Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia của Việt Nam cho biết, hôm nay (6/4), không khí lạnh cuối mùa sẽ tràn về, chấm dứt nắng nóng ở miền Bắc. Phía Đông Bắc Bộ là khu vực chịu tác động đầu tiên, sau đó không khí lạnh sẽ ảnh hưởng yếu đến Bắc Trung Bộ. Từ hôm nay, xuất hiện gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 2 - 3; vùng ven biển là cấp 3 - 4. Khiến cho Đông Bắc Bộ từ đêm nay trời lạnh, vùng núi có nơi trời rét. Nhiệt độ phổ biến 18-21 độ C, vùng núi có nơi dưới 17 độ C.
Theo các chuyên gia y tế, không khí lạnh ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe theo cách. Ví dụ như không khí lạnh dễ khiến cơ thể tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm đi. Hay nhiệt độ thấp, gió lạnh và hanh khô dễ gây ra các vấn đề liên quan tới hô hấp. Sự chênh lệch nhiệt độ ngoài trời với trong nhà hoặc giữa ngày và đêm cao cũng khiến cơ thể khó thích nghi, dễ bị sốc nhiệt.
Ảnh minh họa
Không khí lạnh kèm theo mưa phùn, độ ẩm không khí cao cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh, vi khuẩn và virus phát triển cũng như tấn công con người. Không khí lạnh cũng ảnh hưởng trực tiếp tới giảm tần suất vận động, khả năng lưu thông máu… Đặc biệt, với những người có thể trạng yếu, có bệnh nền, trẻ em hoặc người cao tuổi thì càng khó thích nghi khi nhiệt độ xuống thấp hơn và dễ mắc bệnh hơn.
Trong đó, có 5 vấn đề sức khỏe phổ biến mà chúng ta cần cẩn trọng mỗi khi không khí lạnh tràn về:
1. Không khí lạnh gây hạ thân nhiệt
Hạ thân nhiệt là tình trạng khi đo nhiệt độ ở hậu môn thấp hơn 35 độ C. Từ 34 - 35 độ C là hạ thân nhiệt nhẹ, từ 32 - 34 độ C là hạ thân nhiệt trung bình, từ 25 - 32 độ C là hạ thân nhiệt nặng còn dưới 25 độ C là hạ thân nhiệt nguy kịch.
Ảnh minh họa
Bác sĩ chuyên khoa lồng ngực và chăm sóc đặc biệt Huang Xuan (Đài Loan, Trung Quốc) nhắc nhở rằng hạ thân nhiệt rất thường gặp khi không khí lạnh tràn về đột ngột. Trong đó, người già, trẻ nhỏ, người uống bia rượu, suy dinh dưỡng, mắc các bệnh về tim mạch, có vấn đề về tuyến giáp… sẽ có nguy cơ bị hạ thân nhiệt cao hơn.
Khi bị hạ thân nhiệt, nhiệt độ toàn cơ thể sẽ giảm dẫn tới mệt mỏi, giảm khả năng vận động, đồng thời tim, hệ thần kinh và các khác không thể hoạt động bình thường.
Nếu không được điều trị kịp thời, hạ thân nhiệt có thể dẫn đến suy tim và hệ hô hấp, cuối cùng gây ra tử vong.
2. Không khí lạnh làm tăng nguy cơ đột quỵ
Giáo sư Xu Pingyi thuộc Đại học Y Quảng Châu (Trung Quốc) cho biết, đột quỵ là một trong những nỗi lo hàng đầu mỗi khi có không khí lạnh, nhất là nếu thời tiết chuyển lạnh nhanh và bất ngờ.
Bởi vì khi trời lạnh, nhiệt độ trong nhà và ngoài trời cũng như nhiệt độ giữa ban ngày với ban đêm có sự chênh lệch lớn. Điều này có thể dẫn tới tình trạng mạch máu co thắt, cơ thể giữ nước. Từ đó có thể làm cho huyết áp tăng cao đột ngột nên dễ dẫn đến các tai biến nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Trong khi đó, không khí lạnh khiến khả năng miễn dịch bị suy yếu đi. Nên nếu gặp các tai biến này rất dễ dẫn đến liệt, tử vong.
Ông nhấn mạnh thêm, mùa lạnh khiến người có bệnh tim mạch chuyển biến xấu hơn, nguy cơ suy tim, đột quỵ, tai biến… tăng cao hơn 15% so với các mùa khác. Người già chịu lạnh kém hơn, sức khỏe yếu hơn nên cũng là đối tượng dễ bị đột quỵ. Ngoài ra, những người trẻ không chú trọng giữ ấm, thường xuyên căng thẳng, ăn uống thiếu khoa học… cũng nằm trong “tầm ngắm”.
3. Không khí lạnh gây đau nhức xương khớp
Theo giải thích của Giáo sư Xu Pingyi, không khí lạnh khiến lưu thông máu kém hơn. Đó là do cơ thể cố gắng dự trữ năng lượng, khí lạnh vào da và làm mạch máu co lại. Lưu thông máu kém sẽ khiến lưu thông dịch khớp cũng như máu nuôi khớp giảm đi, làm tổn thương sụn và màng hoạt dịch khớp, gây đau xương khớp.
Ngoài ra, độ ẩm tăng cao vào mùa lạnh còn có thể làm đông hoặc co rút gân cơ khớp. Khi đó, các khớp bị khô cứng, gây hạn chế vận động và đau nhức hoặc sưng lên. Tình trạng đau nhức xương khớp, bệnh về xương khớp trở nặng vào mùa lạnh thường xuất hiện rõ ràng nhất vào sáng sớm, đêm muộn, khi trời mưa hoặc gió mùa tăng cao.
4. Không khí lạnh dễ gây dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết lạnh là tình trạng thường gặp và gây nhiều phiền toái cho người mắc phải. Nhất là khi không khí lạnh tràn về một cách bất ngờ trong điều kiện thời tiết đang nắng nóng hoặc hanh khô.
Bởi vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, chênh lệch quá lớn sẽ dẫn tới khó thích nghi và gây ra dị ứng thời tiết. Theo Giáo sư Xu Pingyi, thông thường thì cơ thể người sẽ có sự thích nghi tốt khi nhiệt độ môi trường xung quanh vào khoảng 20 - 30 độ C. Nên khi không khí lạnh tràn về sẽ dẫn tới hiện tượng rối loạn hệ miễn dịch cơ thể và gây ra những phản ứng dị ứng.
Những người dễ bị dị ứng thời tiết nhất và gặp biến chứng nặng nhất sẽ bao gồm người chịu lạnh kém, người miễn dịch yếu, người có tiền sử dị ứng (như hen phế quản…). Ngoài ra, sự sụt giảm nhiệt độ mùa lạnh và chênh lệch giữa ngày và đêm, giảm độ ẩm không khí còn gây các chứng khác như khô nẻ, mẩn đỏ, ngứa ngáy, sưng tấy…
5. Không khí lạnh gây viêm phổi
Nhắc đến những vấn đề sức khỏe khó tránh khỏi khi không khí lạnh tràn về thì không thể bỏ qua các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Huang Xuan nhắc nhở rằng, khi có không khí lạnh đột ngột thì phổi rất dễ bị ảnh hưởng, nhất là với trẻ em và người cao tuổi. Bệnh diễn tiến nhanh và nặng, có thể dẫn tới tử vong. Dấu hiệu viêm phổi thường là ho khan, ho khạc đờm, đờm màu trắng đục, màu xanh, vàng (đôi khi ho ra máu), có thể tức ngực, sốt, khó thở, nhịp tim nhanh… sức khỏe yếu đi, mệt mỏi.
Vì vậy, việc giữ ấm là vô cùng quan trọng, không chỉ là trong trang phục mà ngay cả với môi trường nghỉ ngơi và các thực phẩm khi ăn uống. Đồng thời, nên tăng cường vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nơi ở và nơi làm việc, chú trọng ăn uống và tập luyện để tăng cường sức đề kháng.