400 tên lửa chống hạm Mỹ đang làm khó Trung Quốc

Anh Minh |

Nếu Đài Loan (Trung Quốc) có trong tay hàng trăm tên lửa chống hạm mà Mỹ đã đề xuất bán cho hòn đảo này, điều đó có thể khiến Trung Quốc thất vọng trong tương lai. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ và đe dọa sẽ thu hồi kể cả bằng vũ lực.

Chưa đầy một tuần sau khi cho phép bán 1,8 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông báo với quốc hội nước này hôm thứ Hai về một thương vụ bán vũ khí, khí tài quân sự cho hòn đảo này với giá 2,4 tỷ USD, bao gồm hàng trăm tên lửa chống hạm Harpoon và bệ phóng.

Thương vụ lớn này, nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, sẽ cung cấp cho Đài Loan nhiều hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon (HCDS) và 400 tên lửa phóng từ mặt đất RGM-84L-4 Harpoon Block II, những vũ khí có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, có thể tìm kiếm và hạ gục các tàu chiến đang ở giữa eo biển Đài Loan.

Cơ quan quân sự Đài Loan lần đầu tiên bày tỏ sự quan tâm đến việc mua lại các vũ khí này vào cuối tháng Năm.

Việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan không phải là hiếm, và thường ẩn chứa một số thông điệp. Theo Business Insider, thông qua chuyện đề xuất bán vũ khí, Mỹ gửi những tín hiệu chính trị để trấn an Đài Bắc và cảnh báo Bắc Kinh.

Họ cũng thực hiện các yêu cầu của Đạo luật Quan hệ Đài Loan và cung cấp khả năng quân sự tăng cường khi Đài Loan đối mặt với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Đặc biệt, tên lửa chống hạm Harpoon là cú tạt nước vào kế hoạch đánh chiếm Đài Loan của Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh từ bỏ hy vọng thống nhất hòa bình. Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực như một lựa chọn để đạt được thống nhất.

"Nếu người Trung Quốc nghiêm túc trong việc chiếm Đài Loan, một phần quan trọng sẽ liên quan đến một cuộc tấn công đổ bộ vì bạn chỉ có thể thả số lượng ít lính dù", Dean Cheng, một chuyên gia nghiên cứu về châu Á tại Heritage Foundation, nói với Insider.

"Và, lính dù thường được trang bị vũ khí nhẹ. Bạn cần phải điều lực lượng đổ bộ, lực lượng này sẽ đưa các đơn vị trang bị vũ khí hạng nặng hơn vào bờ."

Việc thực hiện một cuộc tấn công lớn xuyên eo biển có vẻ dễ dàng trong việc ra lệnh hơn là thực hiện.

Đổ bộ là một trong những hoạt động quân sự khó khăn nhất, và làm cho vấn đề tồi tệ hơn, eo biển Đài Loan gồ ghề và thường xuyên có bão. Cheng nói rằng một cuộc tấn công của Trung Quốc sẽ là "một cuộc tấn công đổ bộ trên một trăm dặm của một trong số các vùng biển tồi tệ nhất trên thế giới."

Gạt những thách thức đó sang một bên, quân đội Trung Quốc vẫn chưa đủ số lượng tàu chiến đổ bộ cần thiết để đưa một số lượng lớn quân vào bờ. "Theo ước tính của chúng tôi, họ chỉ có một số ít tàu, không đủ gần để đi và phát động chiến dịch như D-Day (quân đồng minh đổ bộ lên Normandy trong thế chiến 2-PV)", Cheng nói.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư mạnh hơn vào các loại tàu này. Trung Quốc đã hạ thủy tàu tấn công đổ bộ Type 075 đầu tiên vào mùa thu năm ngoái và nhiều chiếc khác đang được đóng. Cheng nói "một nhóm trong số này có thể đưa một lượng hỏa lực tương đối vào bờ."

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc gần đây rằng Trung Quốc "có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới." Báo cáo cũng nói rằng Trung Quốc "là quốc gia sản xuất tàu hàng đầu trên thế giới tính theo trọng tải và đang tăng cường năng lực đóng tàu”.

Báo cáo của quân đội Mỹ cũng nói rằng "Trung Quốc tiếp tục xây dựng các khả năng có thể góp phần vào một cuộc tấn công toàn diện", chỉ ra không chỉ các tàu tấn công đổ bộ mới mà còn cả các cuộc tập trận đổ bộ của Trung Quốc.

Lầu Năm Góc, như đã lưu ý trong các báo cáo trước đây, lập luận rằng điều đó cho thấy, Trung Quốc hiện chưa sẵn sàng thực hiện một cuộc tấn công toàn diện. Báo cáo viết: “Một nỗ lực tấn công Đài Loan có thể sẽ làm căng thẳng các lực lượng vũ trang của Trung Quốc và mời gọi sự can thiệp của quốc tế”.

Tên lửa chống hạm Harpoon khiến bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc trở nên rủi ro hơn nhiều.

Với những vũ khí này, Đài Loan "sẽ có thể sử dụng một hệ thống có độ tin cậy và hiệu quả cao để chống lại hoặc ngăn chặn các cuộc xâm lược đường biển, phong tỏa bờ biển và các cuộc tấn công đổ bộ", Bộ Ngoại giao Mỹ viết trong tuyên bố hôm thứ Hai.

Đài Loan có các tên lửa chống hạm phóng từ bờ của riêng mình - tên lửa chống hạm cận âm Hsiung Feng II và siêu âm Hsiung Feng III, nhưng các mô phỏng cho thấy Đài Loan thậm chí không thể quét sạch một nửa lực lượng tấn công của Trung Quốc với kho vũ khí hiện tại của mình.

Được hỏi hôm thứ Ba về thương vụ bán vũ khí trị giá 2,37 tỷ USD, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng "Trung Quốc sẽ thực hiện các hành động hợp pháp và cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích an ninh của mình."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại