Theo Reuters, một trận không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan trên không phận tại khu vực tranh chấp Kashmir diễn ra một ngày sau khi các máy bay Ấn Độ tiến vào lãnh thổ Pakistan để tấn công vị trí nghi là doanh trại của phiến quân chống Ấn Độ.
Một máy bay Ấn Độ đã bị bắn rơi và phi công bị bắt. Sau đó, phi công đã được phía Pakistan trả tự do.
Ấn Độ tuyên bố cũng đã bắn hạ một máy bay của Pakistan. Không quân nước này đã trưng bày các mảnh vỡ của một tên lửa bắn hạ F-16 của Pakistan.
Tuy nhiên, trong bài viết xuất bản ngày 4.4, Foreign Policy dẫn lời 2 quan chức quốc phòng Mỹ cho hay, quân nhân Mỹ đã hoàn tất việc đếm số tiêm kích F-16 của Pakistan nhưng không thấy thiếu chiếc nào.
F-16 là tiêm kích do Lockheed Martin sản xuất và theo thỏa thuận người dùng cuối cùng (mua để sử dụng chứ không đem đi bán lại), Mỹ yêu cầu nước mua tiêm kích cho phép kiểm tra thường xuyên để đảm bảo nắm bắt được số lượng và các tiêm kích này được bảo vệ, theo Foreign Policy.
Trước đó, chi tiết về cuộc không chiến không được không quân Ấn Độ-Pakistan công bố.
Ngày 5.4, Không quân Ấn Độ (IAF) ra thông cáo cho biết, máy bay MiG-21 của nước này đã hạ một chiếc F-16 ở khu vực Nowshera của Jammu và Kashmir. Hai chiếc máy bay đã rơi cùng ngày, một chiếc của Ấn Độ và chiếc còn lại thuộc về lực lượng không quân Pakistan (PAF).
"Một là chiếc IAF MiG-21 Bison và chiếc còn lại là một máy bay PAF. Những dữ liệu điện tử chúng tôi thu thập được cho thấy máy bay PAF là chiếc F-16" - tuyên bố nêu rõ.
Foreign Policy cho hay, Pakistan đã mời các quan chức Mỹ kiểm đếm vật lý các tiêm kích F-16 sau vụ việc. Một nguồn tin thông tin, một số máy bay không sẵn sàng cho kiểm đếm do đang thực hiện nhiệm vụ nên các quân nhân Mỹ mất vài tuần mới kiểm đếm xong.
Theo quan chức này, cho tới nay việc kiểm đếm đã hoàn tất và tất cả các tiêm kích còn nguyên.
Ấn Độ cũng có đề xuất riêng với Mỹ về việc xem xét liệu việc sử dụng tiêm kích F-16 của Pakistan có vi phạm thỏa thuận người dùng cuối cùng không.