"Tôi nhớ và viết lại những ký ức trong niềm thương nhớ các đồng đội tôi đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị năm 1971 và mùa hè năm 1972" - Đó là những dòng mở đầu bài ký ức chiến tranh của NGUYỄN ĐỨC MẠNH - lính sinh viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, CCB Sư đoàn Bộ binh 308 kể về những ngày tháng chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh trên chiến trường Quảng Trị một thời máu lửa.
Kỳ 1 - Trả giá đắt vì một lần chủ quan khinh địch
Có thể nói như vậy về cuộc chiến đấu ngày 1/4/1971 của Đại đội tôi tại chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.
Khi tham gia chiến dịch, tôi thuộc biên chế Sư đoàn bộ binh 308 - Đại đoàn Quân tiên phong Anh hùng. Đại đội chúng tôi là một đơn vị Anh hùng đã tham gia các trận phản kích, vu hồi, giữ chốt góp phần vào thắng lợi chung của cả chiến dịch.
Tác giả Nguyễn Đức Mạnh - Cựu chiến binh Sư đoàn bộ binh 308
Bị lộ!
Để chuẩn bị ra Bắc, Đại đội được cấp trên lệnh cho "đánh vét" một trận, cụ thể là đón lõng tiêu diệt quân ngụy tại khu vực làng Bùng thuộc huyện Cam Lộ để đơn vị có thêm thành tích, báo công.
Buổi sáng của ngày xuất kích, một đồng chí anh nuôi của Đại đội đi đánh cá bằng kíp nổ mang về một túi cá suối để nấu với lá tai chua và thịt hộp. Trong bữa cơm rất ngon và vui vẻ đó, tự nhiên có người nói:
"Đây là bữa cơm liên hoan trước ngày ra Bắc và có khi cũng là bữa cơm chia tay trong trận đánh hôm nay".
Đầu giờ chiều, chúng tôi xuất kích. Đi bên cạnh tôi là Đỗ Phan Liêm - lính sinh viên Trường Công nghiệp nhẹ, quê Hà Nội, cùng nhập ngũ, cùng huấn luyện với nhau ở ngoài Bắc.
Ngày hôm trước khi ra trận, tôi thấy Liêm xem lại thư từ, bưu ảnh… cái thì cất trong ba lô, cái thì đốt bỏ. Bây giờ đi bên nhau, thấy bạn ấy đăm chiêu, thoáng nét buồn trong ánh mắt, tôi đã có linh tính điều gì đó không lành, không ổn…
Chúng tôi hành quân với khí thế, tâm lý của người thắng trận và chuẩn bị được ra Bắc về quê thăm nhà. Chính vì thế mà nhiều anh em có phần chủ quan trong ngụy trang, coi nhẹ việc giữ bí mật.
Đang hành quân trên đường, bỗng chúng tôi thấy trên đầu có một chiếc máy bay trinh sát L19 bay qua, bay lại và bắn ra 2 quả pháo hiệu màu xanh và màu đỏ. Tôi vội hét lên:
"Anh em ơi… Bị lộ rồi!".
Vừa dứt lời thì pháo của địch từ đâu bắn đến, đồng thời hàng chục máy bay trực thăng vũ trang cũng ào ào bay tới bắn xối xả vào đội hình của chúng tôi.
Tất cả Đại đội không kịp triển khai đội hình chiến đấu chỉ còn biết nằm bẹp xuống tránh đạn pháo và chạy tìm nơi ẩn nấp.
Tôi và 3 người – gồm Đỗ Phan Liêm, Nguyễn Hữu Ch., quê Nghệ An, cũng là lính sinh viên Trường Công nghiệp nhẹ và Trần Kim Phát, quê Hải Phòng - nằm sát cạnh nhau.
Trên đầu chúng tôi, bọn lính VNCH trong máy bay trực thăng vừa ném lựu đạn vừa bắn xối xả vào tất cả những chỗ có cây cối đung đưa, động đậy vì chúng cho rằng bộ đội ta ẩn nấp ở đó.
Trong tình huống đó tôi chỉ còn chờ cái chết đến với mình. Tôi đã ôm đầu thầm nói lời vĩnh biệt bà nội tôi, bố tôi (mẹ tôi mất khi tôi còn nhỏ) và những người thân trong gia đình.
Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 36, Sư đoàn bộ binh 308 hành quân vào chiến trường. Ảnh tư liệu
Bỗng Đỗ Phan Liêm kêu: "Mạnh ơi! Tao bị thương rồi!". Tôi ngước lên vẫn thấy trực thăng bay lượn trên đầu liền bảo Liêm ráng chịu một chút vì bây giờ ngồi dậy băng bó là chúng nó nhìn thấy nó sẽ ném lựu đạn và bắn chết hết mấy thằng chúng mình đấy.
Ngay lúc đó tôi thấy cẳng chân trái của mình nhói đau, ươn ướt. Thấy mấy cái trực thăng quay đầu tôi liền nói to "Chúng mình chạy đi". Tôi đứng dậy thấy chân còn cử động, còn chạy được liền quay đầu cùng 3 anh em chạy ngược lại phía sau.
Chạy được hơn chục mét tôi nghe thấy tiếng rít của máy bay phản lực. Ngoái cổ nhìn lên tôi thấy 1 quả bom đen sì đang lao xuống. Thế là theo bản năng tự nhiên, tôi nằm sấp xuống đất, chỉ nghe một tiếp nổ lớn rung người rồi đất đá đổ xuống chùm lấp thân thể.
Tôi thấy mình mẩy ê ẩm, nhưng chưa chết nên cựa quậy cho đất đá rơi xuống rồi lại vùng lên chạy tiếp. Đến gần sát một gốc cây to thì tôi, Nguyễn Hữu Ch. và Trần Kim Phát nằm xuống im như chết.
Tôi nói ba thằng mình nằm đây nếu bọn nó đổ bộ xuống thì chúng ta chiến đấu. Thế rồi hoàng hôn buông xuống, bọn trực thăng đã bay đi, xung quanh im ắng, cả Đại đội không biết ai còn, ai mất.
Máy bay Mỹ ném bom. Ảnh minh họa.
Tôi nhìn quanh không thấy Ch. đâu cả. Còn tôi và Phát đi đến một cánh rừng nhỏ gần đó trú ngụ qua đêm đợi sáng hôm sau tìm đường về nơi đóng quân.
Cái xẻng cứu mạng!
Chúng tôi tháo xẻng đeo bên mình ra để đào hố trú ẩn. Thật kỳ lạ, cái xẻng quân dụng của tôi bị thủng một lỗ khá to. Tôi thầm nghĩ nếu không có cái xẻng này thì mình cũng toi đời rồi.
Lúc đó tôi mới có thời gian nhìn kỹ vết thương ở cẳng chân trái thì thấy lạ là viên đạn hay mảnh đạn bắn vào mà chỉ làm mẻ một chút ống xương xuyên thủng phần cơ rồi bay ra ngoài! Nếu nó xuyên thẳng vào ống chân thì chắc chắn tôi sẽ chết vì không chạy được.
Hai chúng tôi đào hố vừa để trú ẩn làm công sự chiến đấu nếu gặp phải thám báo của địch và nếu có hy sinh thì đó cũng là cái hố yên nghỉ của cả hai.
Thế mà Trần Kim Phát vẫn vô tư ngủ và lại còn ngáy nữa! Sáng hôm sau tất cả đều chìm trong yên lặng, hai chúng tôi tìm đường trở về đơn vị.
Mấy hôm sau chúng tôi mới biết tin Đỗ Phan Liêm đã hy sinh, còn Nguyễn Hữu Ch. đã bị địch bắt. Đau xót quá! Chỉ trong vài giờ mà Đại đội chúng tôi bị đánh cho tơi tả, gần một nửa quân số bị thương vong chỉ vì chủ quan, khinh địch!
Sau trận ấy, Đại đội chúng tôi ra Bắc tiếp tục huấn luyện để chuẩn bị cho chiến dịch năm 1972.
(còn tiếp)