Blue Zones (Vùng Xanh) là 5 khu vực trên thế giới có dân số sống lâu nhất và khỏe mạnh nhất: Ikaria, Hy Lạp; Loma Linda, California; Sardinia, Ý; Okinawa, Nhật Bản và Nicoya, Costa Rica. Chuyên gia về tuổi thọ Dan Buettner đã dành ra nhiều năm để nghiên cứu điểm chung giữa những người sống thọ. Đáng chú ý, người dân ở Vùng Xanh rất ưa chuộng những thực phẩm sau trong bữa ăn hàng ngày của họ:
Thực phẩm có nguồn gốc thực vật
Nhiều thế hệ sinh sống tại Blue Zones ăn 90-100% thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau củ, trái cây. Chế độ ăn chủ yếu là thực vật được chứng minh là tốt cho tim, ruột và não, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì, tiểu đường.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Julieanna Hever, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả đều góp phần duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) khỏe mạnh, có liên quan đến việc cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật còn chứa chất chống oxy hóa, có lợi cho não bằng cách bảo vệ não khỏi tác hại của các gốc tự do, từ đó ngăn ngừa nhiều bệnh mãn tính như ung thư.
Đa số thực phẩm trong nhóm này giàu chất xơ nên có khả năng giữ cho vi khuẩn tốt phát triển trong đường ruột, giúp cơ quan này khỏe mạnh hơn.
Thực phẩm chứa carb lành mạnh
Theo Dan Buettner, người dân Vùng Xanh tiêu thụ 65% lượng calo hàng ngày ở dạng carb, ăn đa dạng các thực phẩm chứa carb như: ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, các loại đậu và hạt, củ quả,... "Người dân vùng sống thọ rất yêu thích các loại đậu. Nếu bạn ăn khoảng 1 cốc đậu mỗi ngày, bạn có thể tăng thêm 4 năm tuổi thọ”, chuyên gia Buettner nhấn mạnh.
Carb là là một trong những nguồn năng lượng chính của cơ thể, giúp duy trì hoạt động của nhiều cơ quan. Ăn đủ lượng carb lành mạnh giúp cân bằng nhóm chất dinh dưỡng, duy trì cân nặng ổn định cải thiện sức khỏe tim mạch và ngăn ngừa tiểu đường.
Cà phê
Người dân Vùng Xanh thường uống cà phê vào buổi sáng. Dan Buettner cho biết cà phê là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa chính trong chế độ ăn uống của người Mỹ do sự phổ biến của loại đồ uống này tại xứ cờ hoa. Đây cũng là thức uống để khởi động ngày mới của người vùng Xanh Sardinia (Ý) trong khi người Costa Rica có thói quen uống nhiều cà phê loãng suốt cả ngày.
Cà phê cũng rất giàu chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm vitamin B5 (tạo ra các tế bào hồng cầu), mangan (phát triển và chuyển hóa xương), kali (hạ huyết áp), magiê (sản xuất năng lượng, cải thiện chất lượng giấc ngủ), và niacin (chuyển đổi vitamin thành năng lượng).
Một nghiên cứu năm 2021 của các bác sĩ tại thành phố Kansas (Mỹ) cho thấy uống cà phê liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 , trầm cảm, bệnh thoái hóa thần kinh, ung thư và bệnh gan.
Trà xanh
Theo nhà nghiên cứu Buettner, người Okinawa, Nhật Bản thường đổ đầy một bình trà 500ml và nhâm nhi cả ngày. “Caffeine trong trà được các nhà nghiên cứu ĐH Southampton (Anh) chứng minh là có tác dụng giảm tỷ lệ mắc tiểu đường, bệnh tim và bệnh Parkinson đồng thời tăng khả năng tập trung”, Buettner nói. Ông chỉ lưu ý không nên uống trà vào buổi chiều, đặc biệt nếu bạn nhạy cảm với caffein vì có thể khiến bạn khó ngủ.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Neva Cochran, trà xanh có nhiều chất chống oxy hóa được gọi là flavanol, có liên quan đến việc giảm cholesterol xấu. Ngoài flavanol, trà xanh còn giàu một loại chất chống oxy hóa được gọi là catechin, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do. Những chất này, cùng với hàm lượng caffeine và axit amin l-theanine cũng được tìm thấy trong trà xanh, giúp bảo vệ não bộ.
Trà xanh còn làm giảm đáng kể lượng đường trong máu lúc đói, ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2. Bên cạnh đó, chất EGCG của trà xanh được chứng minh có tác dụng ức chế sự phát triển của các khối u, giảm tỷ lệ mắc một số bệnh ung thư.