland cho thấy trẻ em Ireland sinh từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2020 gặp khó khăn hơn trong giao tiếp lúc 1 tuổi so với trẻ sinh từ năm 2008 đến năm 2011.

Khoảng 89% trẻ sinh ra trong giai đoạn từ 2008 đến 2011 có thể phát âm một từ đầy đủ như "bát" hoặc "cốc" lúc 12 tháng tuổi, so với khoảng 77% trẻ sinh ra trong những tháng đầu của đại dịch. Tỷ lệ trẻ sơ sinh có thể chỉ vào đồ vật giảm từ 93% xuống 84% và tỷ lệ trẻ có thể vẫy tay chào tạm biệt giảm từ 94% xuống 88%.

Kết quả nghiên cứu dựa trên một bảng hỏi dành cho cha mẹ của 309 trẻ sơ sinh ở Ireland trong thời kỳ đại dịch. Vào khoảng sinh nhật đầu tiên của mỗi đứa trẻ, cha mẹ của chúng được hỏi liệu đứa trẻ có thể thực hiện 10 nhiệm vụ khác nhau, chẳng hạn như đứng lên hoặc xếp các viên gạch đồ chơi hay không.

Trẻ sinh ra trong thời kỳ đại dịch Covid-19 có thể bị chậm kỹ năng giao tiếp? - Ảnh 1.

Bác sĩ khám cho một em bé ở New York trong đợt đại dịch coronavirus đầu tiên vào tháng 4 năm 2020. Ảnh: Science

Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh những kết quả đó với một nghiên cứu đánh giá 10 kỹ năng giống nhau từ năm 2008 đến năm 2011. Cả hai nhóm cha mẹ đều được yêu cầu hoàn thành khảo sát càng gần ngày sinh của con họ càng tốt.

Trong phần lớn thời gian từ tháng 3 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021, Ireland đã đóng cửa nghiêm ngặt yêu cầu mọi người phải ở trong nhà ngoại trừ các hoạt động thiết yếu.

Tiến sĩ Susan Byrne, tác giả nghiên cứu và cũng là nhà thần kinh học nhi khoa tại Đại học Bác sĩ phẫu thuật Hoàng gia Dublin cho biết, một phần tư số trẻ trong nghiên cứu của bà chưa bao giờ gặp một đứa trẻ khác cùng tuổi vào ngày sinh nhật đầu tiên của chúng.

Khi các em bé được 6 tháng tuổi, trung bình gia đình các em chỉ được nhìn thấy 4 người khác bên ngoài gia đình và mỗi em bé chỉ được 3 người lớn, bao gồm cả bố mẹ ôm hôn.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi kỹ năng giao tiếp của trẻ sơ sinh bị chậm lại, tiến sĩ Byrne giải thích. "Nếu không có ai đến nhà bạn rồi ra về thì bạn sẽ không học được cách nói “tạm biệt, tạm biệt".

Liệu có đáng lo?

Chuyên gia Byrne cho biết việc khó chỉ ra đồ vật có thể xuất phát từ thực tế là trẻ sơ sinh chưa được làm quen với nhiều kích thích mới ngoài những gì bên trong ngôi nhà của chúng.

“Trẻ em biết chỉ trỏ, hoặc vì nhìn thấy một thứ gì đó bị rơi và chúng muốn tìm thấy nó, hoặc chúng quan tâm đến một thứ mới và chúng muốn xem nó. Rõ ràng, nếu bạn ở trong ngôi nhà thân yêu của mình suốt thời gian dài, bạn sẽ biết mọi thứ. Không có gì mới cả”.

Các phát hiện mới công bố được xây dựng dựa trên những nghiên cứu trước đó cho rằng đại dịch đã cản trở sự phát triển của trẻ sơ sinh.

Một số nhà nghiên cứu ở Trung Quốc phát hiện ra rằng những tháng đầu đại dịch có thể đã làm trì hoãn sự phát triển các kỹ năng vận động tốt. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những đứa trẻ đầu lòng tròn 1 tuổi vào năm 2020 bị chậm kỹ năng giao tiếp.

Tháng 1/2022, các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia (Mỹ) phát hiện ra rằng những trẻ sinh ra ở Thành phố New York từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2020 có kỹ năng vận động và kỹ năng xã hội kém phát triển hơn 6 tháng so với những trẻ sinh từ tháng 11 năm 2017 đến tháng 1 năm 2020.

Trẻ sinh ra trong thời kỳ đại dịch Covid-19 có thể bị chậm kỹ năng giao tiếp? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Getty

Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết là trạng thái cảm xúc của người mẹ khi mang thai có thể là một phần nguyên nhân, vì sự cô đơn hoặc căng thẳng lúc mang bầu có thể làm thay đổi sự phát triển não bộ hoặc hành vi của trẻ sau khi chúng được sinh ra.

Một số cha mẹ cũng có thể gặp khó khăn hơn trong việc tương tác với trẻ sơ sinh nếu họ cảm thấy bị cô lập hoặc chán nản về mặt xã hội.

Lauren Shuffrey, nhà khoa học tại Trung tâm Y tế Đại học Columbia cho biết, trong năm đầu tiên, kỹ năng giao tiếp của một em bé bị ảnh hưởng bởi số lượng các tương tác xã hội ít hơn là chất lượng của những tương tác đó.

“Có ai đó tương tác với trẻ sơ sinh, cho dù là một người hay hai người - là điều quan trọng nhất”, cô Lauren Shuffrey nói.

Tuy nhiên, cả Byrne và Shuffrey đều cho rằng những sự chậm trễ này không kéo dài lâu.

Shuffrey cho biết: “Tôi không nghĩ rằng những khác biệt nhỏ này và thực sự mới ở giai đoạn đầu đồng nghĩa với việc những đứa trẻ sẽ chậm phát triển trong cả cuộc đời. Đây thực sự là những khác biệt nhỏ và chúng ta cần thấy rằng não của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ điều chỉnh”.

Shuffrey cho biết con gái riêng của cô được sinh ra trong thời kỳ đại dịch và đã chuyển từ trạng thái cách ly xã hội sang đi học mẫu giáo và đi chơi. Những trải nghiệm mới đó sẽ định hình sự phát triển xã hội của bé về sau.

Trái ngược với các kết quả khác, các nhà nghiên cứu ở Ireland phát hiện ra rằng 97% trẻ sơ sinh chào đời thời đại dịch có thể bò lúc 1 tuổi so với 91% trẻ sinh sớm hơn trước đó.

Nhóm nghiên cứu của Byrne sẽ tiếp tục theo dõi để xem kỹ năng giao tiếp của những đứa trẻ thay đổi như thế nào khi được 2 tuổi, hoặc thậm chí có thể lớn hơn.

“Tôi nghĩ rằng dữ liệu của hai năm tuổi sẽ thực sự có nhiều thông tin”, Byrne nói. "Ở tuổi lên 2, chúng ta có thể xem xét tất cả các mốc phát triển tốt hơn để đánh giá tốt hơn những gì trẻ có thể làm vì chúng luôn có thể làm được nhiều việc hơn”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại