Điều này đang cho thấy những khó khăn trong việc phát triển nền công nghiệp quốc phòng trong nước ở Châu Á do quân đội không hài lòng với sản phẩm quốc phòng của họ.
Tháng trước, Hải quân Ấn Độ đã mời các hãng sản xuất tham gia gói thầu phát triển 57 máy bay tiêm kích cho tàu sân bay của lực lượng này. Chính phủ Ấn Độ đã hi vọng rằng hãng sản xuất máy bay Tejas của nước này sẽ giành được gói thầu.
Được chính phủ Ấn Độ phê duyệt vào năm 1983, máy bay Tejas đáng lẽ là xương sống của lực lượng Không quân Ấn Độ và được cho là sẽ đưa vào sử dụng vào năm 1994. Thế nhưng, quá trình phát triển nhiều năm chậm trễ do các nhà khoa học gặp khó khăn trong việc tự chế tạo các bộ phận của máy bay, trong đó có động cơ.
Vào tháng 12 năm ngoái, Đô đốc Sunil Lanba, Chỉ huy Hải quân Ấn Độ cho biết phiên bản hoạt động trên biển của Tejas "vẫn chưa đạt yêu cầu" và nó không thể cất cánh từ tàu sân bay sau khi được trang bị vũ khí.
Theo một nguồn tin trong Hải quân Ấn Độ, trong nhiều năm qua máy bay đã nhiều lần thử nghiệm thất bại khi cất cánh có vũ khí từ một tàu sân bay có boong dài 200m. Điều này đã khiến lực lượng này phải gửi đề xuất vào tháng trước để mua về một mẫu máy bay chiến đấu của nước ngoài.
Hãng Boeing của Mỹ đã đề xuất Ấn Độ mua máy bay F-A/18 Hornet do hãng này sản xuất, hiện vẫn được Hải quân Mỹ sử dụng, đồng thời cũng sẵn sàng để phi cơ này được lắp ráp tại Ấn Độ. Thêm vào đó, hãng Saab của Thụy Điển cũng khẳng định rằng họ sẽ thuyết phục Ấn Độ mua phi cơ Gripen của hãng.
Các nhà khoa học Ấn Độ cho biết họ cảm thấy thất vọng bởi quyết định của Hải quân Án Độ và rằng bất kỳ quốc gia nào cũng đều trải qua khó khăn khi chế tạo máy bay tiêm kích.
"Hãy nhìn vào F-35, nhờ nỗ lực của nhiều quốc gia trên thế giới, đang tự hoàn thiện mình", một nguồn tin trong dự án phát triển Tejas cho biết. "Việc chế tạo máy bay không thể làm nhanh được".
Hiện Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Châu Á khác đang đẩy mạnh phát triển phi cơ tiêm kích trong nước do những lo ngại rằng Mỹ sẽ không hỗ trợ an ninh cho khu vực này như trước đây dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng rất có thể phải mất nhiều thập kỷ nữa những quốc gia trên mới có thể có được phi cơ tiêm kích sản xuất trong nước do họ cần thời gian để hiểu rõ các công nghệ quân sự.
Là một phần trong chiến dịch phát triển khí tài quân sự nội địa của Thủ tướng Narendra Modi, máy bay Tejas sẽ có mặt trong một triển lãm hàng không tại Bangalore (Ấn Độ) vào ngày 14/2. Tuy nhiên máy bay này vẫn chưa được hoàn thiện và chỉ có 3 chiếc đang được Không quân Ấn Độ sử dụng.
Hàn Quốc và Indonesia hiện đang hợp tác với nhau và có kế hoạch phát triển máy bay chiến đấu hai động cơ KF-X, còn Đài Loan thì mới đây đã phát biểu rằng họ có dự định chế tạo 66 máy bay huấn luyện phi công, qua đó trở thành tiền đề phát triển máy bay chiến đấu trong tương lai.
Ông Chang Yeoung-keun, một cố vấn của dự án phát triển máy bay KF-X và là một giáo sư của Đại học Hàng không Hàn Quốc, cho biết việc chế tạo phi cơ này sẽ kéo dài hàng thập kỷ.
"Hàn Quốc cần phải phát triển những công nghệ cơ bản cho máy bay chứ không chỉ có phần bên ngoài", ông nói. "Tôi vẫn còn lo lắng bởi Hàn Quốc có thể phát triển những công nghệ này trong vòng 30 hoặc 40 năm nữa, nhưng chúng cần phải được hoàn thành trong 10 năm, trong khi các máy bay hiện có thì ngày càng lạc hậu".