Tuổi thọ của con người ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau bao gồm những yếu tố có thể thay đổi được và những yếu tố không thể thay đổi được.
Trong một buổi phỏng vấn với Fox News Digital, tiến sĩ Gary Small, chuyên gia về trí nhớ, não bộ và lão hóa tại Hackensack Meridian Health (Mỹ) cho biết: “Đối với mỗi cá nhân, những thói quen mà họ duy trì mỗi ngày có tác động nhiều đến tuổi thọ và sức khỏe khi về già của họ hơn là yếu tố di truyền”.
Vị chuyên gia này nói thêm: “Ngay cả những người có cơ địa di truyền dễ mắc bệnh Alzheimer cũng có thể ngăn ngừa các triệu chứng của căn bệnh này trong nhiều năm bằng cách duy trì những thói quen sống lành mạnh”.
Theo đó, tiến sĩ Small chia sẻ, những người đoản thọ là những người thường có 5 thói quen dưới đây. Muốn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn, mọi người cần thay đổi ngay 5 thói quen này.
1. Luôn suy nghĩ tiêu cực
Suy nghĩ tiêu cực là yếu tố có thể cắt giảm đáng kể tuổi thọ, sức khỏe của con người. Tiến sĩ Small lưu ý, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng duy trì thái độ tích cực có thể giúp chúng ta sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn.
“Những người lạc quan ít gặp các vấn đề về cả sức khỏe thể chất và tinh thần hơn. Họ cũng có mức năng lượng cao hơn, bình tĩnh và hạnh phúc hơn trong cuộc sống, đồng thời ít phải trải qua các cơn đau về thể chất. Việc sống lạc quan cũng đã được chứng minh có thể tăng cường hệ miễn dịch, từ đó giúp ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm trong cơ thể”.
2. Lười vận động
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp nâng cao tuổi thọ. Tiến sĩ Small giải thích: “Hoạt động thể chất giúp cải thiện lưu thông máu, giúp cơ thể sản xuất thêm endorphin (hormone giảm đau tự nhiên của cơ thể), đồng thời tăng cường sức khỏe tim mạch, não bộ”.
Tiến sĩ Small cho rằng, việc tập thể dục, thể thao có thể là điều khó khăn đối với nhiều người. Tuy nhiên, một khi đã thực hiện được, họ sẽ cảm thấy mức năng lượng của mình cao hơn, có giấc ngủ ngon hơn và tâm trạng tốt hơn. Chính những lợi ích này sẽ thúc đẩy họ duy trì thói quen tập luyện.
Theo các chuyên gia, mọi người nên kết hợp nhiều bài tập khác nhau trong chế độ tập luyện của mình, trong đó có các bài tập rèn luyện sức mạnh và các bài tập rèn luyện sức khỏe tim mạch.
3. Có chế độ ăn uống không lành mạnh
Theo tiến sĩ Small, một chế độ ăn uống không lành mạnh với nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đường tinh luyện có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và nhiều bệnh lý liên quan tới tuổi tác khác. Trong khi đó, một chế độ ăn uống lành mạnh có thể ngăn ngừa được các chứng bệnh này, từ đó giúp gia tăng tuổi thọ.
“Béo phì ở tuổi trung niên làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ khi về già, do đó kiểm soát khẩu phần ăn sẽ giúp bảo vệ sức khỏe não bộ”, tiến sĩ Small cho hay.
Ngoài ra, vị chuyên gia này gợi ý, mọi người nên bổ sung axit béo omega-3 có trong cá và các loại hạt. Omega-3 có tác dụng giảm viêm nhiễm, đặc biệt là viêm nhiễm ở não, tim. Thêm vào đó, mọi người nên bổ sung thêm trái cây và rau củ vào chế độ ăn uống bởi đây là nhóm thực phẩm có nhiều chất chống oxy hóa, có thể giúp giảm những tổn thương liên quan tới căng thẳng oxy theo tuổi tác.
4. Căng thẳng kéo dài
Căng thẳng mạn tính làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và các bệnh lý về tim. Chính vì thế, để sống thọ, tiến sĩ Small khuyến cáo mọi người nên kiểm soát căng thẳng.
“Thiền hoặc các bài tập thư giãn giúp kiểm soát hiệu quả căng thẳng và tốt cho tuổi thọ. Chỉ cần 10 phút tập thiền mỗi ngày, bạn không chỉ cải thiện được tâm trạng mà còn tăng cường khả năng nhận thức”, tiến sĩ Small nhắn nhủ.
5. Không khám sức khỏe định kỳ
Tiến sĩ Small cảnh báo, các bệnh mạn tính như huyết áp cao, mỡ máu cao có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về suy giảm nhận thức, bệnh tim và rút ngắn tuổi thọ. Chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện sớm các căn bệnh này bằng cách khám sức khỏe định kỳ. Ngoài các căn bệnh này, khám sức khỏe định kỳ còn có thể phát hiện sớm nhiều bệnh ung thư.